Chớ nên xây dựng mô hình để… báo cáo!

Thời gian qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, nuôi trồng thủy sản được xây dựng, vừa góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, đồng thời tạo bước đệm vững chắc trong việc triển khai, nhân rộng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc xây dựng mô hình điểm mới chỉ dừng lại để… báo cáo!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gần đây, tôi được tham gia đoàn kiểm tra, tham quan mô hình phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng tại một huyện miền núi. Sau khi vượt qua quãng đường hàng chục cây số, khi xe vừa dừng bánh thì đã thấy các đồng chí chủ trì huyện nọ chờ sẵn, tiếp đón.

Vì là chuyến tham quan có hẹn trước nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, đoàn chúng tôi đã được tiếp cận với mô hình cần đến. Tận mắt chứng kiến mô hình phát triển kinh tế tổng hợp được quy hoạch hết sức bài bản, công phu và cho thu nhập cao nên ai nấy đều ngợi ca, thán phục. Trang trại vừa có một diện tích khá lớn cây nguyên liệu, cây ăn quả, lại vừa có chuồng trại chăn nuôi trâu bò, lợn hướng nạc, nhím sinh sản và ao thả cá. Đặc biệt, chủ trang trại là một thương binh nên sức thuyết phục đối với khách tham quan càng lớn hơn.

Tham quan xong mô hình, đồng chí chủ trì cơ quan cấp tỉnh vừa động viên, khen ngợi chủ hộ vừa không ngớt lời căn dặn huyện và tổ chức CCB nơi đây tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Mấy ngày sau, tôi và anh bạn làm ở một cơ quan báo chí cùng nhau xuống cơ sở thu thập thông tin để viết bài về việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng của thanh niên tại huyện miền núi nêu trên. Sau khi biết chúng tôi có nguyện vọng tiếp cận một vài mô hình, điển hình, các đồng chí trong tổ chức đoàn phấn khởi, tận tình dẫn chúng tôi đi. Và điểm đến lại là trang trại của CCB hôm nọ!

Mới cách đây mấy hôm, đồng chí chủ trì huyện tự hào giới thiệu một cách rất chi tiết, là mô hình tiêu biểu, điển hình của một thương binh, CCB vượt khó, làm giàu chính đáng trên quê hương. Còn hôm nay, đồng chí cán bộ huyện đoàn lại giới thiệu trang trại này là của đoàn viên trong phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, phát triển kinh tế, XĐGN.

Chưa hết, đồng chí bí thư huyện đoàn còn cho biết: trước đó, huyện đoàn đã lồng ghép một số chương trình dự án để hỗ trợ, đầu tư thêm nguồn vốn cho đoàn viên nọ xây dựng thành công mô hình (?!).

Xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo hướng tập trung hàng hóa, tạo sức lan tỏa bền vững trong cộng đồng xã hội là hết sức cần thiết. Song, thiết nghĩ, không nên vì thành tích mà huyện nọ, địa phương kia mỗi lần có đoàn cấp trên về tham quan, kiểm tra mô hình thì chủ nhân - khi được giới thiệu là CCB, lúc là đoàn viên và có khi lại là mô hình của phụ nữ...

Người viết bài này từng nghe một đồng nghiệp kể câu chuyện thật như... hài: địa phương nọ làm được 2 km kênh mương bê tông. Cuối năm, các đoàn thể trong xã đều đưa vào báo cáo tổng kết và khẳng định “chính chủ”. Xã có 3-4 đoàn thể, xem qua cứ ngỡ làm được 6-8 km; song thực chất chắc ai cũng rõ.

Việc báo cáo với lãnh đạo cấp trên, hay báo cáo trong hội họp, tổng kết... kiểu này cần được rút kinh nghiệm để phong trào xây dựng mô hình đi vào thực chất, phát huy hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast