Cần siết chặt quản lý chất lượng an toàn đồ chơi trẻ em

Theo điều tra của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, 85% hàng hóa đồ chơi trẻ em trên địa bàn Hà Tĩnh có nguồn gốc không rõ ràng. Vấn đề là, sự vô trách nhiệm của chủ sản xuất, kinh doanh cộng với thiếu hiểu biết của nhiều bậc phụ huynh về tiêu chuẩn chất lượng an toàn đồ chơi trẻ em đang đe dọa đến an toàn sức khỏe của con trẻ chúng ta…

Mặc dù ở Việt Nam hệ thống tiêu chuẩn về chất lượng an toàn các sản phẩm đồ chơi trẻ em đã được công bố từ lâu như: TCVN 5682- 1992, TCVN 6238-1:1997, TCVN 9503.41, TCVN 6238-3:1997, mới nhất là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QC 03:2009 nhưng dường như đã bị nhiều nhà sản xuất, kinh doanh…lãng quên. Khảo sát một số cửa hàng bán đồ chơi nằm trên dọc đường Phan Đình Phùng (Thành phố Hà Tĩnh), các mặt hàng được bày bán phong phú, sặc sỡ màu sắc, nào ô tô, siêu nhân, máy bay, bộ xếp hình, thú nhồi bông… Tuy nhiên, điều lạ là rất nhiều sản phẩm không thấy ghi rõ xuất xứ ở đâu, chỉ định đối với độ tuổi, tỷ lệ độc hại thế nào…Hoặc nếu có thì cũng toàn ngôn ngữ nước ngoài, không thể hiểu được.

Thử đóng vai một khách hàng khó tính khi hỏi về nguồn gốc và nhãn chỉ định của cây gậy phát sáng hình ông già Noel có gắn nhạc bài hát giáng sinh thì bà chủ ở cửa hàng số 57B (Phan Đình Phùng) lấy làm lạ trả lời: “Làm sao tôi biết được nó sản xuất ở đâu, chỉ biết loại này vừa rẻ mà trẻ con lại rất thích. Chị có mua không, lúc nãy có cô mua những 5 cái mà không đắn đo đấy”. Còn lại, hầu như tất cả chủ kinh doanh đồ chơi đều khẳng định: “Đồ chơi Trung Quốc vẫn dẫn hàng đầu về mức độ tiêu thụ. Chúng có mẫu mã đẹp, nhiều tính năng lại phù hợp với khả năng tài chính của đa số người dân mà đồ chơi hàng hiệu không thể cạnh tranh được”. Và tất nhiên khi mua về, sản phẩm đó không có thông số kỹ thuật đảm bảo an toàn về cơ khí, cảnh báo về độ tuổi. Nhất là loại đồ chơi dành cho các bé dưới 3 tuổi, nếu trẻ hiếu động chạy nhảy làm gãy, vỡ long tróc xe đạp, ô tô điện, hoặc cầm nuốt những mẫu lắp ghép nhỏ thì hậu quả thật tai hại. Hoặc như loại đồ chơi chạy bằng pin đang được ưa chuộng hiện nay, nhiều sản phẩm chỉ sử dụng những bật nắp đơn giản sẽ gây nguy hiểm nếu trẻ cho vào miệng. Đấy là chưa kể đến nhiều chất liệu chứa nhiều độc tố có thể gây nhiễm độc và thương tích cho trẻ. Trong khi đó, thị hiếu của người tiêu dùng vẫn chuộng loại hàng hóa giá rẻ!

Vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp với Phòng cảnh sát kinh tế Thành phố Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đồ chơi trẻ em đợt hai (đợt I vào năm 2007) trên địa bàn. Qua kiểm tra hồ sơ pháp lý hàng hóa đồ chơi trẻ em ở 6 cơ sở (5 cơ sở kinh doanh và 1 cơ sở sản xuất) cho thấy, mặc dù loại đồ chơi mang tính bạo lực đã giảm so với trước nhưng phần lớn hàng hóa vẫn chưa được công bố hợp quy đối với đồ chơi trong nước và chứng nhận hợp quy đối với đồ chơi nhập khẩu. Tại các cửa hàng kinh doanh này, hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm trên 85% nhưng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn...Số khác thì chưa chứng minh được xuất xứ hàng hoá. Đơn vị sản xuất đồ chơi trẻ em duy nhất trên địa bàn thành phố là công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học (phường Thạch Quý) lại chưa thực hiện công bố chất lượng sản phẩm theo quy định. Tại 5 quầy hàng lưu niệm và đồ chơi trẻ em, đoàn kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu cơ sở tạm dừng kinh doanh các loại đồ chơi trẻ em vi phạm để khắc phục sửa chữa đồng thời chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ xử lý. Đối với cơ sở sản xuất vi phạm quy chuẩn, Đoàn đã lập biên bản nhắc nhở và yêu cầu công ty thực hiện công bố chất lượng các loại sản phẩm theo quy định.

Theo bà Đường Thị Lệ Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh: “Một trong những khó khăn trong công tác quản lý đồ chơi trẻ em đó là mặt hàng kinh doanh này quá rẻ nên gặp lúc bất lợi chủ cửa hàng sẽ cho tiêu hủy ngay. Mặt khác, loại hình sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thường bán kèm với các mặt hàng khác nên việc đình chỉ kinh doanh đối với mặt hàng kém chất lượng rất khó kiểm soát”. Lợi dụng lỗ hổng đó, nhà kinh doanh tha hồ “làm mưa làm gió” trên thị trường đồ chơi. Những loại đồ chơi có tính bạo lực như súng, kiếm; đồ chơi chứa chất hóa học nguy hiểm…vẫn được bày bán công khai trên phố, nhất là vào những ngày lễ.

Mới đây, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố Hồ Chí Minh có khuyến cáo đối với loại đồ chơi hình con cá sấu bằng nhựa và mặt nạ Tề Thiên chứa độc tố vượt quá quy chuẩn cho phép. Nó có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ em. Bởi vậy, các bậc phụ huynh nên cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn đồ chơi cho con trẻ, nhằm bảo vệ tốt hơn sức khỏe và đảm bảo an toàn đối với trẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast