Chủ động chọn mua thực phẩm an toàn, đảm bảo ATVSTP

(Baohatinh.vn) - Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đang là vấn đề được nhiều người hết sức quan tâm. PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh xung quanh nội dung này.

- Dư luận hiện rất quan tâm đến vấn đề nguy cơ “nhiễm độc tích tụ” hàng ngày từ thực phẩm. Với tư cách là Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Những năm gần đây, công tác bảo đảm chất lượng VSATTP được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị hết sức quan tâm. Hoạt động của các cơ quan chức năng tham gia quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP được tăng cường; chất lượng thực phẩm cũng như ý thức người tiêu dùng được nâng lên và được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Minh họa: tuoitre.vn

Năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc tập thể với tổng số 96 người mắc và 2.168 ca ngộ độc; không có tử vong. Đây là những trường hợp ngộ độc cấp tính do sử dụng thực phẩm có mức ô nhiễm cao và phần lớn là do vi khuẩn. Còn vấn đề “ngộ độc tích tụ”, hay nói cách khác là ngộ độc mãn tính tích lũy do thực phẩm bị ô nhiễm như dư luận quan tâm thì chưa có kết luận cụ thể. Đến nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có một nghiên cứu nào đưa ra số liệu cụ thể và tỷ lệ các bệnh mãn tính mắc phải do nguy cơ nhiễm độc tích tụ do thực phẩm bị ô nhiễm gây ra. Tuy nhiên, xét về mặt chuyên môn y học thì không chỉ có thực phẩm mà vấn đề môi trường, khói, bụi, chì… cũng có thể dẫn tới các bệnh mãn tính, thậm chí là các bệnh nan y như ung thư, viêm phế quản mãn tính...

Đây là vấn đề mang tính chiến lược ở tầm vĩ mô. Với địa phương, để góp phần giảm thiểu các nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm không an toàn, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tăng cường các giải pháp như tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong SXKD thực phẩm. Đồng thời tuyên truyền người dân nói không với thực phẩm độc hại.

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động của mạng lưới làm công tác đảm bảo VSATTP trong toàn tỉnh hiện nay?

Vấn đề ATTP là trách nhiệm của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị chứ không phải riêng một ngành, lĩnh vực nào. Hiện trên địa bàn tỉnh, mạng lưới tham gia chỉ đạo, quản lý về ATTP có BCĐ liên ngành VSATTP các cấp từ tỉnh đến tận các xã, phường. Có 3 sở, ngành gồm: Y tế, NN&PTNT và Công thương được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP theo lĩnh vực ngành. Ở cấp huyện có các phòng, khoa chuyên môn và cộng tác viên tuyến xã.

Những năm qua, mạng lưới làm công tác bảo đảm ATVSTP đã có nhiều cố gắng trong công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành cũng như tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Qua đó, ý thức tiêu dùng thực phẩm của người dân được nâng lên, thực phẩm tiêu thụ trên thị trường bảo đảm hơn về chất lượng, đặc biệt là các hàng hóa chế biến sẵn như bánh, kẹo... Bên cạnh đó, một số mô hình sản xuất thực phẩm an toàn (rau, chè, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mô hình chợ an toàn...) được triển khai hiệu quả… Tuy nhiên, so với yêu cầu thì công tác đảm bảo ATVSTP vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Đặc biệt là ở tuyến cơ sở, công tác quản lý vẫn còn buông lỏng.

- Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đang đến gần, xin ông cho biết, công tác đảm bảo ATVSTP đã được chuẩn bị như thế nào? Ông có khuyến cáo gì đối với người dân?

Tết Nguyên đán và mùa lễ hội là dịp để các nhà sản xuất đưa ra thị trường nguồn hàng khổng lồ phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để hàng nhái, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP tràn lan trên thị trường... Để bảo đảm ATTP cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm nay, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo các địa phương triển khai các hoạt động như: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cho mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm ATTP từ tỉnh đến các địa phương; thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành trước, trong và sau tết; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP, quyết không để tình trạng thực phẩm không bảo đảm ATVS lưu thông trên thị trường.

Để đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội, ngoài hoạt động của các ngành chức năng, chúng tôi mong muốn người dân chủ động trong việc tự bảo vệ mình, chọn mua thực phẩm an toàn, biết cách chế biến và bảo quản thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống sôi và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP.

Biện Nhung (thực hiên)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast