Can Lộc tập trung mọi nguồn lực để sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng lũ

Lũ rút cũng là lúc nguy cơ đói nghèo đe doạ người dân Can Lộc (Hà Tĩnh). Trước thực trạng đó, huyện đang tập trung mọi nguồn lực để từng bước khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân.

Sau khi nước rút, để khắc phục khó khăn trước mắt, Can Lộc đã phân phối 30 tấn mì tôm, 8.000 lít nước khoáng cùng 25 tấn gạo kịp thời đến với bà con những vùng bị chia cắt, ngập nặng để cứu đói. Những ngày tiếp theo, từ những chuyến xe tình nghĩa, từ những tấm lòng tương thân tương ái đã giúp huyện nhà có thêm 60 tấn gạo, hàng ngàn thùng mì tôm, lương khô làm ấm lòng những người dân trước cơn thịnh nộ của thiên tai.

Học sinh các vùng ngập nặng đã trở lại lớp học

Học sinh các vùng ngập nặng đã trở lại lớp học

Cùng với việc đảm bảo nguồn lương thực, hạn chế tối đa tình trạng thiếu đói trong dân, huyện chú trọng công tác VSMT, đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt. Ông Đặng Trần Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Việc cấp hoá chất xử lý nước uống nhanh đã được chúng tôi triển khai ngay trong lũ. Điều thuận lợi nhất là thời gian qua, nhờ thực hiện tốt chương trình nước sạch nên hầu hết các gia đình đều xây dựng bể chứa nước mưa. Nỗi trăn trở về nguồn nước sạch phục vụ bà con trong và sau lũ nhờ thế cũng đỡ đi phần nào. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kịp thời chuyển gần 1 tấn ChloraminB về các xã, nên nhìn chung việc xử lý các giếng nước cho người dân trên địa bàn đã được hoàn tất”.

Sát cánh cùng địa phương là sự trợ giúp của gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ cơ động của Bộ công an, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên tình nguyện và cán bộ các cơ quan đơn vị trên địa bàn; tập trung vào việc làm VSMT, lau chùi và hong phơi đồ đạc, vật dụng, dọn dẹp các trường học, trạm y tế…

Bằng sự nỗ lực vượt bậc của mỗi người dân, sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền và các cấp, ngành, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân hảo tâm, cuộc sống của người dân Can Lộc đã bắt đầu hồi sinh. Dù lớp bùn đất vẫn còn in dấu trên những nẻo đường, bạc trắng trên những bờ cây, ngọn cỏ, nhưng 1 tuần sau lũ, 100% trường học đã hoạt động trở lại. Các tuyến đường liên thôn bị hư hỏng nặng ở các xã: Nhân Lộc, Thượng Lộc đã được nối liền để phục vụ dân sinh. Các trung tâm mua sắm, chợ búa… đã nhộn nhịp kẻ mua người bán.

Sự hỗ trợ từ bên ngoài là rất cần thiết nhưng về lâu dài, Can Lộc đã xác định: để cứu đói trong mùa giáp hạt thì phải đẩy mạnh sản xuất vụ đông. Theo đó, huyện chủ trương hỗ trợ 100% giống ngô, khoai, rau màu… để bà con khôi phục sản xuất (ước tính kinh phí gần 2 tỷ đồng). Về nguồn cung giống khoai lang, huyện đã liên hệ với Trung tâm Giống Cây trồng Trung ương và phấn đấu đến cuối tháng này đảm bảo để bà con có thể triển khai gieo trồng. Ngoài ra, huyện cũng đang có kế hoạch hỗ trợ giống cho các hộ chăn nuôi tập trung gia súc gia cầm, nuôi trồng thuỷ hải sản…

CLB Nhà báo nữ Hà Tĩnh phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trao quà hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại nặng do lũ lụt tại xã Tùng Lộc

CLB Nhà báo nữ Hà Tĩnh phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trao quà hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại nặng do lũ lụt tại xã Tùng Lộc

Công tác khắc phục hậu quả lũ lụt giúp người dân sớm ổn định cuộc sống đã và đang được Can Lộc tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, chính quyền và người dân nơi đây đang phải đối mặt với không ít khó khăn lớn, nhất là khi dịch sốt xuất huyết, đau mắt đỏ ở người và dịch tụ huyết trùng ở gia súc đã xuất hiện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast