Can Lộc - dấu son văn hóa và cách mạng

Trong lịch sử văn hiến của Hà Tĩnh, vùng đất Thiên Lộc xưa, Can Lộc ngày nay nổi lên như một dấu son đỏ thắm. Dấu son ấy được làm nên bởi bao trí tuệ, tâm hồn, mồ hôi và xương máu của những thế hệ cư dân đã sỉnh ra lớn lên, kiên cường đấu tranh với thiên tai, giặc giã, tạo ra bản sắc một vùng quê thu hút du khách cả nước và bạn bè năm châu đến viếng thăm.

Nơi lắng hồn sông núi

542 năm trước, năm Quang Thuận đời vua Lê Thánh Tông (1469) Thiên Lộc là một trong 6 huyện của phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Năm 1854 niên hiệu Tứ Đức, huyện được đổi thành Can Lộc do phủ Đức Thọ làm kiêm lý ( năm 1822 phủ Đức Quang đổi thành phủ Đức Thọ). Được bao bọc bởi dãy Hồng Lĩnh phia bắc và Trà Sơn phía Tây cùng con song Nghèn với nhiều chi lưu đổ ra cửa Sót, bao đời nay, Can Lộc như một cái nôi nuôi dưỡng biết bao thi nhân hiền tài, nhà văn hóa, nhà khoa học, đặc biệt là những người anh hùng tô đẹp trang sử Việt Nam. Chiều cuối năm Tân Mão 2011, về thăm lại mảnh đất đã khiến hàng triệu trái tim xúc động, chúng tôi ngỡ như mỗi bước chân đi đều chạm vào hồn thiêng sông núi, đều như bắt gặp bóng dáng ông cha trong từng trang đời tươi mới.

Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc về đêm.

Theo con đường từ trung tâm huyện lỵ đi về phía Tây, chúng tôi qua vùng Trảo Nha, quê hương của thi sĩ Xuân Diệu, người đã làm rung động hàng triệu tâm hồn bởi những thi phẩm lãng mạn, đầy men say. Về Trường Lộc, chợt nhớ câu phường vải thưở xa xưa, khi Nguyễn Du vượt núi Hồng, đò Cài đem theo đám trai phường nón sang hát đối đáp với các cô thôn nữ Trường Lưu. Còn đó chợ Quan, nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy với ba cha con ông cháu nổi danh sử sách: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ. Còn đây dấu tích “ Phúc Giang thư viện” lưu giữ hàng trăm bản sách bằng gỗ và “Trường Lưu học hiệu”, Trường học tư thục đầu tiên của nước ta đâ đào tạo nên bao nhiêu hiền tài gắn với tên tuổi nhà văn hóa Nguyễn Huy Oánh. Người Trường Lưu hôm nay tuy không còn hát ví phường vải, không đi chợ Quan, không đọc sách gỗ nhưng vẫn giữ côt cách phong độ của những người lấy đạo học làm lẽ sống ở đời. Xa hơn một chút, phía bên kia của Sạc Sơn (núi Cài) là làng Yên Huy (Yên Lộc) nổi tiếng nói lối, rồi xã Song Lộc, quê hương của Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính mà gần đây sử sách nhắc đến rất nhiều.

Đi về Đồng Lộc, Phú Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc, những hình ảnh đau thương và quật khởi năm 1968 hiện về . Cầu Tùng Cóc, nơi liệt sĩ Võ Triều Chung ngã xuống, cầu Tối, nơi hai dũng sĩ phá bom Lê Đăng Dương và Phan Văn Tài hy sinh, hòa tan máu xương mình vào đất đai quê nhà. Và đây, trọng điểm của túi bom, ngã ba Trường Thành (tên cũ của Ngã Ba Đồng Lộc), nơi 10 cô gái trong trắng của Tiểu đội 4-C553-Tổng đội TNXP 55 đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước. Chúng tôi ngỡ như còn thấy hình bóng các chị và đồng đội từ nơi xóm nhỏ Mai Long xã Xuân Lộc, phía sau dãy đồi Bãi Dịa đi ra ngã ba với dáng vẻ hồn nhiên, bất chấp nguy hiểm.

Hương Tích tự - Ảnh: Đình Thông
Hương Tích tự - Ảnh: Đình Thông

Ngày cuối năm, thời gian ít ỏi mà sao chúng tôi cứ muốn đi thật nhiều, dù chẳng phải chưa lần nào đặt chân đến, cảm giác mỗi ruộng lúa bờ tre, con đường ngõ nhỏ đều thân thương như chính quê hương của mình. Đi về phia Đông theo con đường huyện lộ, tầm mắt chúng tôi chạm dãy Ngàn Hống xanh thẳm nghìn trùng. Từ trên đỉnh cao nhất của ngọn Chóp Cờ-Rú Ông.mây phủ có ngôi chùa Hương ẩn mình, dấu trong đó câu chuyện huyền thoại về công chúa Ba Diệu Thiện con vua Trang Vương nương náu tu hành, trở thành Phật Bà quan Âm bổ tát che chở cho chúng sinh qua khỏi bể khổ. Chùa Hương sắp vào mùa lễ hội với tấp nập du khách. Nhờ Công ty Cổ phần đầu tưu phát triển Hồng Lĩnh đầu tư hàng chục cáp treo nên mùa nay bước chân lên đỉnh núi của khách thập phương đã đỡ mỏi mệt hơn năm trước. Dưới chân núi là xã Thiên Lộc anh hùng, quê hương của nhà giáo nổi tiềng Võ Liêm Sơn, người thầy của những nhà cách mạng nổi tiếng. Đó cũng là nơi hai người con gái trong Tiểu đội 10 cô đã gửi lại tuổi thơ với những kỷ ức ngọt ngào để ra đi vì non sông đất nước. Phía bên kia là xã Tùng Lộc, quê hương của hai cha con Đặng Tất Đặng Dung thế kỷ XV đã hy sinh thân mình để giữ trọn khí tiết, để lại cho đời hình ảnh “mài gươm bóng nguyệt” và những câu thơ bi tráng thấm đẫm tỉnh yêu nước vang vọng với núi sông

Chảy mãi dòng máu Xô viết anh hùng

Như mỗi người dân Việt Nam khi đi qua trung tâm thị trấn Nghèn- Can Lộc, chúng tôi cùng ngước nhìn lên khu tượng đài Ngã Ba Nghèn uy nghi cao vọi dưới trời xanh, không khỏi bùi ngùi nhớ về những ngày tháng sục sôi khí thế Cách mạng và đau thương ngất trời của 81 năm về trước. Ngày ấy, sau khi Đảng bộ tỉnh lâm thời được thành lập trên con đò nhỏ ở bến Thượng Trụ do đồng chí Nguyễn Trung Thiên làm Bí thư, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đổ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay các Xô-viết. Hàng vạn người nông dân áo vải từ khắp huyện Can Lộc và từ Thạch Hà kéo về ngã ba Nghèn biểu tình. Kẻ thù hung bạo đã dìm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong biển máu. 42 người đã anh dũng ngã xuống cho độc lập tự do của dân tộc.

Can Lộc - dấu son văn hóa và cách mạng ảnh 3

Xô Viết Nghệ Tĩnh đỉnh cao phong trào cách mạng những năm 1930 - 1931

Nhưng dòng máu Xô - viết anh hùng mấy chục năm qua vẫn chảy hừng hực trong huyết quản của người dân vùng quê Cách mạng. Can Lộc là một trong những huyện đầu tiên giành chính quyền sớm nhất ở Hà Tĩnh năm 1945 và là nơi nuôi dưỡng, hun đúc khí tiết cho những người con gái con trai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: La thị Tám, Nguyễn Trí Ân, Phan Như Cẩn, Nguyễn Xuân Lực, 10 cô gái Đồng Lộc v.v Làng Hạ Lội xã Tiến Lộc nghèo khó với những người dân bình dị nhưng những ngày cao điểm của năm 1868 đã làm nên huyền thoại K130: 130 ngôi nhà được dỡ ra để lát đường và nhường đường cho 130 chiếc xe chờ hàng phục vụ chiến trường Miền Nam đánh Mỹ. Con sông Già nhỏ bé bình yên chảy quanh làng mỗi sớm mỗi chiều còn rì rầm kể mãi câu chuyện của những người nông dân yêu nước không tiếc của cải máu xương cho ngày thống nhất đất nước.

Chiến tranh kết thúc, Can Lộc là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất trong toàn tỉnh. Nhưng từ bờ vực đau thương, người dân quê hương Xô Viết đã sát cánh bên nhau khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới

“Phải làm giàu trên đồng đất quê hương!”

Xúc cảm bồi hồi trước phút giây chia tay năm cũ, trong căn phòng ấm cúng dưới chân núi Nghèn, Bí thư Huyện ủy Bùi Đức Hạnh-người đã gắn bó với quê hương Can Lộc hàng chục năm ròng sôi nổi nói về những giá trị truyền thống ông cha đang được nhân lên trong hiện tại. “Can Lộc luôn “đứng đầu dậy trước”, truyền thống văn hóa và cách mạng của Can Lộc luôn được phát huy trong mọi thời điểm. Hiện nay, ngoài Quang Lộc và Thiên Lộc được nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới đồng thời là xã làm điểm chỉ đạo xây dựng NTM còn có các xã Đồng Lộc, Khánh Lộc, Thanh Lộc. Riêng Thiên Lộc đã đạt 17/19 tiêu chí NTM” . Thiên Lộc là xã điển hình “thành thị hóa nông thôn”. Hiện toàn xã có 400 nhà cao tẩng, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Riêng Trường Mầm non là một trong những trường đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh, được nhiều tỉnh bạn đến tham quan học tập. Toàn xã có 600 người đi xuất khẩu lao động, mang về lượng kiều hối không nhỏ.

Máy gặt đập liên hợp trên đồng đát Can Lộc

“Huyện khuyến khích và tạo cơ chế cho người dân làm giàu trên đồng đất của mình. Không thể trông chờ từ ngoại lực mà phải tự đổi mới tư duy, tự đi lên trên chính quê hương của mình!”- Ông Hạnh khẳng định.

Cuộc cách mạng về cơ giới hóa ở Can Lộc đã diễn ra sôi nổi với trên 3240 máy móc phục vụ nông nghiệp, trong đó có 1900 máy làm đất và 20 máy gặt đập liên hợp. Toàn huyện đã phát triển đàn hươu lên 600 con, 130 ha cây cao su phát triển tốt. Công ty chăn nuôi Phú Lộc có 20 vạn con lợn được nuôi bẳng công nghệ hiện đại . Toàn huyện có 400 trang trại, có trang trại doanh thu từ 1-3 tỷ đồng. Nhờ chuyển dịch cơ cấu gống, mùa vụ, hiện Can Lộc đã đạt sản lượng trên 7 vạn tấn lương thực . Làng mộc Tràng Đình (Yên Lộc) có 359 hộ ăn nên làm ra, thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện nay Can Lộc có 23 dự án lớn nhỏ được đầu tư. Một số sản phẩm được sản xuất ở Can Lộc đã có thương hiệu như rượu Khánh Lộc, gạch tuy nen Thiên Lộc…15/23 xã đã khép kín đường bê tông. Năm 2011 toàn huyện có 17 HSG Quốc gia, 326 em đạt HSG tỉnh, 33 trường học đạt chuẩn, trong đó có 14 trường đạt chuẩn giai đoạn 2, là đơn vị dẫn đầu phong trào giáo dục của tỉnh, 22/23 trạm y tế đạt chuẩn.

Năm Nhâm Thìn đang mở ra cho quê hương Can Lộc những hy vọng mới về một tương lai đổi mới, mạnh giàu, khắc đậm thêm dấu son văn hóa và Cách mạng,

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast