Bữa cơm gia đình trong đời sống hiện đại

(Baohatinh.vn) - Không đơn thuần là để duy trì sự sống, bữa cơm của người Việt còn chứa đựng bao giá trị về văn hóa ẩm thực và văn hóa ứng xử. Vậy nhưng, trước quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, những bữa ăn gia đình đang ít dần, đây thực sự là điều đáng lo ngại…

Nước ta vốn có nền văn minh lúa nước với mô hình bữa ăn là cơm – rau – cá (hoặc thịt). Cũng bởi thế mà bữa ăn được gọi chung là bữa cơm, tuy giản đơn nhưng mang tính tổng hợp và tính cộng đồng sâu sắc. Hình ảnh cả gia đình quây quần bên mâm cơm với thức ăn chung và bát nước mắm chấm chung đã tạo nên một nét văn hóa rất riêng của người Việt. Tính tổng hợp được thể hiện rõ trong cách chế biến, cách chọn nguyên liệu hay các loại gia vị. Nó được so sánh với câu tục ngữ: “Nấu canh suông ở truồng mà nấu”. Tùy từng mùa, từng vùng, miền mà thức ăn được lựa chọn khác nhau, miễn sao đảm bảo cân bằng âm dương - tính hàn, nóng của món ăn. Mặt khác, sự tổng hòa về dinh dưỡng hay cách thức bài trí về màu sắc theo thuyết ngũ hành phương Đông cũng được coi trọng.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Ứng xử văn hóa trong bữa ăn cũng là một nguyên tắc đặc trưng thể hiện tính cộng đồng của người Việt. Nếu như với người phương Tây, thức ăn được đưa lần lượt, ai có suất người ấy, tránh nói chuyện trong khi ăn; thì ở mâm cơm người phương Đông, mọi người cùng quây quần trò chuyện vui vẻ. Trước khi dùng bữa, người ít tuổi phải có lời mời, khi ăn phải nhai nhỏ nhẹ, thức ăn không được gắp đảo ngược từ dưới lên trên, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “liệu cơm gắp mắm”… Từ ăn uống mà có cách thức để giáo dục, nuôi dạy con cái.

Trên tất cả những ý nghĩa đó, bữa cơm là dịp để gia đình đoàn tụ sau khoảng thời gian bận rộn với công việc thường nhật, giúp gắn kết tình cảm và tạo sự gắn bó giữa các thành viên. Cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, gia đình truyền thống (gia đình nhiều thế hệ) dần được thay thế bởi gia đình hạt nhân. Quá trình đô thị hóa cũng khiến cho quỹ thời gian của mỗi người dành cho gia đình ít dần. Các bữa ăn trong gia đình vì thế mà hiếm khi đầy đủ thành viên, thậm chí, không được duy trì thường xuyên.

Tại một nhà hàng trên đường Hàm Nghi, chị Lê Thùy N. (27 tuổi) chia sẻ: “Mình làm dịch vụ trả góp thuộc Ngân hàng VPBank, giờ làm không cố định mà xen kẽ giữa các ngày trong tuần. Chồng lại hay đi công tác nên 2 mẹ con thường đi ăn ngoài cho tiện”. Nhiều học sinh khi được hỏi cũng trả lời rằng, bữa ăn của gia đình hiếm khi đầy đủ mọi người, hoặc người ăn trước, người ăn sau hoặc có khi các em chỉ ngồi ăn với người giúp việc.

Công việc, học hành cuốn con người vào guồng quay bận rộn. Họ ăn trưa tại công sở, trường học, tan ca không cùng một giờ nên bữa tối cũng chỉ chuẩn bị qua loa. Hơn nữa, các quán, hàng mọc san sát, đa dạng từ đồ ăn nhanh cho đến phục vụ tận nhà. Những bữa ăn tại siêu thị, nhà hàng vì thế được ưu tiên hơn, con người dần chuộng món Tây, kiểu ăn Tây hơn là những thứ thuần túy Việt Nam.

Người ta thường nói, phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình, và việc giữ lửa ấy trước hết ở chuyện bếp núc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngày Gia đình Việt Nam năm 2014 lại có chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương”. Bữa cơm ấy tạo sự gần gũi, gắn kết giữa mọi người và hơn hết là nhân tố quan trọng duy trì hạnh phúc gia đình. Ở đó không chỉ cần bàn tay người phụ nữ mà cần phải có sự đoàn kết, sẻ chia của tất cả các thành viên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast