Chông chênh cầu gỗ Hương Giang

Nằm về phía thượng nguồn sông Ngàn Sâu nên xã Hương Giang, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có nhiều khe suối, kênh rạch chia cắt địa bàn. Thế nhưng, nối nhịp giao thông giữa các xóm với trung tâm xã chỉ là những chiếc cầu gỗ đơn sơ và đã bị trận lũ vừa qua xóa sổ. Giao thông ở xã đặc biệt khó khăn này vốn đã khó khăn càng cách trở hơn...

Trận lũ đã phá hại nặng nề hệ thống công trình hạ tầng của Hương Giang, với tổng thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Trong số hàng chục công trình giao thông, thủy lợi bị phá hủy nghiêm trọng, khó khăn lớn nhất đặt ra cho địa phương những ngày sau lũ là hàng chục cây cầu bị cuốn trôi và hư hỏng nặng làm tê liệt các tuyến giao thông. Những ngày này, cùng với việc tập trung cho công tác tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ và triển khai sản xuất vụ đông, xã Hương Giang đang huy động lực lượng nhanh chóng sửa chữa, khắc phục những cây cầu chính để phục vụ cho việc đi lại và học tập của nhân dân.

Cầu Ma Ca chỉ còn trơ lại những cọc trụ bê tông nghiêng ngả
Cầu Ma Ca chỉ còn trơ lại những cọc trụ bê tông nghiêng ngả

Có lẽ bây giờ, ít có nơi nào việc sửa chữa cầu đường lại đơn giản như ở Hương Giang. Những anh thợ làng với búa, đinh, những vòng thép và những mảnh ván tận dụng, cần mẫn chắp vá những khoảng trống trên mặt cầu, giằng níu những trụ cầu đã bị xô nghiêng. Tôi chợt rùng mình khi chứng kiến các em học sinh đang trầy trật với chiếc xe đạp trên những thanh gỗ loằng ngoằng làm sàn cầu đang ghép dở; phía dưới phải đến gần 6 mét là dòng nước đỏ ngầu đang cuồn cuộn.

Cầu Cây Dền là một trong những cây cầu nối con đường độc đạo từ xóm 4 đến với bên ngoài nhưng đã bị hỏng nặng. Những ngày cầu Cây Dền đang đang được sửa chữa, xóm phải mở một lối nhỏ làm đường tránh để các em học sinh đến trường. Vì con đường tránh này khúc khuỷu, trồi trụt nên xóm phải cắt cử người “áp tải” các em qua đường. Anh Phan Đăng Khoa, một người dân trong xóm đang dẫn các em đi học nói với chúng tôi: “Trận lũ trước, cầu Cây Dền bị hỏng, vừa sửa chữa xong, mới sử dụng được mấy bữa thì lại bị trận lụt này cuốn trôi gần hết. Gần một tuần nay, các cháu học sinh phải đi đường tránh, tội lắm. Con đường này, các em sẽ không qua nổi nếu không có người lớn giúp đỡ. Vì vậy chúng tôi phải thay phiên nhau đưa các cháu đi học, đến khi nào sửa xong cầu mới thôi”.

Cầu Cồn Soi của xóm 9 và xóm 10 bị hư hại nghiêm trọng
Cầu Cồn Soi của xóm 9 và xóm 10 bị hư hại nghiêm trọng

Cầu Ma Ca là cây cầu nối con đường duy nhất từ trung tâm xã vào xóm 6. Sau nhiều lần bị lũ cuốn trôi do làm bằng gỗ, xóm đã huy động nội lực cùng với sự hỗ trợ của xã làm được một cây cầu bê tông nhỏ. Vậy nhưng, cây cầu cũng chỉ chống chọi được vài mùa lũ, đến trận lũ lớn lần này thì phải đầu hàng. Cầu bị cuốn phăng, chỉ còn trơ lại những cột trụ bê tông nghiêng ngả. Những ngày nước rút, bà con đang cố gắng nhặt nhạnh những mảng bê tông còn sót lại làm cầu tạm để đi lại trong những ngày nước cạn. Chị Lê Thị Lài ở xóm 6 tâm sự: “Cây cầu này may ra chỉ đi được mấy bữa nước xuống thôi. Chỉ cơn mưa to chút là coi như công toi. Người lớn đi làm ăn không được đã đành, lo nhất bây giờ là việc đi học của các cháu. Không biết bao giờ chúng tôi mới thoát khỏi cảnh này”.

Những ngày trong bộn bề công việc khắc phục hậu quả lũ lụt, xã Hương Giang chỉ có thể khôi phục tạm những cây cầu dân sinh, chứ chưa đủ điều kiện thời gian và kinh phí để sửa chữa những cây cầu phục vụ sản xuất. Cầu Cồn Soi - nối con đường ra cánh đồng của xóm 9 và xóm 10, khi chúng tôi đến đang hoàn toàn bị tê liệt. Gần như toàn bộ số ván trên cầu bị cuốn trôi hoặc bong tróc, các cột trụ bằng bê tông vừa mới được người dân bỏ tiền xây dựng đã bị xô nghiêng. Ông Nguyễn Ngọc Hà, một người dân xóm 9 cho hay: “Mỗi năm, cùng với kinh phí của Nhà nước, chúng tôi còn góp mỗi nhân khẩu 100 ngàn đồng để tu sửa cầu, nhưng hầu như năm nào lũ đến là lại bị hư hỏng nặng nề. Cầu gỗ không đảm bảo an toàn không chỉ khiến cho người dân đi lại sản xuất hết sức khó khăn mà còn là làm xảy ra những tai nạn giao thông đáng tiếc”.

Cầu Dền chưa sửa chữa xong nên học sinh ở xóm 4 phải lội bùn trên con đường tránh mới được mở để đến trường
Cầu Dền chưa sửa chữa xong nên học sinh ở xóm 4 phải lội bùn trên con đường tránh mới được mở để đến trường

Được biết, hệ thống cầu gỗ ở Hương Giang là sản phẩm của chính người dân ở đây bỏ tiền của và công sức làm nên. Cùng với một phần hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống cầu tạm này được người dân sửa chữa, gia cố thường xuyên. Với nội lực của mình, cố gắng lắm người dân mới từng bước bê tông hóa một số cây cầu theo cách làm bê tông từ trụ cầu rồi dần đến thân cầu. Tuy nhiên, với kinh phí không đáng kể, những cây cầu từ nội lực của Hương Giang không thể đủ độ vững bền để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi vùng tâm lũ.

Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Hùng cho biết, nhờ có sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, đến nay, trong số 50 cây cầu gỗ, xã đã có 6 cây cầu kiên cố lớn nhỏ, 1 cây cầu đang thi công và 1 cây cầu đã được ghi vốn. Mặc dù vậy, so với điều kiện đặc thù của địa phương, xã đang rất cần sự quan tâm đầu tư lớn hơn cho việc củng cố, nâng cấp tổng thể hệ thống cầu trên địa bàn. Trước mắt Hương Giang còn có đến 9 cây cầu nằm ở những khu vực đông dân cư sinh sống nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng đang rất cần các nguồn vốn đầu tư. Người dân Hương Giang đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cả cộng đồng để không phải nơm nớp lo âu cho số phận những cây cầu mỗi khi mùa mưa bão đến.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast