Châu Á hướng tới tăng trưởng bền vững

Biến đổi khí hậu toàn cầu, lạm phát, nghèo đói, tham nhũng, năng lực quản trị hạn chế… là những thách thức mà các quốc gia châu Á phải vượt qua để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Trên con đường đi đến thịnh vượng, châu Á phải đối mặt với một loạt nguy cơ và thách thức. Khoảng trống về bất bình đẳng cần được thu hẹp. Một nửa dân số châu Á phải đương đầu với làn sóng đô thị hóa và tình hình nhân khẩu học thay đổi liên tục.

Mục tiêu phát triển bền vững

Phát biểu tại Hội thảo của các Thống đốc với chủ đề “Châu Á năm 2050: Hướng tới tăng trưởng bền vững và thịnh vượng” diễn ra trưa 4/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Chúng ta không phát triển bằng mọi cách mà phải chú ý đến tính bền vững và thân thiện môi trường. 5 nước chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu nằm ở châu Á. Điều này tác động đến an ninh lương thực toàn cầu. Chúng ta cần hành động ngay để tránh phải trả giá nhiều hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, ADB cần đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc thực hiện sáng kiến nhằm giảm nhẹ và giải quyết biến đối khí hậu toàn cầu. Đồng thời, cần có sự chung tay giữa chính phủ và công chúng trong việc theo đuổi mô hình phát triển kinh tế xanh, thân thiện và bền vững.

Kết quả nghiên cứu của ADB cho thấy, trong các kịch bản phát triển khác nhau của châu Á, Việt Nam – một nền kinh tế có độ mở với thương mại hai chiều lên tới 150% GDP vào năm 2010 – gắn bó chặt chẽ và được hưởng lợi nhiều từ sự trỗi dậy và triển vọng phát triển châu Á.

Châu Á hướng tới tăng trưởng bền vững ảnh 1

Để phát triển bền vững cần sự chung tay của các quốc gia trên thế giới (Ảnh: KT)

Theo ông Kuroda – Giám đốc ADB: Tăng trưởng nhanh của châu Á trong 5 thập kỷ qua là câu chuyện thành công nhất chúng ta từng thấy. Nhưng liệu châu Á có giữ được tiềm năng phát triển này hay không. Nếu giữ được đà tăng trưởng bền vững thì đến 2050 châu Á sẽ thoát khỏi đói nghèo, trở thành trung tâm kinh tế thế giới”.

Làm thế nào để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra? Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Kinh tế Tài chính và công nghiệp Pháp bà Christine Lagarde (đại diện cho nhóm G20), khẳng định: “Chỉ có hợp tác với nhau”. Bà Lagarde cho biết: Từ năm 1999, G20 đã có nhiều hợp tác với các quốc gia trong khu vực châu Á. giới đã chuyển từ đơn cực sang đa cực. Phát triển bền vững phải có sự hài hòa, cân bằng về thặng dư và thâm hụt thương mại.

Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Lý Dụng cho rằng, các quốc gia cần tăng cường trao đổi thông tin, cùng nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức. Để nâng cao năng suất lao động, ông Lý Dụng đặc biệt nhấn mạnh tới việc chuyển giao công nghệ. Hoạt động này có vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế ít các-bon.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee nhấn mạnh: “Mỗi nước châu Á cần đạt được trình độ phát triển bền vững nhất định. Một sự tăng trưởng toàn diện sẽ có ý nghĩa trong xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm cân bằng xã hội. Hiện khu vực này vẫn có hơn 1 tỷ người đang sống dưới mức nghèo khó.

Bên cạnh đó, để bảo đảm phát triển bền vững, ông Mukherjee cho rằng, các nền kinh tế châu Á cần chuyền đổi thành kinh tế tri thức để đảm bảo tính bền vững.

Và còn không ít thách thức

Điểm yếu của hầu hết các nền kinh tế châu Á là quản trị điều hành và năng lực thể chế. Khu vực châu Á cần phải hiện đại hóa các hệ thống quản trị điều hành đồng thời tái thiết thể chế của mình nhằm đảm bảo tính minh bạch, tính trách nhiệm giải trình và nâng cao tính hiệu lực của qui định và luật lệ. Đến 2050, tỷ lệ đô thị hóa sẽ tăng gấp đôi. Nếu châu Á muốn duy trì con đường phát triển bền vững của mình thì cần cải tiến cách quản lý và phải được tiến hành càng sớm càng tốt.

Ông Lý Dụng cho rằng, với các nước đang phát triển hãy coi “thu nhập trung bình” là một thách thức chứ không phải là một cái bẫy. Chính vì vậy, bằng quyết tâm và sự hợp tác song phương, đa phương, các quốc gia châu Á phải vượt qua thách thức này.

Châu Á hướng tới tăng trưởng bền vững ảnh 2

Hội thảo của các Thống đốc với chủ đề “Châu Á năm 2050: Hướng tới tăng trưởng bền vững và thịnh vượng”

Các nước châu Á cũng đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng mặt. Quá trình này đặt ra hàng loạt khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, phát triển kinh tế… “Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng thì nông dân mất đất nhiều nhưng phần bù đắp cho họ về nơi ở mới, việc làm... lại rất khó khăn”.

Chính vì vậy, theo ông Yoshihiko Noda – đại diện của Nhật Bản tại ADB: “Chúng ta cần rút ngắn hoảng cách giữa khu vực nông thôn và đô thị để nông thôn không bị bỏ sau quá trình đô thị hóa”.

“Phải tạo ra trình độ công nghệ phù hợp cho khu vực nông thôn để làm giảm chậm quá trình dịch chuyển, khi đó chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong khu vực siêu đô thị” – ông Mukherjee khẳng định.

Một thách thức lớn nữa mà các nước châu Á phải đối mặt, đó là từ năng lực quản trị hành chính kém dẫn đến tình trạng tham nhũng diễn ra tràn lan, cấp độ nghiêm trọng. Đây là thách thức lớn cho các chính phủ trên thế giới.

Ông Yoshihiko Noda cho biết: Trong một số giai đoạn tình trạng quan liêu, tham nhũng ở Nhật Bản xảy ra rất nghiêm trọng. Ở nhiều đạo luật, Chính phủ Nhật Bản đưa ra nhiều hình thức khắt khe để xử lý tình trạng này. “Đến giời, những khoản tiền mà chính trị gia nhận được đều được chuyển vào các quĩ công. Một số công dân Nhật Bản còn phải công bố những khoản tiền được hỗ trợ, kể cả đó chỉ là 1 yên”.

Còn với kinh nghiệm của Trung Quốc, ông Lý Dụng cho biết, Trung Quốc có những đạo luật phòng, chống tham nhũng rất nghiêm khắc và có một ủy ban gồm 20 thành viên chuyên xử lý vấn đề tham nhũng. Nhiều quan chức đã bị bãi nhiệm, giáng cấp, xử lý. “Khi Chính phủ quyết tâm xử lý tham nhũng thì sẽ có những thành công nhất định” – ông Lý Dụng nói.

Ngoài ra, để bảo đảm cho một châu Á tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, các quốc gia phải tái cấu trúc nền kinh tế bằng việc tăng tính giải trình, minh bạch, cải tiến mối quan hệ công – tư, cân bằng sự phát triển các khu vực trong nền kinh tế của mình, đảm bảo sự tiếp cận các dịch vụ y tế - giáo dục của đa số người dân…/.

Theo VOVnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast