“Chẳng sợ lũ cào đường, chẳng lo nhà trôi nữa!”

(Baohatinh.vn) - Đó là lời tâm sự của cụ Mậu ở làng Hưng Thịnh, xã Sơn Thịnh (Hương Sơn). Sự trải lòng đầy tự tin của cụ Mậu cũng như bao người dân nghèo ở vùng sông nước này đều có lý, bởi những năm trước, họ cứ lo ngay ngáy mỗi khi lũ về, còn bây giờ, nơi đây đường bê tông gần khép kín, nhiều nhà chòi tránh lũ tiếp tục mọc lên, bảo đảm an toàn cho việc phòng tránh lũ.

Chuyện từ con đường đổ bê tông

“Rứa là xã chúng tôi đã làm được gần 20 km đường bê tông, nay không còn bụi đỏ, bùn lầy, nước đọng, mọi người đều vui mừng, phấn chấn. Ngày trước, cuộc sống người dân Sơn Thịnh - nơi được mệnh danh là vùng “rốn lũ” vất vả trăm bề. Ngán nhất là về mùa mưa, đường đi lối lại nhầy nhụa, nhiều lúc nấu nồi nước chè thơm, nhưng không dám mời nhau bởi ra ngõ là phải xách dép lội. Giờ thì đường ngon rồi, đi đâu chả được” - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thịnh - Lê Văn Cường tâm sự.

Nằm sát hữu ngạn sông Ngàn Phố, nên ít nhất mỗi năm, Sơn Thịnh cũng phải hứng chịu vài cơn lũ. Lũ quét thường bất thần, có lúc từ 5h chiều, lúc 3h sáng, nên chuyện trôi nhà, trôi cửa và gia súc, gia cầm vùi trong dòng nước xiết là chuyện thường tình.

Thế rồi, ý tưởng làm đường được khởi động từ nghĩa cử của một người con xa quê, cách đây hơn 20 năm, anh Đặng Bính – kỹ sư dầu khí trẻ ở TP Vũng Tàu đã tổ chức vận động hội đồng hương đóng góp 1 tỷ đồng, riêng cá nhân anh Bính ủng hộ 200 triệu đồng... Người dân trong xóm khi nghe tin đều cảm phục. Một cụ bà đã ghé tai hỏi nhỏ: “Chú răng thảo rứa?”. Bính cười: “Không chỉ con mà bạn bè con cũng thế, ai xa quê cũng nhớ về cội nguồn. Khi nghe đài báo quê mình bị lũ ngập nặng, con không tài nào ngủ được. Vì thế, con đứng ra vận động hội đồng hương quyên góp để giúp bà con làm đường giao thông”. Nhận món quà tình nghĩa đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã làm ngay 1 km đường bê tông kiên cố bắt đầu từ thôn Thịnh Lợi. Ngày khởi công “trống dong, cờ mở”, già trẻ, gái trai ríu rít ra xem. Thế rồi, “kiên cố hóa giao thông nông thôn”, “xã hội hóa giao thông”... từ điển mới gieo mầm vào làng quê “rốn lũ” này.

“Chẳng sợ lũ cào đường, chẳng lo nhà trôi nữa!” ảnh 1

Ngôi nhà tránh lũ của gia đình bà Đặng Thị Lài (xã Sơn Thịnh, Hương Sơn).

20 năm qua, những con đường “bủa vây” các “ổ trâu”, “ổ gà” đã lùi vào dĩ vãng, chiến lược giao thông là chìa khóa mở đường cho phát triển kinh tế đã thành công. Gần 20 km đường giao thông về Sơn Thịnh được thảm nhựa và bê tông hóa, lượn ngang, lượn dọc suốt cả 16 thôn. Đường tới chợ Gôi, đường qua cầu Mỹ Thịnh, đường tới trường học, đâu đâu cũng xanh - sạch - đẹp. Mỗi năm, Sơn Thịnh lại “nở” thêm 1 km đường bê tông nhờ sức mạnh tổng hợp. Đau đáu với nơi chôn rau cắt rốn, vị cựu chiến binh già Lê Tần (80 tuổi) trở về quê ủng hộ 6 triệu đồng tiết kiệm từ khoản lương hàng tháng của mình đã trở thành tấm gương giáo dục mọi người ý thức sống vì cộng đồng.

Đến chuyện làm nhà tránh lũ

Chuyện xây nhà chòi tránh lũ được khởi phát từ năm 2013. Hồi ấy, khi được chọn xây thí điểm 50 ngôi nhà chòi tránh lũ bằng vốn vay ưu đãi đặc biệt và vốn huy động đóng góp từ các hộ dân, chương trình đã sớm hoàn tất và 2 nguồn vay đã giải ngân hết. Sau 2 trận lũ “thực nghiệm”, bà Đặng Thị Nga (xóm Phúc Thịnh) mới thấm thía hạnh phúc vì vẫn được an toàn giữa bốn bề làng quê dờn dợn con sóng đỏ.

Bà Nga bảo: “Tôi phục mấy ông cán bộ xã lắm. Họ thấy tầng 1 ngôi nhà của tôi khá kiên cố nên bàn không cần xây móng nữa, cứ đập tường xây tiếp tầng 2. Tôi đồng ý, họ huy động người góp công, góp của giúp tôi có một nhà chòi tươm tất”. Bà Nga có hoàn cảnh rất đáng thương. Ông Võ Văn Thành - chồng bà bị tai nạn giao thông khi con gái đầu lòng mới 9 tháng tuổi. Lúc đó, bà lại phải nghỉ việc do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Bước đường cùng, bà Nga từ Đồng Nai trở về quê nương nhờ cha mẹ và sự cưu mang của bà con làng xóm. Khi tôi hỏi về nguồn hỗ trợ, bà nhẩm tính, bà dành dụm được 10 triệu đồng; 2 đứa em trong Nam gửi về, cùng với tiền o, chú trong thôn ủng hộ 10 triệu đồng; tiền hỗ trợ của chính sách và vay ưu đãi từ ngân hàng 20 triệu đồng là đáp số “đúng” và “chắc” cho ngôi nhà bà đang ở.

Sau trận hạn lịch sử năm 2015, tôi trở lại vùng quê sông nước Sơn Thịnh, gặp chị Thủy - cán bộ phụ trách công tác chính sách địa phương để tìm hiểu thêm về dự án nhà tránh lũ. Chị Thủy đọc vanh vách, chẳng cần sổ sách: “Năm 2014, tổ chức phi chính phủ tài trợ vốn cho địa phương làm 15 nhà chòi tránh lũ cho người nghèo; năm 2015, cấp trên phê duyệt làm 50 ngôi nhà và 5 ngôi nữa được tổ chức chức phi chính phủ tiếp tục tài trợ, tổng số có 55 nhà. Sau đó, các thôn xóm thảo luận, họp bàn kỹ rồi gửi danh sách đăng ký xin xây nhà chòi tránh lũ của 50 hộ. Đến thời điểm này, cả xã đã xây dựng được 35 nhà chòi tránh lũ cho hộ nghèo. Tôi tin, vài năm nữa, Sơn Thịnh sẽ phủ kín, phủ dày nhà chòi tránh lũ”.

Tôi theo chân chị Thủy tới thăm nhà bà Nguyễn Thị Nam (thôn Tiến Thịnh). Bà Nam bộc bạch: “Hôm xóm trưởng đến thông báo bà chuẩn bị tinh thần để họ đến xây nhà cho, tui cứ hết ra, lại vào, lóng nga, lóng ngóng để xem họ có yêu cầu gì không. Hóa ra, không những không yêu cầu mà kể cả nước uống họ cũng tự túc”. Cùng cảnh ngộ với bà Nam và đời tư cũng có phần trắc ẩn, 2 ông bà cụ Hồ Quốc Mậu (thôn Hưng Thịnh) năm nay đã 80 tuổi, bao năm phải nuôi dưỡng người con gái tật nguyền, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng nên giờ đây, lòng cụ đã thanh thản hơn. Cụ Mậu vừa chỉ lên chỗ nằm của mình trên gác 2, vừa tâm sự: “Nhà tui trước đây lũ to là ngập hết nền, có năm ngập tận chạn. Năm mô lũ về, đội cứu hộ, cứu nạn xã cũng phải dùng thuyền chở đi sơ tán. Bữa ni, nhà tui ai cũng khỏe bụng rồi vì lũ đến, chẳng sợ đường bị lũ cào, chẳng lo trôi nhà nữa”.

Tôi cứ ao ước tiếng vọng ấy, sự thanh thản ấy sẽ trải khắp “vùng rốn lũ” Hà Tĩnh...

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast