Bình minh Kỳ Phương

Để dự án FORMOSA đi vào hoạt động, chúng ta đã phải di dời hàng nghìn hộ dân thuộc 5 xã vùng ven biển của huyện Kỳ Anh (gồm Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Thịnh) đến khu vực khác. Ở nơi ở mới, dẫu còn đó những khó khăn trước mắt nhưng người dân nơi đây đã và đang hy vọng về một cuộc đổi thay lớn lao – hi vọng thoát nghèo. Và, hôm nay, những nét mới mang dáng vóc của cuộc sống hiện đại đang dần hiện lên khá rõ nét ở khu TĐC Kỳ Phương như bình minh của một ngày mới.

Nắng mới

Chúng tôi về xã Kỳ Phương và một số xã trong KKT Vũng Áng vào một ngày đầu thu ngập nắng. Nhìn những đụn cát trắng lấp lóa trải dài đến ngút tầm mắt ở hầu khắp các xã vùng Đông Nam Kỳ Anh này, đồng nghiệp của tôi ví von một cách khá hình tượng về cái “sự nghèo” của vùng g này. “Chỉ cách đây chừng dăm năm trở về trước, đứng trên Đèo Ngang nhìn xuống, tưởng tượng ai đó đặt một chiếc quạt máy có công suất lớn trên đỉnh đèo là có thể thổi bay tất cả những ngôi nhà lúp xúp như những bao diêm, xếp la liệt dưới kia”. Thật vậy, cái nghèo khó đeo đẳng bao đời đã khiến phần đông người dân quanh năm bám biển không thể cất nổi một ngôi nhà kiên cố, đủ sức chống chọi với phong ba bão táp. Mỗi mùa mưa bão đến, người dân lại run rẩy góp nhặt những thứ vật liệu để chằng chống lại nhà cửa, tránh khỏi bị bão đánh sập. Đất cát bạc màu, đất cằn sỏi đá ở cái xứ được mệnh danh là “chảo lửa túi mưa”; biển cũng bạc như cái tên “biển bạc” khi con cá con tôm cũng ngày càng cạn kiệt nên cuộc sống của người dân vùng này gần như không thể có con đường thoát nghèo. Vì thế, đói nghèo và thiên tai trở thành một vòng luẩn quẩn, trở thành những chuổi ngày dài u ám như muốn dồn con người vào nơi không lối thoát… Tuy nhiên, khi tiếp nhận dự án FORMOSA, các xã vùng này đã được chuyển lên các khu tái định cư khang trang, hiện đại. Và, khi nhà đầu tư đang đổ hàng chục ngàn tỷ đồng vào xây dựng dự án, cũng là lúc những dự cảm tốt đẹp đang đến gần, rất gần với người dân trong vùng.

Vẫn là tên đất, tên làng Kỳ Phương nhưng Kỳ Phương nay đã khác nhiều lắm. Từ tháng 3.2010, một nửa diện tích cùng dân số của xã đã được di dời lên khu tái định cư mới để nhường chỗ cho dự án FORMOSA – một dự án trọng điểm của khu vực miền Trung cũng như cả nước. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi đặt chân đến khu tái định cư Kỳ Phương bởi sự sầm uất của nó. Chỉ cách quốc lộ 1A vài trăm mét, một vùng ngói mới đỏ tươi bao la mọc lên giữa trời cao nắng mới; những con đường nhựa phẳng như lụa, những dãy đèn cao áp công cộng, những khu phố quy hoạch chỉnh tề trông thật đẹp mắt, cứ ngỡ như là phố. Cùng với san sát những ngôi nhà kiểu mới, khu hành chính cấp xã to đẹp nhất Hà Tĩnh đã hiện ra; rồi trạm y tế, các nhà hội quán khang trang và những ngôi trường cao tầng với khuôn viên đẹp cùng đỏ tươi màu ngói đang ánh lên những niềm tin mới…

Khu tái định cư Kỳ Phương ngỡ như thành phố

Khu tái định cư Kỳ Phương ngỡ như thành phố

Trong căn nhà mái bằng rộng rãi khang trang, bà Phan Thị Ứng không dấu được niềm vui, bà kể: Ngày nhận được đất, được tiền đền bù tại nơi ở cũ, cả nhà quyết định cất một căn nhà “cho ra tấm ra miếng” để ở. Sau hơn 3 tháng, căn nhà đã được hoàn thiện. Ngày đầu tiên đặt chân vào căn nhà còn thơm mùi sơn, nền lát gạch hoa sáng bóng, bước chân bà vẫn còn chênh chao lắm, cứ ngỡ không phải là sự thật. Bởi lẽ, gần trọn cuộc đời này, những bước chân của bà toàn gắn với cát, với sóng. “Không chỉ riêng tôi mà hầu hết người dân trong làng đều rất phấn khởi, nếu không muốn nói rằng nhờ dự án này, cuộc đời của những người dân nghèo như chúng tôi đã bước sang một trang mới. Dù trước mắt vẫn còn rất nhiều những khó khăn nhưng chúng tôi đều tin rằng, thế hệ con cháu mình sẽ được học hành đủ đầy, có công ăn việc làm đàng hoàng trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, điều mong muốn lớn nhất của chúng tôi bây giờ là con cháu sớm có công ăn việc làm ổn định để dựng xây cuộc sống mới”

Cùng có chung tâm sự như bà Ứng, anh Lê Văn Mùi cho biết: Chuyển về nơi ở mới, gia đình anh được cấp hơn 400m2 đất ở. Xây xong căn nhà lớn, số tiền còn lại anh bàn với vợ mua một chiếc xe tải, chuyên chở vật liệu xây dựng phục vụ cho bà con trong xã, cuộc sống của cả gia đình đến nay đã khá ổn định. “Về đây, điều kiện sinh sống của chúng tôi đã được nâng lên rõ rệt. Không ai còn phải lo lắng vào mùa biển động. Trường lớp cho bọn trẻ cũng rất khang trang, sạch đẹp, nước máy đã đến từng hộ gia đình trong xã… có được như thế này chúng tôi vui lắm!”.

Những trăn trở

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê văn Chương - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương rất vui mừng trước cuộc sống mới của nhân dân nhưng đồng thời cũng không dấu được những lo lắng: Sau khi có chủ trương của tỉnh, Đảng uỷ, chính quyền, UBMTTQ cùng các ban ngành của xã đã tích cực vào cuộc vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm vóc và vai trò quan trọng của dự án nên hều hết người dân đều hiểu và ủng hộ. Đến thời điểm hiện tại, 100% người dân thuộc diện tái định cư trong xã đã di dời xong và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên điều đáng lo nhất hiện nay vẫn là tạo nghề cho người dân mưu sinh. Hiện tại, cả xã có khoảng 2.000 người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm ổn định, trong khi dự án FORMOSA trong giai đoạn thi công chỉ giải quyết được việc làm tạm thời cho chưa đầy 100 lao động. Ở nơi ở cũ, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn có thể tự túc được lương thực, thực phẩm vì có ruộng và đi biển, còn ở khu tái định cư, mọi thứ đều phải đi mua. Để giải quyết tình trạng thiếu việc làm, xã cũng đã tổ chức lớp học nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan cho hơn 100 chị em phụ nữ trong xã. Về lâu dài, biết rằng cơ bản con em của mình sẽ được làm việc tại dự án FORMOSA nhưng trước mắt họ vẫn đang thiếu việc làm nên sắp tới xã sẽ xin chủ trương và cho quy hoạch một khu TTCN khoảng 10 ha để có thêm kênh giải quyết việc làm cho bà con nhân dân.

Một số loại cây trồng đã cho thu nhập

Một số loại cây trồng đã cho thu nhập

Đem những trăn trở nêu trên gặp ông Nguyễn Đình Vận – Phó Ban Trưởng quan lý khu kinh tế Vũng Áng, ông Vận cũng không dấu được những băn khoăn của mình: Về cơ bản khi thu thu hồi đất là thu hồi một cách triệt để để bàn giao cho nhà thầu nên người dân thiếu đất sản xuất, trong khi người dân chỉ quen đi biển và làm nông nghiệp. Đây là một khó khăn không nhỏ trước mắt. Chúng tôi đã tổ chức một số lớp đào tạo nghề và đã giải quyết việc làm được cho một số lao động. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, phân loại độ tuổi lao động để có hướng giải quyết hợp lý. Số người trẻ trong độ tuổi đi học sẽ được tạo điều kiện cho đi học tại các trường nghề, sau khi học xong sẽ bàn giao số lao động này cho các nhà đầu tư (đã có cam kết). Số lao động trung niên sẽ được khuyến khích vào các ngành dịch vụ, buôn bán, nghề phụ khác. Đối với số người hết tuổi lao động sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo trong khoảng thời gian liên tục 5 năm. Đồng thời, tỉnh sẽ thu hồi đất từ các dự án thiếu hiệu quả trong khu vực để chia lại cho người dân tái định cư làm đất sản xuất. Đến thời điểm này đang làm thủ tục để thu hồi khoảng 1.800 ha đất rừng từ các dự án để chia lại cho dân…

Nhìn chung, cuộc sống của người dân ở khu TĐC bây giờ đã từng bước đi vào ổn định. Ngoài sự hỗ trợ từ nhà nước, người dân đã biết đi làm thêm các nghề khác để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, ngay khi trả tiền đền bù, BQLKKT và chính quyền tỉnh các cấp đã có những khuyến cáo hợp lý nên nhân dân đã biết tiết kiệm tiền gửi ngân hàng. Với số tiền đền bù mỗi nhà hang trăm triệu đồng, thậm chí nhiều nhà lên đến hàng tỷ đồng nên hầu như đại đa số nhân dân đều còn dư một số tiền lớn gửi ngân hang lấy lãi. Nguồn lãi từ hàng trăm triệu tiền gửi góp phần không nhỏ cho người dân tái định cư ổn định cuộc sống, chờ ngày mới. “Vạn sự khởi đầu nan” nên không thể nói là cuộc sống của người dân khu vực TĐC không có những vất vả. Tuy nhiên, với những gì đang có, chúng ta tin rằng, cuộc sống của người dân trong vùng dự án rồi đây sẽ có những đổi thay lớn; tin rằng bình minh đang thực sự đến với cuộc sống của người dân nơi đây.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast