“Canh sóng” trên đỉnh non Hồng

(Baohatinh.vn) - Ít ai biết rằng, để mỗi chương trình truyền hình, phát thanh mang đầy hơi thở cuộc sống đến với người xem, người nghe, có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ kỹ thuật viên đang ngày đêm làm nhiệm vụ ở Trạm Phát sóng Thiên Tượng (thuộc Đài PT-TH Hà Tĩnh) trên đỉnh dãy Hồng Lĩnh...

Chiều cuối năm, chiếc xe máy ì ạch bò trên con đường bê tông dốc, uốn lượn khúc khuỷu, đưa tôi lên Trạm Phát sóng Thiên Tượng nằm trên đỉnh núi cao 337m so với mặt nước biển. Từ đỉnh núi mọc lên cột ăng-ten cao 72m, làm cho ngọn núi càng thêm cao. Tổ trông coi và vận hành trạm có 5 người, được chia làm 2 ca, mỗi ca trực 3 ngày.

Anh Nguyễn Công Đạt - Tổ trưởng, người đã gắn bó với trạm 12 năm cho biết: “Mặc dù trạm đóng trên địa bàn TX Hồng Lĩnh, nhưng đi lại khó khăn và rất mất thời gian vì ở trên núi dốc, hiểm trở. Mỗi lần lên thay ca, anh em mua sắm lương thực, thực phẩm đủ để ăn trong 3 ngày”.

Những người “canh sóng” đều bắt đầu làm việc từ 4h30’ và kết thúc vào 0h ngày hôm sau.

Những người “canh sóng” đều bắt đầu làm việc từ 4h30’ và kết thúc vào 0h ngày hôm sau.

Còn nhớ, trước năm 2003, các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng cao muốn phát các chương trình thời sự Hà Tĩnh phải chờ nhận băng in lại chương trình. Từ năm 2003, khi Trạm Phát sóng Thiên Tượng được xây dựng và đưa vào sử dụng, sóng truyền hình Hà Tĩnh đã đến với các huyện phía Bắc, phía Tây, thậm chí vươn ra tỉnh bạn.

Hiện, mỗi ngày, trạm phát và tiếp sóng các chương trình của Đài PT-TH Hà Tĩnh, Truyền hình Việt Nam (từ VTV1 đến VTV6), truyền hình số mặt đất của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Nghệ An và VOV3 của Đài Tiếng nói Việt Nam. Dù nắng to, mưa nhiều hay rét buốt, những người làm nhiệm vụ “canh sóng” đều bắt đầu làm việc từ 4h30’ và kết thúc vào 0h ngày hôm sau. Anh Đạt cho hay: “Với công việc đặc thù này, lúc nào trong phòng máy cũng phải có người trực để theo dõi, không để xảy ra bất cứ sự cố nào do yếu tố chủ quan và hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố khách quan, sẵn sàng phương án xử lý nhanh nhất có thể”.

Mùa mưa, trên trạm thời tiết khá lạnh, sáng ra thấy mây vờn ngay dưới chân. Đây cũng là khoảng thời gian các anh gặp nhiều khó khăn nhất. Đường lên núi khó đi và trơn trợt. Nhưng nỗi vất vả ấy chưa thấm vào đâu so với nỗi lo thời tiết xấu, các thiết bị trên núi dễ bị sét đánh. Dù hệ thống chống sét, lọc sét của trạm rất hiện đại, nhưng thỉnh thoảng, các thiết bị vẫn bị “thiên lôi” đánh hỏng, việc khắc phục thiệt hại mất rất nhiều công sức. Nếu là người chưa có kinh nghiệm, ắt hẳn sẽ “đứng tim” khi đứng trong nhà mà chứng kiến những lưỡi sét quét ngay dưới chân mình.

Để đảm bảo những “cánh sóng” vươn xa, đưa hình ảnh, âm thanh chất lượng tốt nhất đến với khán giả, mỗi giờ, kỹ thuật viên đều phải dành thời gian kiểm tra từng máy móc, thiết bị. “Nếu để sóng gián đoạn, mất tín hiệu là người xem gọi điện ngay lên trạm hỏi. Có lần thiết bị bị cháy do sét đánh, không có thiết bị thay thế, anh em chúng tôi phải liên hệ ngay với VTV để đưa thiết bị vào thay thế, nhưng cũng phải mất 2 ngày. Vậy là liên tục anh em phải nghe điện thoại phản ánh, giải thích những thắc mắc của người dân. Người hiểu thì thông cảm chia sẻ, người không hiểu thì nói khó nghe” - anh Đặng Hồng Thái, kỹ thuật viên chia sẻ.

Mỗi chương trình truyền hình, phát thanh, khán giả thường chỉ biết đến tên, tuổi những phóng viên, biên tập viên và những người lên hình… ít ai biết, để những chương trình mang đầy hơi thở cuộc sống đến được với người xem, người nghe, có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ kỹ thuật viên nói chung và những kỹ thuật viên trực trạm nói riêng.

Lên tận nơi, chứng kiến công việc, sinh hoạt hàng ngày của những kỹ thuật viên trên đỉnh Hồng Lĩnh mới cảm nhận được sự vất vả của những người “canh sóng”. Chia tay các kỹ thuật viên và ngọn tháp cao chọc trời khi TX Hồng Lĩnh đã lên đèn. Ngước nhìn lên đỉnh núi Hồng, bóng tối bao trùm, chỉ còn ngọn đèn trên đỉnh tháp nhấp nháy giữa trời đêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast