Bình minh phố núi

“Phố núi của tôi chưa thành tên gọi mà đã in trong tâm trí bao người...”. Xin mượn lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Thường để gọi Vũ Quang là phố núi. Những gì hoang dã nguyên sơ thì vẫn còn và sự trỗi dậy từ những bàn tay xây dựng đang biến xứ sở này thành phố xanh.

Bút ký

Non rất cao mà núi rất xanh

Khách lạ vào rừng Vũ Quang, nếu mải mê nghe chim rừng hót, nhìn hoa rừng nở bừng bên dòng suối róc rách có thể lạc lối về bởi bốn phía cây rừng bao bọc. Rừng Vũ Quang thuộc quần thể Bắc Trường Sơn, có độ cao từ 200 - 2.000m. Những ngọn núi sau buổi chiều tà, gối đầu lên những tầng mây xốp như núi Khe Tre, núi Bành, Cẩm Làng, Hồng Lừu, núi Đáp… Muôn ngọn núi giống như ngàn pho sách thần thoại, người đời chưa giở hết trang. Chốn sơn lâm kỳ vĩ này có 3 hệ suối lớn, gồm: Khe Truồi, Khe Tre, Khe Mang Đằng đổ vào sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố.

Thị trấn Vũ Quang. Ảnh Sỹ Ngọ
Thị trấn Vũ Quang. Ảnh Sỹ Ngọ

Vũ Quang nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên ngày mưa nhiều hơn ngày nắng. Không có những cơn mưa bất chợt mà mưa triền miên, dai dẳng, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11...

Đã bao đời người dân xứ này thích “chui rú” để khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng hoặc gieo ngô, trỉa đậu. Cánh đàn ông có đôi tay to bè và rắn như gỗ lim. Phụ nữ ở gần sông, nước da trắng không kém gì gái sông La và biết bơi giỏi. Rất hiếm những địa danh rừng núi có tên trên bản đồ Việt Nam như xứ sở này với khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích hơn 16.000 ha. Tài nguyên động thực vật rất phong phú.

Theo điều tra của các nhà khoa học, hiện có 307 loài thực vật bậc cao, thuộc 237 chi, 99 họ... Nhiều loài gỗ quý như trầm hương, cẩm lai, song bột, sao hải nam, pơ-mu, gọ... Nếu chỉ dừng lại ở mức này chưa đủ, rừng Vũ Quang còn xuất hiện nhiều loài cây làm thuốc chữa bệnh. Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang hào phóng đón các động vật về đây quần tụ và sinh sống. Ngoài sao la, rừng Vũ Quang còn có 26 loài chim, thú quý hiếm khác. 3 loài thú đặc hữu là chà vá chân nâu, voọc gáy trắng, vượn má vàng.

Rừng Vũ Quang không chỉ là nguồn dự trữ về gen động vật, mà còn là địa hình lợi thế nhất trong chiến lược quân sự… Chính vì thế mà cụ Phan Đình Phùng cảm tác đề thơ:

Non rất cao mà núi rất xanh

Núi non linh hiển giúp cho mình...

Bình minh xanh phố núi

Cứ mỗi năm qua đi, rừng Vũ Quang thêm một tuổi lớn và phố núi Vũ Quang thêm một tuổi xanh. Sức xanh không chỉ được thiên nhiên ban tặng, mà còn trỗi dậy từ bàn tay, khối óc con người.

13 năm sau ngày thành lập, hôm nay trở lại thị trấn Vũ Quang, tôi đứng trên cầu Hương Đại để nhìn xa, trông rộng, thấy diện mạo Vũ Quang như một chàng trai tráng kiện chạy đua vượt sức thời gian với những ngôi nhà sầm uất, những cột sóng thu phát truyền hình và viễn thông cao vời. Những con đường nhựa lượn vòng cung trái núi, sông thêm cầu, người ly hương tìm về quê định cư. Chợ ngồn ngộn những mặt hàng giao thương từ mọi nẻo. Nhắc tới cầu phao Hương Đại, có người khó hình dung nổi và càng khó hình dung hơn những ngôi nhà tranh lè tè ven sông Ngàn Sâu những mùa thu cũ...

Trang trại tổng hợp của anh Lê Khánh Toàn ở thôn 6, xã Đức Bồng (Vũ Quang) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Trang trại tổng hợp của anh Lê Khánh Toàn ở thôn 6, xã Đức Bồng (Vũ Quang) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

Câu chuyện rôm rả vào thời điểm này là xây dựng NTM. Bí thư Huyện ủy Phạm Hữu Bình tâm sự: “Xây dựng NTM đối với huyện miền núi Vũ Quang còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng tiêu chí nào Vũ Quang làm được thì tập trung sức mạnh tổng hợp để vào cuộc”. Điều khá bất ngờ là chỉ sau vài năm, Vũ Quang đã có bước tiến trong sản xuất hàng hóa, khẳng định được khả năng vượt trội so với sản xuất nhỏ lẻ. Từ những chính sách thông thoáng, nhiều gia đình đã mở hướng làm ăn lớn.

Toàn huyện có 42 mô hình gia trại, trang trại trồng cây ăn quả với diện tích 135 ha. Điển hình như xã Sơn Thọ - quê mía, quê chè, quê cam. Sản phẩm nào Sơn Thọ cũng tạo dư vị riêng, khẳng định sản phẩm của mình, được “thượng đế” tin dùng. Vùng quê Đức Bồng hơn 3 thập kỷ qua đã thịnh phát nghề trồng cam chanh, cam bù. Chủ hộ Lê Khánh Toàn hiện trồng 7 ha cam, 4 ha sau khi thu hoạch cho lợi nhuận 400 triệu đồng/năm. Anh Lê Vũ Quang trồng 4 ha cây ăn quả gồm cam bù, cam chanh thu nhập 220 triệu đồng/năm.

Nói về hai chữ “làm ăn”, bà con nơi đây đều cho rằng, nếu tìm được thị trường lớn, Vũ Quang sẽ làm tăng gấp ba bốn lần cả trồng trọt và chăn nuôi. Toàn huyện hiện có 132 mô hình chăn nuôi lợn quy mô từ 20-500 con. Người dân Vũ Quang đã biết đa dạng hóa vật nuôi như trâu, bò, hươu, ong… và các loại gia cầm khác bằng kinh nghiệm truyền thống kết hợp với áp dụng tiến bộ KHKT.

Nhắc đến phố núi Vũ Quang, không ai có thể quên sự kiện lớn về dự án công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Một công trình dù lớn hay nhỏ, khi triển khai sẽ có những khó khăn, hệ lụy nhất định, kéo dài. Từ những ngày nổ mìn phá đá đầu tiên để thi công công trình đập đầu mối đã có hàng chục gia đình tự nguyện đến lập nghiệp ở vùng đất mới. Nhưng chuyện 800 hộ dân ở khu vực lòng hồ, trong đó có 400 hộ thuộc diện tái định cư tập trung vẫn là một bài toán khá hóc búa. Điều mấu chốt nằm ở khâu dân chủ trong bàn bạc, công khai minh bạch trong chính sách đền bù. Điều gì dân chưa hiểu phải kiên trì thuyết phục để dân hiểu, điều gì dân chưa nghe phải giải thích tường tận bằng văn bản chỉ thị và luật pháp để dân nghe.

Anh Đặng Khánh Trình - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hương Điền cho biết: “Ngay khi có chủ trương, tôi đã làm tốt công tác tư tưởng cho vợ con để chuyển toàn bộ nhà cửa và tài sản tới vùng đất mới. Rồi tới bác Đường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, anh Hoàn - Bí thư Chi bộ xóm Kiều, hay chị Dung - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cũng hăng hái lên đường”. Có lẽ sự đồng hành này đã có sức cuốn hút “làng nước” theo sau. Để hôm nay, trong sắc biếc trời thu, từ khu tái định cư Hói Trung đến Khe Ná - Khe Gỗ, những cô bé, cậu bé có thể thỏa sức ngắm vầng trăng xanh như ngọc, chiêm ngưỡng những ngôi trường mới xây, những con đường mở ra, những vườn cây xanh đang gọi cánh chim về.

Trong ngổn ngang công trình thủy lợi hôm nay, dường như tâm hồn mỗi con người đang chờ đợi âm thanh của dòng nước ngọt từ Ngàn Trươi - Cẩm Trang cùng tiếng reo vui của người dân phố núi.

Tháng 9/2013

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast