Cảnh báo về tình trạng vay nợ “tín dụng đen”

Tưởng như những vụ vỡ nợ chỉ xảy ra ở những thành phố lớn thì bây giờ đã hiện hữu ở Hà Tĩnh – một vùng quê vốn bình yên với sự trốn chạy của vợ chồng Hoàng Hải (TP Hà Tĩnh) kéo theo số tiền tạm tính gần 50 tỷ đồng.

Người dân kéo đến rất đông tại nhà của một con nợ đã bỏ trốn. Ảnh minh họa

Chỉ trong một thời gian rất ngắn từ đầu tháng 9 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 4 vụ vỡ nợ với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Khi dư âm về việc vợ chồng Bùi Thị Quyên – Tạ Việt Quang (thị trấn Phùng – huyện Đan Phượng) ôm số tiền hơn 400 tỷ đồng bỏ trốn vẫn còn nóng hổi, thì chỉ mấy ngày sau, dư luận lại “chấn động” về vụ vỡ nợ của vợ chồng Nguyễn Thị Cúc – Nguyễn Xuân hùng (huyện Phú Xuyên) với số tiền tạm tính của cơ quan công an là 273 tỷ đồng. Cũng trong cuối tháng 9, Công an quận Hà Đông liên tiếp nhận được tin báo về sự lừa đảo của vợ chồng Nguyễn Thị Dậu và Nguyễn Hoàng Hảo với số tiền 150 tỷ đồng, hiện chưa có khả năng thanh toán. Chưa kịp “hoàn hồn” sau những vụ vỡ nợ khủng ấy, người dân Hà Nội là “choáng” với vụ vỡ nợ ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, mà chủ nợ là cặp vợ chồng Phạm Thị Chính – Nguyễn Ngọc Chúc với số tiền gần 600 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, nữ quái Bùi Thị Thu Hằng – nhân viên bảo hiểm của hãng Prudential (Chi nhánh Quảng Ninh) đã bị công an tóm gọn ở Vũng Tàu khi ôm số tiền gần 500 tỷ đồng bỏ trốn.

Còn ở quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng), người dân đang nháo nhác khi nghe tin chủ nợ Nguyễn thị Bích Dung bỏ trốn cùng số tiền trình báo ban đầu 28 tỷ đồng. Tưởng như những vụ vỡ nợ ấy chỉ xảy ra ở những thành phố lớn thì bây giờ đã hiện hữu ở Hà Tĩnh – một vùng quê vốn bình yên với sự trốn chạy của vợ chồng Hoàng Hải (TP Hà Tĩnh) kéo theo số tiền tạm tính gần 50 tỷ đồng.

Qua theo dõi các vụ vỡ nợ lớn này, có thể nhận thấy một “kịch bản” rất chung của các chủ nợ, đó là lợi dụng lòng tin của mọi người để huy động tiền với lãi suất cao. Thủ đoạn của chúng là khuyếch trương thanh thế của mình bằng việc tung tin mở rộng sản xuất, đầu tư các dự án lớn, bằng việc lòe vẻ ngoài sành điệu, tiêu tiền như nước để “dụ” các con mồi. Và khi đã ôm được số tiền lớn trong tay, chúng đột ngột biến mất – hành động thay thế cho lời tuyên bố vỡ nợ. Hậu quả mà những chủ nợ để lại hết sức nặng nề. Hàng trăm người dân (chủ yếu người lao động nghèo) choáng váng, thẫn thờ, bê trễ làm ăn và trong phút chốc tài sản mà mình bao năm chắt bóp bỗng không cánh mà bay, vợ chồng mâu thuẫn, ly tán, ảnh hưởng lớn đến việc học hành của con cái… Bên cạnh đó, làm cho tình hình an ninh trật tự địa phương không ổn định. Thực tế đó, chúng tỏ rằng, đang có làn sóng ngầm “tín dụng đen” hoạt động ráo riết và để lại những hậu quả khốc liệt, từ thành phố đến nông thôn trên địa bàn cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.

Lý giải về nguyên nhân những vụ vỡ nợ có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có những chủ nợ huy động vốn để làm ăn nhưng do thị trường đang rơi vào thời kỳ chạm đáy. Chứng khoán giảm sâu, bất động sản trầm lắng, vàng không ổn định làm nhà đầu tư lao đao dẫn đến phá sản. Nhưng cũng có những chủ nợ không làm ăn gì mà chỉ dùng “nghệ thuật” huy động các con nợ vệ tinh, vay tiền của người này trả lãi cho người kia, thực chất là lừa đảo chiếm dụng tiền. Nếu bị bắt thì chỉ sau một thời gian ngồi tù, dư luận lắng xuống lại nghiễm nhiên hưởng số tiền lừa đảo.

Có một thực tế xảy ra, sau vụ vỡ nợ có nhiều “con nợ” không đến trình báo cơ quan điều tra. Rất có thể đó là người thân quen, họ hàng của chủ nợ, còn “ảo tưởng” là sẽ nhận lại được tiền của mình. Cũng có người không dám khai vì sợ dư luận chê cười hám của, giấu gia đình cho vay. Dù thế nào chăng nữa, những chủ nợ đáng thương nhưng không phải không đáng trách. Trước hết, ở họ là niềm tin ngây thơ, mù quáng… Cả một lượng tài sản lớn đến hàng tỷ đồng mà khi trao giữ không hề có thế chấp, chỉ là giấy viết tay, thậm chí bằng lời nói. Lòng tin được đặt vào, tài sản đồ sộ như biệt thự, phương tiện đắt tiền, vào lối sống xa hoa của chủ nợ mà không có sự kiểm chứng tiền ấy ở đâu ra? Thứ hai là không kiềm chế được lòng tham của mình, khi chủ nợ hứa trả lãi suất cao, gấp mấy lần ngân hàng. Thực tế là chúng trả lãi rất sòng phẳng nhưng chỉ được thời gian đầu, sau đó là chây ì với đủ loại lý do. Khi bộ mặt thật của chủ nợ lộ ra, hàng trăm gia đình rơi vào cảnh hoảng loạn, điêu đứng thì họ mới kịp nhận ra rằng: đồng tiền kiếm được dễ dàng bao giờ cũng song hành với rủi ro khó lường.

Điều đáng nói là những vụ vỡ nợ vẫn xảy ra thường xuyên, từ năm này sang năm khác. Từ thực tế đau lòng ấy, mỗi người phải rút ra cho mình những bài học thiết thân, không ngừng nâng cao cảnh giác, bảo vệ và phát huy nguồn vốn của mình một cách an toàn, chính đáng; tăng cường nhận thức và ý thức pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể phải thường xuyên nắm bắt tình hình, có biện pháp mạnh cần thiết với các đường dây huy động vốn, vay và cho vay với lãi suất cao nhằm ngăn chặn các hoạt động “tín dụng đen”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast