Chênh lệch đầu tư, chênh lệch nghề

Nếu “đầu tư” được hiểu nôm na là bỏ đồng tiền và các yếu tố khác vào một lĩnh vực gì đó nhằm thu lợi ích về kinh tế - xã hội thì việc cho con học tiếp sau khi đã tốt nghiệp phổ thông cũng được xem là đầu tư. Thế nhưng, lâu nay, với tâm lí chuộng bằng cấp, lắm “nhà đầu tư” đã mắc sai lầm khi một mực định hướng cho con theo học Đại học, hoặc cao đẳng, trong khi để ngỏ khả năng học nghề. Mặc dù, suy cho cùng, học ĐH, CĐ cũng là học nghề hiểu theo nghĩa thực tế của nó. Kết quả là sau 4, 5 năm đằng đẳng đầu tư, nhiều gia đình đã rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, trong khi những gia đình cho con học nghề thì không sút giảm về kinh tế, con cái lại có công việc, thu nhập ổn định.

Đầu tư, như trời và vực

Chỉ mới tính sơ bộ, đầu tư giữa đại học và học nghề đã khác xa nhau “một trời một vực”. Theo sinh viên Hồ Mạnh Cường (Thạch Lạc – Thạch Hà) K50 khoa Sử, Đại học Vinh: “chưa tính tiền học phí, mỗi tháng tiền phòng trọ, điện nước, thức ăn (vì gạo mang ở nhà đi) đã phải chi đến 2 triệu đồng”. Sinh viên này còn cho biết thêm: “Đó là còn ít. Chứ em gái em là Dương Thị Kim Anh – Học viện Ngân hàng, mỗi tháng phải 3 triệu đồng”. Mỗi tháng 2 triệu đồng, tính theo chi tiêu ở Vinh, vậy 1 năm ít nhất phải mất 20 triệu, chưa tính học phí và các khoản đi lại, điện thoại, sinh hoạt. Nhẩm tính 4 năm học đại học, 1 sinh viên phải tiêu tốn 80 triệu đồng. Nếu học ở Hà Nội, chi phí trên dưới 130 triệu. Đó là chưa kể những sinh viên học 5 năm, vì chi phí sẽ cao hơn nhiều. Đây là khoản tiền rất lớn đối với nhiều gia đình, nhất là nông dân.

GS Hoàng Tụy: Lẽ ra một bộ phận SV theo học ĐH phải chuyển sang học nghề để phù hợp và đem lại lợi ích cao hơn cho xã hội. Ảnh chỉ có tính chất minh họa
GS Hoàng Tụy: Lẽ ra một bộ phận SV theo học ĐH phải chuyển sang học nghề để phù hợp và đem lại lợi ích cao hơn cho xã hội. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Để có đủ tiền trang trải, hầu hết các gia đình đều phải vay mượn. Đáng nói là nhiều gia đình, dù đã vay NHCS theo Quyết định 157/QĐ-TTg “về tín dụng đối với HSSV” song vẫn chưa đủ cho con, đành phải vay các nguồn khác. Kết quả là sau 4, 5 năm học đại học, nhiều gia đình đã “tự nhiên” ôm 50 – 60 triệu đồng tiền nợ. Trong khi đó, cũng theo học sau khi tốt nghiệp THPT, song số em học nghề lại có chi phí thấp hơn rất nhiều. Học viên Nguyễn Văn Xuân Phúc (Cẩm Hưng – Cẩm Xuyên) lớp K11 Trung cấp điện, Trường Cao đẳng Việt Đức cho hay: “Chỉ còn 9 tháng nữa là em tốt nghiệp. Nhưng chi phí 1 năm qua cũng không tốn kém mấy. Em đi về được nên mỗi tháng hết 500.000đ. Những bạn ở lại, thuê trọ thì hết khoảng 1 triệu đến 1 triệu 2 trăm”.

Ngoài chi phí, đầu tư cho học đại học còn phải tính đến các yếu tố như thời gian, trí tuệ. Thời gian học đại học mất 4,5 năm. Vậy, nếu 1 học sinh học đúng tuổi phải đến 22,23 tuổi mới tốt nghiệp Đại học. Trong lúc đó, học nghề, tối đa đến 20 tuổi đã tốt nghiệp. Điều này gây nên ảnh hưởng về thời gian làm việc của bản thân mỗi người và tác động đến xã hội vì đây là độ tuổi sung sức nhất của lao động. Đó là chưa kể 4, 5 năm học đại học, người học còn phải “căng” ra để theo kịp chương trình, khác hẳn với độ căng trong 2 năm của học nghề chuyên nghiệp. Vậy nhưng, kết quả ra sao?

Chênh lệch nghề

Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường tìm được việc làm, thu nhập ổn định. Song với số lượng sinh viên tăng chóng mặt như những năm gần đây thì lượng sinh viên không thể xin việc sau khi tốt nghiệp là rất lớn. Anh Trần Văn X. ở Thạch Lạc, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 2011 với tấm bằng loại khá trong đó có 2 năm đạt danh hiệu SV xuất sắc, đến nay đã gửi hồ sơ nhiều nơi vẫn không thể có việc làm. Bà Trần Thị H. mẹ của anh X. chia sẻ: “Cha mất sớm, bấm bụng nuôi con học. Ai ngờ ra trường không có việc làm. Nợ phục vụ học tập và chi phí đi lại đã lên 60 triệu, phải trả tiền lãi hàng tháng, vất vả lắm”. Bà còn bộc bạch thêm: “Nhìn con mỗi ngày đi phụ nề theo đám thợ mà xót xa”.

Trái ngược với anh X., anh Trần Tuấn Vũ cùng xóm (sinh năm 1992) hiện đã tự chủ trong công việc bằng nghề cơ khí, chuyên làm mái tôn, lợp trần nhà, làm khung cửa… Anh Vũ cho biết: “Em học trung cấp cơ khí ở trường Việt Đức. Tốt nghiệp, em về làm việc cho một xưởng cơ khí trong xã để tích lũy kinh nghiệm. Giờ thì em đã tự tin với tay nghề của mình”. Nhìn bàn tay của anh Vũ thoăn thoắt và chính xác trong các khâu chắp nối vật liệu, sự tỉ mẫn mà bất cứ ai cũng ưng ý, tôi biết anh đang hài lòng với công việc của mình. Anh cho biết: “Lượng khách làm cơ khí, nhất là làm mái tôn ngày càng tăng nên việc khá nhiều. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng thu nhập khoảng 6-7 triệu”.

Học nghề thường không khó khăn để tự tìm việc, trong khi khả năng này của nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học là không thể. Ảnh minh họa
Học nghề thường không khó khăn để tự tìm việc, trong khi khả năng này của nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học là không thể. Ảnh minh họa

Sự khác biệt về nghề giữa người học ĐH và học nghề cơ bản nằm ở chỗ, học nghề giúp người học có “nghề” cầm tay, còn ĐH thì chưa hẳn. Ngoài ra, việc có “nghề” hay không học còn phụ thuộc nhu cầu xã hội. Vì những lí do này nên nhiều sinh viên ra trường, nhất là SV lĩnh vực KHXH&NV bối rối không biết tìm nghề gì cho phù hợp. Bi đát hơn, trường hợp không tìm được nghề lại phải tự đào tạo những nghề phổ thông như: làm thợ xây, bốc vác, làm thợ mộc… Trong khi người học nghề có thể tự tạo việc làm cho mình. Anh Nguyễn Văn Thanh (xóm 10 -Thạch Hương, Thạch Hà) một “tay kéo” ở Salon Nguyễn Sơn (TP Vinh) chia sẻ: “Sau khi học phổ thông, nhà chỉ có 3 mẹ con nên em quyết định theo học nghề tóc. Học xong thì làm việc ngay tại Salon, không lo ăn ở, đi lại. Khách đến nhiều nên làm việc khá tất bật”. Anh cũng cho hay, với khoản thu nhập từ nghề tóc bấy lâu, anh vừa xây mới cho mẹ căn nhà trên 100 triệu đồng. Xã hội càng phát triển, con người càng có nhiều nhu cầu (kiến thiết, làm đẹp), do đó người học nghề thường không khó khăn để tự tìm việc, trong khi khả năng này của nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học là không thể.

Lời kết

So sánh trên phải chăng là nghịch lý đầu tư khi “đầu vào” cao song lắm lúc lợi nhuận thấp và ngược lại, hay là vấn đề thuộc về sự lựa chọn? Hẳn mỗi người sẽ có cách trả lời riêng! Đúng - sai “hồi sau” sẽ rõ. Chỉ biết, nhiều bài học nhãn tiền về học đại học vẫn còn đó. Và, cần nhớ, GS Hoàng Tụy người tâm huyết với giáo dục nước nhà đã bày tỏ thẳng thắn: lẽ ra một bộ phận SV theo học ĐH phải chuyển sang học nghề để phù hợp và đem lại lợi ích cao hơn cho xã hội. Mong rằng, với sự tỉnh táo, mỗi học sinh và các gia đình sẽ cân nhắc, lựa chọn đúng ngành học, trường học, loại hình đào tạo. Bởi, suy cho cùng, bất kỳ sự đầu tư nào cũng cần tính đến lợi nhuận.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast