Cần sớm triển khai xây dựng kè bờ sông đoạn qua xã Sơn Quang

Mùa mưa lũ cận kề, tính mạng, tài sản của 200 hộ dân (hơn 1.000 nhân khẩu) từ xóm 1 đến xóm 4 xã Sơn Quang (Hương Sơn) đang bị đe dọa bởi sự sạt lở nghiêm trọng của bờ sông sông Ngàn Phố chảy qua địa phận xã đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Bà Bùi Thị Sen ở xóm 1, xã Sơn Quang chỉ về mảnh vườn bị sạt lở ăn sâu vào khu vườn hàng chục m

Bà Bùi Thị Sen ở xóm 1, xã Sơn Quang chỉ về mảnh vườn bị sạt lở ăn sâu vào khu vườn hàng chục m

Nhiều người dân sống ở gần khu vực sạt lở phản ánh, vào mùa mưa lũ, lưu lượng nước nhiều, dòng chảy mạnh tạo nên những hàm ếch gây sạt lở với tốc độ chóng mặt. Các điểm này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tính mạng và tài sản của họ. Người dân xã Sơn Quang cũng cho biết, do không thể đi đâu được nữa nên họ đành phải bám nhà, bám vườn để sống nhưng lúc nào cũng trong tâm trạng nơm nớp lo sợ sạt lở xẩy ra, nhất là vào ban đêm mỗi khi có lũ về.

Ông Nguyễn Văn Sỹ ở xóm 1, cho biết: “Hàng năm cứ đến mùa mưa lũ là dân chúng tôi cứ phải phấp phỏng sống trong sợ hãi vì khu vực bờ sông sạt lở quá lớn. Mặc dù hàng năm chúng tôi đã đóng cọc và trồng rất nhiều tre nhưng vẫn không giữ được đất’.
Hiện tại, đoạn bờ sông chạy qua địa bàn xã Sơn Quang có trên 5.000m bị sạt lở, trong đó có 2.000m ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Khu vực sạt lở chỉ cách nhà ở các hộ dân từ 7m đến 20m. Riêng trận lũ năm 2010 sạt lở đã lấn sâu vào nhà dân từ 20 – 40 m. Đặc biệt, khu di tích văn hóa Quốc gia nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và chùa Tượng Sơn đang bị đe dọa nghiêm trọng khi chỉ cách bờ sông khoảng 100m.
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Sơn Quang cho biết: “Trong điều kiện khó khăn của địa phương, giải pháp của chính quyền xã là huy động hết nguồn nhân lực toàn xã để tổ chức trồng tre, đóng cọc tre, kè đá một số nơi.. Nhưng xem ra những giải pháp này không mấy khả thi vì chỉ sau một trận mưa to tất cả đều lại trả xuống sông. Trước mùa mưa lũ năm nay, một số hộ dân có điều kiện cũng đã chủ động mua nguyên vật liệu về sửa lại nhà cửa, đóng thuyền, làm kè tạm và tập kết một số vật liệu sẵn sàng đối phó khi có thiên tai xẩy ra. Tuy nhiên, nếu không xây dựng được bờ kè kiên cố để chống sạt lở bờ sông thì đây cũng chỉ là giải pháp tình thế”.

Lở đất kéo theo nhiều gốc cây, bờ tre hàng chục năm tuổi đã bị bật gốc trôi xuống sông
Lở đất kéo theo nhiều gốc cây, bờ tre hàng chục năm tuổi đã bị bật gốc trôi xuống sông

Lở đất kéo theo nhiều gốc cây, bờ tre hàng chục năm tuổi đã bị bật gốc trôi xuống sông

Cũng theo ông Minh, việc di dời 200 hộ dân này là điều không thể bởi quỹ đất của xã không còn, vả lại cũng rất tốn kém kinh phí của nhân dân. Sự lo lắng của người dân và chính quyền xã là hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt trong mùa mưa bão đang cận kề.
Vẫn biết sự nguy hiểm cận kề nhưng người dân nghèo Sơn Quang đành bó tay vì khoản kinh phí quá lớn, vượt tầm của bản thân và chính quyền địa phương. Đề nghị các cấp, các ngành liên quan cần sớm triển khai xây dựng bờ kè đoạn qua xã Sơn Quang để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, tránh những hậu quả đáng tiếc trước mùa mưa bão đang đến gần.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast