Cái khó bó cái khôn!

(Baohatinh.vn) - Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân da cam

Mái nhà chung cho nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/điôxin đã được xây lên từ biết bao tấm lòng và tâm huyết, nhưng nó có thể mang lại ý nghĩa như tên gọi hay không đòi hỏi cách thức tổ chức quản lý hợp lý và chiến lược phát triển lâu dài...

>>Niềm vui ngắn chẳng tày gang...!

cai kho bo cai khon

BS Nông - PGĐ Trung tâm giới thiệu về loại thuốc đặc biệt dùng để giải độc, xông hơi được Trung ương hội nạn nhân chất độc da cam/điooxin nhập về từ Mỹ

Luẩn quẩn tìm “danh phận”…

Việc xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân CĐDC/điôxin ban đầu xuất phát từ tấm lòng tri ân đồng đội của những cựu chiến binh trở về từ chiến trường. Tấm lòng của họ nhanh chóng được đền đáp, cộng hưởng từ cộng đồng khi ngày càng nhiều nguồn hỗ trợ tìm đến. Người cho tiền xây nhà, nơi cung cấp thiết bị học nghề, khám chữa bệnh…

Ngày 29/7/2010, UBND huyện Cẩm Xuyên ra quyết định thành lập trung tâm (lúc bấy giờ thuộc Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin huyện Cẩm Xuyên). Theo đó, dành một diện tích xây dựng trung tâm tại thị trấn Cẩm Xuyên. Sau đó, để phù hợp với “ngành dọc”, trung tâm này lại một lần nữa được tuyên bố ra đời bởi Quyết định số 72/QĐ-HNN ngày 12/7/2012 của Hội nạn nhân CĐDC tỉnh. Như vậy, trung tâm - từ tổ chức thuộc huyện lại trở thành “đứa con” của Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Tiến - Phó Chủ tịch hội cho biết: “Hội đã gửi tờ trình xin UBND tỉnh thành lập hội và được chấp thuận chủ trương. Tuy nhiên, phần cơ chế tài chính lại do ngân sách trung tâm tự vận động và một phần hỗ trợ của Tỉnh hội. Trong khi đó, việc vận động lại phụ thuộc hoàn toàn vào các tổ chức từ thiện nên rất khó đảm bảo chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân. Nhiều lần Tỉnh hội đề nghị UBND tỉnh cho trung tâm được hưởng chế độ đặc thù nhưng chưa có kết quả”.

Trả lời về vấn đề này, bà Phan Thị Tố Hoa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Nguyên tắc hoạt động của tổ chức hội tuân theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội. Trong đó, nêu rõ hội được gây quỹ trên cơ sở hội phí của hội viên và các hoạt động kinh doanh dịch vụ theo quy định pháp luật để tự trang trải kinh phí hoạt động. Riêng về cơ chế đặc thù (được cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao; bảo đảm kinh phí để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động) do Thủ tướng Chính phủ quy định, trong đó, chỉ có Tỉnh hội và các hội cấp huyện được hưởng, còn Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân CĐDC/điôxin là đơn vị thuộc Tỉnh hội, do Tỉnh hội ra quyết định thành lập thì không được hưởng chế độ đặc thù theo nghị định này”.

Luẩn quẩn tìm “danh phận”, trung tâm vẫn phải duy trì đủ “ban bệ” như một tổ chức nhà nước nhưng lại chỉ hưởng phần trợ cấp ít ỏi hàng tháng từ “mẹ” Tỉnh hội vốn chẳng khá khẩm về tài chính tự chủ.

cai kho bo cai khon

Phòng khám trợ thính được trang bị cách âm và máy móc hiện đại với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng nhưng vẫn không thu hút được bệnh nhân.

“Cái khó bó cái khôn…”

Giữa khuôn viên của một trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc dành riêng cho nạn nhân CĐDC khá bề thế, quy củ do những người đi đầu là Đại tá Nguyễn Đình Lộc, Đại tá Nguyễn Xuân Hệ… tâm huyết, vun đắp là sự lạnh lẽo, vắng lặng đến tê lòng. “Cái khó bó cái khôn”, nhằm tìm cho mình một lối thoát, ngoài phụ thuộc vào hỗ trợ từ thiện, Tỉnh hội đã thành lập phòng khám dịch vụ (được Sở Y tế cấp phép), trước là phục vụ đối tượng, sau là mở rộng dịch vụ tăng tài chính cho trung tâm nhưng kết quả không như mong muốn.

Bác sỹ Nguyễn Công Nông - Phó Giám đốc trung tâm không giấu nổi nỗi buồn: “Từ khi mở cửa đến nay, chúng tôi chỉ duy trì được một số hoạt động khám, tư vấn miễn phí cho nạn nhân. Ở đây, gần Bệnh viện Đa khoa huyện lại tiện đường ra tuyến tỉnh nên người dân có muốn khám bệnh cũng chẳng tìm đến trung tâm”.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Tiến - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin tỉnh thì những năm gần đây, việc vận động nguồn hỗ trợ không còn dồi dào như trước đã khiến cả trung tâm lẫn Tỉnh hội rơi vào khó khăn. Tỉnh hội buộc phải “cắt xén” đủ đường để nuôi bộ máy hoạt động ở đơn vị con, trong khi trung tâm lại chẳng khác nào “chới với giữa dòng”!

Đành rằng, ngay từ khi mới thành lập, trung tâm đã không mấy “thuận buồm, xuôi gió” nhưng rõ ràng, cơ quan chủ quản đã quá thụ động trong việc hoạch định chiến lược hoạt động, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng. Việc kết nối các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân từ thiện chỉ mang tính nhát đoạn, thiếu đồng bộ và chuyên nghiệp. Do vậy mà rơi vào tình cảnh “đầu voi, đuôi chuột”! Đó là chưa kể, trung tâm hoạt động thiếu hiệu quả không chỉ gây lãng phí, phụ công những tấm lòng từ thiện mà còn gây ấn tượng không tốt cho những nhà tài trợ đến sau. Trong khi đó, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước cũng còn cứng nhắc trong việc tạo cơ chế cho trung tâm và phó mặc sự sinh tồn cho Tỉnh hội.

Dẫu không phải là tổ chức đặc thù của Nhà nước nhưng nhìn nhận ở góc độ nhân văn thì Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân CĐDC/điôxin cũng cần được quan tâm đặc biệt. Nếu không thể cho họ một cơ chế thì cũng nên tạo hành lang, kết nối nguồn lực một cách thường xuyên hơn, đảm bảo ít nhất mục đích hoạt động tối thiểu của trung tâm là nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân CĐDC. Bởi ở đó có những con người hiến tuổi thanh xuân để giành quyền độc lập, tự do cho đất nước hôm nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast