Cần phát hiện sớm chứng tự kỷ của trẻ

(Baohatinh.vn) - Tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ ngày một tăng, nếu không được can thiệp sớm, không được hướng dẫn các kỹ năng sống độc lập và hòa nhập cộng đồng sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Tại Hà Tĩnh, hơn 1 năm nay, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh mở thêm bộ phận điều trị chứng tự kỷ cho trẻ nhưng đến nay, vẫn chưa đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu trên địa bàn.

Nhân ngày Việt Nam nhận thức chứng tự kỷ (2/4):

Bệnh nhân quá tải

Tháng 4/2014, Bệnh viện PHCN tỉnh thành lập bộ phận ngôn ngữ trị liệu điều trị trẻ tự kỷ thuộc Khoa Vật lý trị liệu. Từ đó đến nay, bệnh viện trở thành địa chỉ tin cậy cho các bệnh nhân mắc chứng tự kỷ.

Chị N.T.P, đến từ xã Hồng Lộc (Lộc Hà) đang chờ con trước phòng điều trị chia sẻ: “Cháu 5 tuổi, bắt đầu điều trị từ hè năm ngoái. Từ nhỏ, cháu phát triển bình thường, cái gì cũng biết rất nhanh nhưng không tập trung, càng lớn càng ít để ý đến các vấn đề xung quanh. Đến lúc cháu đi học mẫu giáo, thỉnh thoảng lại cào cấu bạn vô cớ nhưng chúng tôi cũng không nghĩ gì cho đến khi… chị y tá thôn gặp. Chị ấy đã tư vấn và giới thiệu cho chúng tôi đến đây. Giờ thì cháu đã đỡ hơn rất nhiều, đã biết lắng nghe và tập trung. Sáng cháu đến đây điều trị, chiều về vẫn tới lớp mầm non học cùng các bạn bình thường”.

Bệnh viện PHCN tỉnh hiện chỉ đủ điều kiện thu dung 50 bệnh nhân bị chứng tự kỷ, chưa đáp ứng được nhu cầu cho toàn tỉnh.

Bệnh viện PHCN tỉnh hiện chỉ đủ điều kiện thu dung 50 bệnh nhân bị chứng tự kỷ, chưa đáp ứng được nhu cầu cho toàn tỉnh.

Mỗi ngày, 50 cháu mắc chứng tự kỷ được chăm sóc, trị liệu tại Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện PHCN tỉnh. Theo bố mẹ của các cháu cũng như cô giáo trực tiếp chăm sóc, trị liệu, hầu hết các cháu đều có tiến triển tốt. Tuy nhiên, quá trình phục hồi tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân lúc đến.

Bà Nguyễn Thị Diện – Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh cho biết: “Thực tế cho thấy, nếu cháu nào được phát hiện sớm thì quá trình trị liệu phục hồi rất nhanh, có cháu chỉ mất 3 tháng. Tuy nhiên, vấn đề là các cháu đến đây hầu hết đều phát hiện muộn nên quá trình trị liệu kéo dài hơn”.

Thêm khó khăn nữa đối với Bệnh viện PHCN đó là khả năng đáp ứng. Do quy mô bệnh viện chỉ có 100 giường bệnh nhưng số giường thực kê luôn vượt đáng kể nên khi mở thêm bộ phận điều trị trẻ tự kỷ rất khó khăn trong bố trí nguồn nhân lực phục vụ. Mặt khác, cơ sở vật chất cũng đang tận dụng, do vậy, đến thời điểm này, bệnh viện chỉ tiếp nhận được 50 cháu trong khi số cháu mắc chứng tự kỷ trong toàn tỉnh cần được chăm sóc, trị liệu phục hồi có thể lên đến hàng trăm.

Cần phát hiện sớm trẻ mắc chứng tự kỷ

Những năm gần đây, chứng tự kỷ đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới. Tỷ lệ trẻ tự kỷ tăng mỗi năm một cao, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, giàu nghèo. Tại Việt Nam, theo số liệu của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số và mạng lưới người tự kỷ Việt Nam, cứ 100 trẻ em lại có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ.

Như vậy, chứng tự kỷ không còn là vấn đề sức khỏe mà còn là sự phát triển. Số lượng người tự kỷ nếu không được phát hiện để can thiệp sớm, không được hướng dẫn các kỹ năng sống độc lập và hòa nhập cộng đồng sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.

Theo Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh Nguyễn Thị Diện, dấu hiệu trẻ mắc chứng tự kỷ dễ nhận nhất là trẻ chậm nói, hoặc các triệu chứng khác như không tập trung, không quan tâm đến những người xung quanh, không nhận thức được hành vi… Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến các biểu hiện của con trẻ. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, cần đưa các cháu đến cơ sở có chuyên môn để được thăm khám. Phát hiện sớm để điều trị chứng tự kỷ là cách tốt nhất để con trẻ phát triển bình thường và hòa nhập với xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast