Chủ đầu tư "treo" tiền GPMB, dân khó khăn tìm kế sinh nhai!

Nhường ruộng đất cho Dự án Khu đô thị Nam cầu Phủ, 213 hộ dân ở 4 xóm của xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) đồng ý nhận tiền bồi thường với mong muốn sớm tìm ra kế sinh nhai mới ngoài sản xuất nông nghiệp. Song, đã hơn 4 tháng trôi qua, nhà đầu tư (Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC) vẫn không chịu trả tiền đền bù GPMB, đẩy các hộ dân vào tình cảnh vô cùng khó khăn vì thiếu việc làm.

Dự án xây dựng Khu đô thị Nam cầu Phủ:

Đỏ mắt chờ bồi thường

"Khổ quá chú ơi! Hơn 4 tháng chờ đỏ mắt rồi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. 6 sào ruộng chẳng nhiều nhặn gì nhưng có nó thì có gạo cho người, có lúa cho chăn nuôi con lợn con gà để trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành. Xong vụ đông xuân 2011 - 2012, người dân xóm tôi nhận được lệnh ngừng sản xuất để dự án đền bù nhưng đến giờ vẫn chẳng thấy đâu trong khi hàng chục ha đất lúa bỏ hoang suốt vụ hè thu", chị Nguyễn Thị Nghĩa ở xóm Bình Minh nghẹn ngào nói.

Hơn 34 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Thạch Bình bị thu hồi từ 4 tháng trước nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận tiền bồi thường
Hơn 34 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Thạch Bình bị thu hồi từ 4 tháng trước nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận tiền bồi thường

Nhà chị Nghĩa có 7 miệng ăn nhưng hiện chỉ trông vào hơn trăm ngàn đồng tiền công một ngày làm thợ nề của người chồng. Ngoài lo cơm nước cho bố mẹ chồng đã ngoài tám mươi và 3 đứa con ở 3 cấp học, chị Nghĩa còn tranh thủ đi làm thuê nhưng lâu lâu mới có người kêu nên chẳng ăn thua gì. "Ngày làm tháng ăn. Mưa gió lại đến nơi rồi. Chỉ mong dự án sớm trả tiền để người dân còn xoay xở chứ hơn tấn thóc thu được từ vụ đông xuân đã vơi gần hết rồi", chị Nghĩa âu sầu bảo.

Ông Trần Đức Huệ - Bí thư chi bộ xóm Bình Minh bảo rằng, ở xóm này, bây giờ nhà nào cũng khó khăn cả. Xóm có 114 hộ thì đã có 97 hộ có ruộng bị thu hồi với diện tích hơn 17,5 ha. Nghề phụ thì không có nên đầu vụ hè thu đến nay người dân bủa đi khắp nơi làm thuê cuốn mướn. Đàn ông thì xin đi làm phu, nề; đàn bà người thì đi bắt cóc, bắt cáy bán cho hàng quán hay đi thu mua phế liệu bán lại các chủ buôn. Việc gì họ cũng làm miễn có tiền trang trải cuộc sống khi không còn ruộng đất. Song, chờ 4 tháng rồi không thấy tiền nên người dân sốt ruột lắm. Xóm hết làm công tác tư tưởng lại lo trấn an cho một số người bức xúc đòi lên trên khiếu nại. Làm cán bộ cơ sở, chúng tôi cũng khó ăn khó nói với dân lắm, nhất là không dám tổ chức họp xóm khi cần phổ biến một chủ trương nào đó.

Theo ông Lê Trọng Bính - Chủ tịch UBND xã Thạch Bình, từ đầu tháng 6 - 2012, thành phố đã có quyết định thu hồi hơn 56,15 ha đất tại 4 xóm (Bình Minh, Xóm Mới, Bình Yên và Bình Lý), trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 34,22 ha. Trong số 213 hộ có ruộng bị thu hồi thì phần lớn rơi vào xóm Bình Minh. Đây cũng là xóm có hơn 90% hộ bị thu hồi 100% ruộng nên đời sống của người dân đang hết sức khó khăn. Điều mà người dân băn khoăn nhất hiện nay là dự án có đầu tư nữa không, nếu có thì sớm trả tiền, bằng không thì trả lại ruộng để họ tiếp tục sản xuất.

Cả Bí thư Đảng ủy lẫn Chủ tịch UBND xã Thạch Bình đã đi mòn lối gặp BQL dự án "đòi" tiền cho dân nhưng vẫn chưa có kết quả
Cả Bí thư Đảng ủy lẫn Chủ tịch UBND xã Thạch Bình đã đi mòn lối gặp BQL dự án "đòi" tiền cho dân nhưng vẫn chưa có kết quả

Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Trần Thế Dũng cho biết, từ tháng 2/2012, thành phố đã giao Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bắt tay vào việc, đến ngày 12/6/2012 thì ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường Dự án khu đô thị Nam cầu Phủ với tổng kinh phí 59,23 tỷ đồng (làm tròn). Từ đó đến nay, thành phố liên tiếp gửi công văn đề nghị chuyển tiền nhưng nhà đầu tư không thực hiện, gây dư luận không tốt trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn.

Vì sao chủ đầu tư "treo" tiền đền bù?

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 28121000130 ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh cấp cho Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC, Dự án Khu đô thị Nam cầu Phủ được xây dựng trên quy mô hơn 71,48 ha, gồm 141 căn biệt thự, 465 căn nhà liền kề, 4 block 15 tầng và 2 block 21 tầng, 2 trung tâm thương mại quy mô 15 tầng và 21 tầng với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Với quy mô và kinh phí "khủng" như vậy thì việc bỏ ra gần 60 tỷ đồng đền bù GPMB chẳng thấm vào đâu. Vậy thì sao nhà đầu tư lại để người dân dài cổ chờ 4 tháng nay?

Trưởng ban quản lý Dự án khu đô thị Nam cầu Phủ Ngô Văn Quyền giải thích cho sự chậm trễ chi trả tiền đền bù cho dân là do tỉnh chưa ban hành được mức giá chuyển quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư
Trưởng ban quản lý Dự án khu đô thị Nam cầu Phủ Ngô Văn Quyền giải thích cho sự chậm trễ chi trả tiền đền bù cho dân là do tỉnh chưa ban hành được mức giá chuyển quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư

Làm việc với phóng viên vào chiều ngày 7/10, ông Ngô Văn Quyền - Trưởng ban quản lý Dự án khu đô thị Nam cầu Phủ cho hay, sở dĩ nhà đầu tư chưa thể trả tiền bồi thường là do đến thời điểm này, ngành chức năng tỉnh chưa xác định giá trị giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Việc xác định giá trị chuyển quyền sử dụng đất là yếu tố hết sức quan trọng trong tính toán hiệu quả kinh tế. Tiến độ GPMB chậm trễ hoàn toàn không thuộc lỗi của chủ đầu tư.

Trả lời câu hỏi "dự án có triển khai nữa không", đại diện nhà đầu tư này khẳng định, chúng tôi đã đầu tư gần 40 tỷ đồng cho việc khảo sát, quy hoạch, thuê tư vấn thiết kế… BMC rất sốt sắng triển khai, thể hiện bằng việc BQL dự án đã nhiều lần cử cán bộ trực tiếp làm việc và phối hợp với các ngành tài nguyên -môi trường, tài chính, xây dựng, cục thuế… để xác định giá trị giao đất nhưng đến nay ngành chức năng tỉnh vẫn chưa thống nhất được giá đất trình UBND tỉnh phê duyệt.

Xung quanh việc xác định giá đất, ngày 28/8/2012, Sở TN&MT đã có văn bản trình Hội đồng định giá đất tỉnh thống nhất mức giá 1.613.000 đồng/m2 nhưng chủ đầu tư lại đề xuất giảm xuống 600.000 đồng/m2. Trước tình hình đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với ngành, địa phương liên quan làm việc cụ thể với nhà đầu tư để thông báo cụ thể nhưng vẫn chưa có kết quả khả dĩ.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh, việc nhà đầu tư lấy lý do chưa xác định giá trị giao đất chỉ là hình thức bao biện cho sự chậm trễ của mình, bởi trước đây, với dự án Khu đô thị mới Sông Đà, việc đền bù cũng được tiến hành trước, sau đó tỉnh mới xác định giá đất cho nhà đầu tư.

Thay lời kết

Gần 3 năm qua, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị thành phố Hà Tĩnh với tổ hợp cao ốc 15 tầng Siêu thị Co.op Mart và khách sạn BMC. Người dân thành phố nói chung, đặc biệt người dân xã ven đô Thạch Bình nói riêng rất kỳ vọng vào dự án Khu đô thị Nam cầu Phủ nên hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng nhường cả ruộng vườn cho nhà đầu tư. Song, những dự cảm tốt lành về một dự án khu đô thị mới chưa thấy đâu thì người dân nơi đây đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn sau khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp.

Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND tỉnh cần giải quyết dứt điểm vấn đề này để củng cố niềm tin cho người dân vùng dự án, bởi dù với bất kỳ lý do gì dẫn đến sự chậm trễ này thì các hộ có đất đền bù cũng không có lỗi!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast