Cầu dân sinh: Hiểm họa rình rập!

(Baohatinh.vn) - Bám dây qua sông, đi lại trên những cây cầu cong vênh hoặc rung lắc… đó là thực trạng tại nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa ở Hà Tĩnh khi hệ thống cầu dân sinh thiếu thốn, xuống cấp. Dù đã vận dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng mỗi năm, Hà Tĩnh cũng chỉ có thể khắc phục được vài ba chiếc cầu yếu.

Hầu hết những cây cầu dân sinh liên thôn, liên xã trên địa bàn Hà Tĩnh được xây dựng từ hàng chục năm nay theo những cách khác nhau. Thời gian, mưa lũ, những hạn chế mang tính lịch sử của công nghệ và cả sự yếu kém trong quá trình quản lý, vận hành, bảo dưỡng đang làm cho những cây cầu ngày một xuống cấp. Theo thống kê của ngành GTVT, Hà Tĩnh hiện có 114 cầu dân sinh liên thôn, liên xã xuống cấp, hư hỏng, trong đó, hơn 50 cây cầu thuộc diện phải thay thế hoặc làm mới khẩn cấp bởi sự xuống cấp không chỉ gây khó khăn cho phương tiện lưu thông mà còn trực tiếp đe dọa tính mạng của người dân.

Cầu dân sinh: Hiểm họa rình rập! ảnh 1

Cầu Khe Cò (xã Sơn Hồng - Hương Sơn) bị xô lệch sang một bên.

Ngoài ra, tại các địa phương còn có hơn chục bến sông người dân đang phải sử dụng đò ngang hoặc phải qua lại bằng cầu phao hết sức mong manh. Huyện có nhiều cầu yếu là Vũ Quang (13 cầu), Hương Khê (11 cầu), Kỳ Anh (10 cầu) và kỷ lục nhất là Hương Sơn với 52 cầu. Ông Nguyễn Trọng Thành - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Hương Sơn chia sẻ: Việc đầu tư những cây cầu, ít cũng phải lên đến tiền tỷ, nhiều sẽ là hàng chục tỷ đồng. Đây là điều quá sức với chính quyền địa phương, mặc dù, biết sự chậm trễ khắc phục đồng nghĩa với việc nối dài mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ông Phan Ngọc Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Hồng cho biết: Tháng 10/2013, cầu bị lũ cuốn trôi, cong vênh và xô lệch sang một bên. Đáng nói là hơn 300 hộ dân xóm 1 và xóm 2 vẫn phải đi qua vì không có sự lựa chọn nào khác. Những lúc trời mưa, nước suối dâng cao, mọi hoạt động lưu thông qua cầu Khe Cò hoàn toàn tê liệt. Tai nạn ngã xe do cầu cong vênh, trơn trượt xảy ra như cơm bữa, đã có 2 người tử vong vì trượt xe trên cầu. Hay như cầu Chợ Cầu ở Sơn An, từ chỗ thiết kế tải trọng 8 tấn, nay cầu chỉ có thể chịu được xe máy và phương tiện vận tải thô sơ. Ấy vậy mà, cầu Chợ Cầu vẫn đang phải đảm nhận vai trò kết nối lưu thông giữa 6 xã vùng 2 của huyện Hương Sơn với Nam Đàn (Nghệ An).

Theo người dân địa phương, đã có rất nhiều sự cố xảy ra với người và phương tiện khi lưu thông qua cây cầu yếu này. Mới đây nhất, một máy tuốt lúa bị hất văng xuống suối vì bê tông lát cầu bập bênh. Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hương Sơn Nguyễn Trọng Thành cho biết: Có quá nhiều chuyện khóc cười đã xảy ra với người dân khi qua những chiếc cầu yếu. Thế nhưng, dù sao thì tại nhiều địa bàn vẫn còn cầu để đi, vẫn còn hơn là một số nơi người dân đang phải chấp nhận đi đò ngang, cầu phao kết nối một cách tạm bợ và thậm chí là bằng cách đu dây để qua sông.

Ở bến sông Trung Lưu (Sơn Tây, Hương Sơn), để đối phó với dòng nước chảy xiết, người lái đò đã phải bám vào dây thừng nối từ bên này sang bên kia sông. Gần 1.000 dân ở 2 thôn Trung Lưu và Phố Tây hàng ngày vẫn phải qua lại khu vực trung tâm trong hoàn cảnh như vậy. Đã có những trường hợp ốm đau không kịp đến viện cấp cứu vì cách trở đò giang, những sản phụ sinh con ngay trên bến sông vì đò không thể hoạt động lúc nước suối dâng cao. Tình trạng học sinh nghỉ học vào ngày mưa là chuyện thường. Ngoài sự cần mẫn của người lái đò, hàng ngày, chính quyền địa phương còn phải tăng cường công an viên cảnh giới trong những giờ cao điểm có đông người qua lại.

Cầu dân sinh: Hiểm họa rình rập! ảnh 2

Người dân Sơn Tây (Hương Sơn) phải néo dây qua sông

Chủ tịch UBND xã Sơn Tây Lê Đình Vỹ cho biết: Không biết đã bao nhiêu lần xã kiến nghị nhưng ước vọng về một chiếc cầu cứng hoặc chí ít là một chiếc cầu treo vẫn không thành hiện thực. Theo ông Vỹ, khu vực phía Tây xã Sơn Tây có rất nhiều tiềm năng nhưng không một chương trình kinh tế nào có thể triển khai vì giao thông cách trở. Giá nông sản ở đây thậm chí luôn thấp hơn giá thị trường tới một nửa bởi chi phí vận chuyển quá cao. Ông Vỹ băn khoăn: cũng là dân Sơn Tây, nhưng phía bên kia đường 8 thì hàng quán sôi động, còn phía bên này thì quá đỗi đìu hiu, vắng lặng.

Do đặc điểm các khu dân cư thường bố trí phân tán, rải rác; địa bàn chủ yếu vùng sâu, vùng xa nên tại bến sông hoặc khu vực cầu yếu thường không nằm trong quy hoạch các chương trình kinh tế lớn của tỉnh, huyện. Chính vì vậy, các địa phương rất khó để thuyết trình lập dự án khả thi nhằm xây mới hoặc tôn tạo cầu. Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Đức Đại thừa nhận: Cố gắng lắm, mỗi năm, toàn tỉnh cũng chỉ có thể sửa chữa hoặc làm mới được vài ba cầu. Đầu tư làm mới các cầu dân sinh là điều khó khăn ngay đối với ngân sách tỉnh chứ chưa nói đến ngân sách huyện, xã.

Ông Đại cũng cho biết: vào thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đang triển khai chương trình xây dựng cầu dân sinh và cầu treo dân sinh bằng nguồn vốn xã hội hóa và vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Tổng cục Đường bộ bố trí nguồn vốn. Đây thực sự là cơ hội để Hà Tĩnh được tham gia chương trình, nhằm cải tạo, nâng cấp và xây mới những cây cầu thiết yếu, giải tỏa nhu cầu bức bách của đời sống dân sinh.

Chủ đề Xe Quá khổ - Quá tải

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast