Bông bưởi trắng vùng sơn cước

(Baohatinh.vn) - Đón chúng tôi trên con dốc tít tắp hai hàng dó trầm là người phụ nữ thấp đậm, da ngăm đen. Nhìn chị linh hoạt trong chiếc áo bảo hộ màu nâu đỏ, tôi lại nhớ vẻ bối rối, lúng túng khi chị diện áo dài truyền thống dự Đại hội thi đua yêu nước do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hôm nào... Chị là Trần Thị Khang - Giám đốc HTX An Khang (xã Phúc Trạch - Hương Khê).

Những phụ nữ bình dị (bài 3):

>> Tiểu đội trưởng Dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Nghị lực phi thường và sự cố gắng không biết mệt mỏi của chị Trần Thị Khang đã đem lại những thành quả đáng nể phục

Nghị lực phi thường và sự cố gắng không biết mệt mỏi của chị Trần Thị Khang đã đem lại những thành quả đáng nể phục

Từ “chân” chấp hành hội phụ nữ xã...

Chị Khang sinh ra và lớn lên ở Phúc Trạch rồi lấy chồng, lập nghiệp cũng trên chính mảnh đất năm nắng mười mưa này. Cái nghèo, cái đói thấm vào trong giọng nói, bước chân. “Thuở trước, nghèo khó vô cùng; hạn hán lũ lụt quanh năm, có khi trầy trật làm lụng cả năm, chỉ một cơn lũ lại trắng tay” - chị nhớ lại. Người nông dân vùng sơn cước vốn thuần hậu, an phận. Chị Khang dĩ nhiên cũng mang trong mình bản tính đó. Tuy vậy, từ ngày được vận động tham gia công tác hội phụ nữ xã, được tiếp xúc với nhiều thông tin, được đến nhiều nơi, biết về những cách làm hay, những tấm gương phụ nữ biết tìm tòi, vượt lên số phận, chị Khang bắt đầu trăn trở, nghĩ suy về cách thoát nghèo cho gia đình mình.

Năm 2000, chị mạnh dạn vay vốn sửa sang chuồng trại, mở rộng quy mô nuôi đàn lợn 10 con. Lứa đầu, do không có kĩ thuật, 10 con lợn giống sau vài tháng chỉ còn 6 con, nhưng sau khi bán vẫn cho lãi khá. Được chồng ủng hộ, chị tiếp tục đầu tư nuôi 20 con lợn thịt. Khi mô hình “vườn – ao – chuồng” (VAC) trở thành điển hình ở một số địa phương, chị Khang lặn lội vào Quảng Bình, ra Nghệ An để học tập kinh nghiệm. Chị cùng chồng đào ao, mua cá giống về thả. Một lần rồi hai lần, cá chết trắng hồ, chị cũng không vì thế mà nản chí. Thiếu kiến thức, chị mày mò tìm hiểu; thiếu kinh nghiệm, chị lặn lội đi học tập, thiếu vốn thì chị vay. Đến năm 2005, kinh tế gia đình chị đã thực sự thay đổi từ chuồng lợn, ao cá. Không chỉ thoát nghèo, gia đình chị còn trở thành hộ giàu của xã. Chị chia sẻ: “Có được ngày hôm nay, tôi luôn biết ơn Hội LHPN huyện và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho tôi được đi nhiều nơi, biết nhiều chuyện, từ đó, thay đổi nhận thức và hành động để xây dựng kinh tế gia đình”.

Những khi rảnh rỗi, chị Khang còn ra vườn thụ phấn cho bưởi

Những khi rảnh rỗi, chị Khang còn ra vườn thụ phấn cho bưởi

... Đến khai phá đồi trọc Đôộng Cúng

Năm 2006, chị nhận thầu 2,5 ha đất rừng vùng Đôộng Cúng (thuộc xóm 9) là vùng đất trống, đồi trọc chưa được khai phá để xây dựng trang trại. Nhận đất rồi, chồng chị ái ngại: “Hoang vu quá, mông lung quá mẹ nó ạ!”. Chị trấn an: “Rứa mới cần bàn tay người khai phá. Mình phải tạo động lực cho con cái lao động”. Thế rồi, mặc cho người làng bỏ hoang đất đã nhận, một mình gia đình chị Khang phát cây, san đất làm đường vào Đôộng Cúng. Được vay 60 triệu đồng từ các nguồn vốn ưu đãi, chị trồng cây dó trầm, bưởi, đào 3 ao thả cá và xây dựng chuồng trại để nuôi lợn. Sự quyết đoán của người phụ nữ nhỏ bé ấy đã vượt qua được những ái ngại của người nông dân vốn an phận thủ thường.

Năm đầu tiên, chị Khang ra Nghệ An mua 70 con lợn giống về nuôi và thắng lớn. Nhưng đến lần thứ hai, lợn bị bệnh chết sạch. “Cái khó ló cái khôn”, chị nảy ra ý định nuôi lợn nái để tự túc nguồn giống. Năm 2010, trang trại của gia đình chị đã có 1.000 gốc dó trầm, 300 gốc cam, 100 gốc bưởi, 3 ao cá, 300 con gà thả đồi, 200 con vịt trứng, 100 con lợn thịt và 20 con lợn nái đủ cung cấp giống cho gia đình và một số hộ lân cận.

Năm 2012, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Trần Thị Khang đã đứng ra thành lập HTX Chăn nuôi An Khang; tuyên truyền, vận động 7 thành viên trước đây là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia. Từ sau khi thành lập HTX, đàn lợn của gia đình chị Khang luôn duy trì ở mức 200 con.

Năm 2014, khi chính quyền địa phương vận động bà con xây dựng mô hình nuôi 500 con lợn liên kết với doanh nghiệp, chị Khang lại một lần nữa muốn thử sức. Tuy nhiên, lần này chị gặp phải sự phản đối quyết liệt của chồng, con. Ngày chị thuê máy phá 1.000 m2 đất trồng cam để xây chuồng nuôi lợn, chồng không vào trang trại. Nhưng khi chuồng trại xây xong, chồng con cũng nguôi giận và cùng chị xây dựng mô hình. Được hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, 500 con lợn đã xuất chuồng thành công, mang lại lợi nhuận trên 80 triệu đồng... Cùng với thả cá, nuôi gà thịt, vịt lấy trứng và trồng cam, bưởi, hàng năm, trang trại ở Đôộng Cúng của gia đình chị Khang lãi ròng 300 - 400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng.

Độ này, hoa bưởi trong trang trại của gia đình chị Khang đang lên hương dịu dàng. Mùi hương thầm lặng và bình dị như chính chủ nhân của khu vườn vậy. Chúng tôi trở về khi chiều đã buông sương tím núi. Con đường dẫn vào Đôộng Cúng mà xe chúng tôi đang bon bon lăn bánh được làm nên bởi công lao của người phụ nữ bé nhỏ ấy. Và với chúng tôi, chị chính là bông bưởi trắng, bình dị và lặng thầm dâng hương cho đời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast