Bộ Y tế: Thay vắcxin Quinvaxem phải dựa trên bằng chứng khoa học

Trước những ý kiến cho rằng vắcxin Quinvaxem tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không an toàn và vắcxin có chứa thành phần ho gà vô bào Infanrix Hexa (6 trong 1) hoặc Pentaxim (5 trong 1) sử dụng dưới hình thức tiêm dịch vụ là tuyệt đối an toàn, ngày 6/11, Bộ Y tế khẳng định không có loại vắcxin nào là an toàn 100%.

Bộ Y tế: Thay vắcxin Quinvaxem phải dựa trên bằng chứng khoa học ảnh 1

Vắcxin Quinvaxem. (Nguồn: Vietnam+)

Việc tử vong sau tiêm có thể xảy ra ở tất cả các loại vắcxin

Bộ Y tế cho biết mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên, một số rất ít lại có phản ứng mạnh với vắcxin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.

Việc tử vong sau tiêm chủng có thể xảy ra ở tất cả các loại vắcxin kể cả các loại vắcxin như vắcxin phòng bệnh lao, viêm gan B chứ không phải chỉ có Quinvaxem; không phải tất cả các trường hợp tử vong sau tiêm chủng là do nguyên nhân phản ứng quá mẫn cá thể đối với vắc xin mà còn có nguyên nhân trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng (tại Việt Nam mỗi ngày có khoảng 70 trẻ em dưới 1 tuổi bị tử vong do các nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng huyết, viêm não-màng não, viêm phổi, suy hô hấp, bệnh tim bẩm sinh, chết đột tử, sặc sữa....).

Bộ Y tế nêu rõ vắcxin Quinvaxem là vắcxin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh viêm màng não/viêm phổi nặng do vi khuẩn Hib gây ra. Như vậy chỉ cần một mũi tiêm đã có thể phòng được 5 bệnh cho trẻ em.

Nghiên cứu lâm sàng đáp ứng kháng thể đối với vắcxin Quinvaxem cho thấy tỷ lệ sinh kháng thể bảo vệ phòng bệnh sau khi tiêm 3 liều vắc xin là 100% đối với bệnh bạch hầu, uốn ván; 98% đối với bệnh do Hib gây ra; 97% đối với bệnh ho gà và 94% đối với bệnh viêm gan B. Đây là loại vắcxin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng.

Trên thế giới, vắcxin Quinvaxem đã được sử dụng tại hơn 90 quốc gia với hơn 400 triệu liều. Tại Việt Nam vắcxin Quinvaxem đã sử dụng từ năm 2010 thay thế vắcxin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) đã sử dụng trong tiêm chủng mở rộng từ năm 1984.

Số lượng vắcxin mỗi năm sử dụng là 4,5 triệu liều để tiêm cho khoảng 1,5 triệu trẻ em và đến nay đã có khoảng 24,9 triệu liều vắcxin Quinvaxem được sử dụng. Từ đầu năm 2015 đến nay đã sử dụng trên 3 triệu liều trong tiêm chủng cho trẻ vào lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi.

Tỷ lệ tiêm chủng vắcxin này hàng năm đạt trên 90% góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh viêm màng não/viêm phổi nặng do vi khuẩn Hib gây ra trong khi tại một số nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang bùng phát một số bệnh dịch bạch hầu, ho gà,…

Thay thế vắcxin phải dựa trên các bằng chứng khoa học

Bộ Y tế nhấn mạnh việc thay thế vắc xin cần phải dựa trên các bằng chứng khoa học không thể cứ xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng là thay thế ngay loại vắcxin đang sử dụng. Để thay thế cần tìm hiểu rõ vấn đề an toàn tiêm chủng, tính sinh miễn dịch của loại vắc xin dự kiến thay thế; tiếp đó là nguồn cung ứng vắcxin, nguồn tài chính bảo đảm. Tuy nhiên, bất kỳ loại vắcxin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định và không thể khẳng định vắcxin mới thay thế khi được triển khai sẽ không gây ra tử vong.

Việc thay thế vắcxin Quinvaxem bằng vắcxin phối hợp chứa thành phần ho gà vô bào cũng đã được đặt ra, tuy nhiên còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay, nguồn cung ứng các vắcxin này (Infanrix Hexa, Pentaxim) trên thế giới và tại Việt Nam rất khó khăn, không có để sử dụng ngay cả trong tiêm dịch vụ.

Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà sản xuất không có khả năng cung ứng đầy đủ do họ thay đổi quy trình công nghệ, địa điểm và kế hoạch sản xuất.

Các hãng cần nhiều thời gian hơn trước mới có thể đưa được sản phẩm ra thị trường đáp ứng nhu cầu của các nước. Đây cũng là lý do khiến các nhà sản xuất không ưu tiên cung ứng cho các nước chưa đưa vắc xin này vào tiêm chủng mở rộng mà chỉ cung cấp cho các nước đã đặt hàng với số lượng lớn từ mấy năm trước.

Từ nay đến cuối năm, thậm chí hết năm 2016, sẽ vẫn khan hiếm 2 loại vắcxin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1. Nếu tiếp tục chờ đợi, trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B...

Bộ Y tế nghiêm cấm lợi dụng việc khan hiếm vắcxin để trục lợi, đồng thời khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn hàng trôi nổi (nếu có) sẽ không bảo đảm chất lượng, giá thành cao. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đặc biệt là trẻ em, Bộ Y tế đang xem xét các giải pháp; trong đó có giải pháp thay thế khi có đủ các bằng chứng khoa học và có nguồn cung ứng đủ vắcxin thế hệ mới, đảm bảo nguồn tài chính trong đó sử dụng vắc xin an toàn, hiệu quả được đặt lên hàng đầu…

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast