“Chì chiết” người thân bị phạt tiền triệu: Khó thực hiện?

Để quy định rõ ràng thế nào là “chì chiết” đã khó, nhưng việc phạt tiền chắc chắn sẽ khó gấp bội…

Một bức ảnh mô tả cuộc sống của những người bị bạo lực gia đình
Một bức ảnh mô tả cuộc sống của những người bị bạo lực gia đình

Mấy ngày qua, một số quy định nêu trong Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến được dư luận quan tâm và còn gây tranh cãi.

Trong Dự thảo quy định “Phạt tiền từ 1-1,5 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết thành viên gia đình”, nhưng thực tế để hiểu đúng những hành vi đưa ra trong quy định này đã là điều khó, nhưng việc phạt tiền còn khó hơn gấp bội.

Hành vi “chì chiết” nên được hiểu thế nào? Mức độ như thế nào thì được quy vào tội “chì chiết”? Thật khó để phân định vì để chì chiết cũng là một trạng thái tình cảm của con người, nó phụ thuộc vào cả người nói và người nghe. Sự chấp nhận ngưỡng “chì chiết” đối với mỗi người cũng không giống nhau.

Và trong nhiều trường hợp trớ trêu, người “chì chiết” đôi khi lại là nạn nhân. Cũng khá quan tâm đến nội dung này trong Dự thảo Luật, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội) đặt giả thiết rằng, nếu ở trong một gia đình mà có người chồng cờ bạc, rượu chè, bồ bịch thường xuyên về nhà đòi tiền, đánh đập vợ con. Vậy khi ấy người vợ không được nói gì và nói như thế nào để không bị quy vào tội chì chiết? Trong trường hợp này, ai quy tội cho người chồng hay chỉ có người vợ là mắc tội?.

Chị Hoa cũng băn khoăn nếu trong gia đình, con cái không chịu học hành, chỉ đua đòi với bạn xấu, thậm chí nghiện ngập, cãi lại bố mẹ thì bố mẹ có được quở mắng, dạy dỗ con?. Và ở mức độ nào thì cha mẹ mới không bị quy kết tội “chì chiết” con cái?

Với đa số người Việt Nam, cha mẹ, người trong gia đình mỗi khi có chuyện gì đều đóng cửa bảo nhau, vậy nếu có to tiếng trong nhà thì ai là người đánh giá đó là "chì chiết" và làm chứng cho việc này. “Tôi cho rằng, quy định này khó có thể thực hiện được. Khi vợ chồng lời qua tiếng lại, chẳng ai lại đi tố cáo đối phương là chì chiết mình. Vì có tố cáo rồi, thì ai làm chứng lúc đó, người bị quy tội họ chối tội thì biết làm thế nào hay chỉ đơn giản họ nói là việc chưa đến mức gọi là “chì chiết”? – Anh Mai Thanh An, nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội chia sẻ.

Chì chiết: Phạt ai, ai phạt?

Trong những năm gần đây, với nhiều biện pháp tích cực của các cơ quan chức năng và sự tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, hành vi bạo lực gia đình ở Việt Nam đã có cải thiện, nhưng cũng chỉ mới chỉ là kết quả vô cùng nhỏ bé. Người phụ nữ Việt Nam với đức tính nhường nhịn, vì gia đình họ luôn là người chịu thiệt thòi khi người chồng có hành vi bạo lực. Chỉ có một số vụ có thể đếm được là người phụ nữ dám “tố” chồng khi họ bị bạo lực, còn lại đa phần là cam chịu. Mà kể cả khi có bằng chứng, đưa nhau ra công an thì cùng lắm cũng chỉ là viết giấy cam kết không tái phạm rồi lại dẫn nhau về và… hòa cả làng. Vậy thì chuyện “chì chiết” nhau trong gia đình cũng chỉ là chuyện rất bình thường, là chuyện riêng của mỗi gia đình, hàng xóm có biết cũng không ai can thiệp.

Chị Ngô Ngọc A. (phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) tâm sự rằng, chị cũng đã có lần bị chồng bạo lực, nhưng hàng xóm xung quanh chẳng ai quan tâm, vì giờ nhiều gia đình sống theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy dạng”. Với lại chị cũng không muốn ai biết chuyện gia đình chị vì người thông cảm thì ít, người không thông cảm thì lại lấy đó làm chuyện đàm tiếu, suy luận đủ điều. “Chuyện cơm không lành canh chẳng ngọt trong gia đình nào chẳng có, mà ai lại đi nói ra chuyện nhà mình làm gì, “xấu chàng hổ ai”. Còn chỉ nếu chì chiết nhau mà khép thành tội thì rất khó, ai là người phân xử việc này. Tôi chỉ mong các quy định pháp luật cụ thể nhưng phải có tính khả thi hơn trong cuộc sống, như vậy mới thực sự bảo vệ được quyền lợi của những người bị hại”.

Còn thực sự nếu có “kết tội” được người chồng là chì chiết vợ, thì việc đưa ra mức phạt tiền liệu có khả thi. Với thói quen của đa số gia đình Việt Nam, tất cả các thành viên trong gia đình đều góp chung tiền để chăm lo cho gia đình mình, nếu phạt thì lại cũng là “đánh” vào túi tiền của người bị hại. Vậy chẳng ai dại gì đi “tố” người trong gia đình để rồi chính mình lại bị mất tiền.

Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cũng mới là giai đoạn đưa ra lấy ý kiến, nên vẫn còn phải chỉnh sửa, điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Việc đưa ra Dự thảo Nghị định này với những quy định cụ thể, chi tiết như vậy cũng là lời nhắc nhở để mỗi chúng ta cần điều chỉnh hành vi của mình từ lời nói đến hành động đối với người thân.

Suy cho cùng, mọi quy định đều do con người tạo ra. Do đó để điều chỉnh để quy định phù hợp với thực tế cũng là để phục vụ con người./.

Theo vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast