Chủ động ứng phó sự cố tràn dầu trên biển

(Baohatinh.vn) - Với chiều dài bờ biển 137 km cùng nhiều cửa sông, vùng biển Hà Tĩnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bị sự cố tràn dầu đe dọa. Tuy công tác ứng cứu còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên & Môi trường) cùng các cơ quan quản lý, 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Chủ động ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ảnh 1
Hội đồng tràn dầu (Sở TN-MT) thẩm định và kiểm tra sự cố tại cụm cảng Sơn Dương - Vũng Áng.

Tràn dầu là một trong những sự cố môi trường thường xảy ra trên các vùng ven biển, cửa sông, đặc biệt là đối với những nơi cơ sở hạ tầng hàng hải còn lạc hậu. Sự cố tràn dầu xảy ra ngày càng nhiều, gây hại đối với môi trường, xã hội và kinh tế biển ngày càng lớn.

Trên địa bàn Hà Tĩnh từng xảy ra 2 sự cố tràn dầu từ biển trôi dạt vào. Tháng 2/2007, dầu tràn dưới dạng vón cục, tảng kết dính tạo thành vệt kéo dài dọc bờ biển từ Kỳ Nam (Kỳ Anh) đến Thạch Hội (Thạch Hà) với chiều dài khoảng 80 km, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 14 xã, thị trấn thuộc các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà. 4 năm sau (tháng 5/2011), trên bãi biển các xã Kỳ Phú, Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh), Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh), phía Bắc cảng Vũng Áng, dầu trôi dạt vào đóng thành nhiều cục, tạo vệt dài trên cát khoảng 7-8 km.

Trong tương lai, nhu cầu vận tải ven biển đến Hà Tĩnh rất lớn, nhất là khi cảng Vũng Áng có năng lực tiếp nhận tàu trọng tải 3-5 vạn DWT, container với sức chở 4.000 TEU; cảng Sơn Dương tiếp nhận tàu tải trọng từ 30-40 vạn tấn. Song, một số kho xăng dầu khá lớn tại cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, Tổng kho Xăng dầu Vũng Áng, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng… luôn tiềm ẩn nguy cơ tràn dầu. Chưa kể, các hoạt động ngày càng gia tăng của phương tiện vận tải biển, cảng biển và cảng cá… hay tai nạn đâm va, chìm tàu ngoài biển có thể khiến sự cố phát sinh.

Chủ động ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ảnh 2
Một số kho chứa dầu tại cụm cảng Sơn Dương - Vũng Áng tiềm ẩn nguy cơ tràn dầu

Sự cố tràn dầu có khả năng xảy ra trên biển và trên đất liền, trong đó, đới bờ là vùng có nguy cơ cao. Vùng “nguy hiểm” này hiện án ngữ tại khu kinh tế tổng hợp Vũng Áng. Dầu tràn là các loại dầu thành phẩm và có nguy cơ cháy nổ cao. Tuy vậy, trang thiết bị và nguồn nhân lực ứng phó của các đơn vị còn rất mỏng. Dựa vào các tiêu chí như khả năng tổ chức phối hợp; số lượng, chủng loại phương tiện, thiết bị, vật tư chuyên dụng; năng lực chuyên môn của lực lượng có thể huy động ứng phó sự cố tràn dầu, Hà Tĩnh hiện chưa có khả năng ứng phó kịp thời sự, ngay cả quy mô cấp cơ sở với lượng dầu dưới 20 tấn.

Theo Chi cục trưởng Nguyễn Hữu Tình: “Việc xây dựng kế hoạch triển khai ứng phó sự cố tràn dầu là hết sức cần thiết. Điều này giúp các lực lượng chức năng chủ động, ứng phó các tình huống xảy ra, từ đó, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất, đời sống của nhân dân”.

Ngoài việc thành lập Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ công tác huấn luyện, tổ chức xử lý các vụ tràn dầu; quy định trách nhiệm của các đơn vị liên quan, quy trình và lực lượng ứng phó; công tác bồi thường thiệt hại; huấn luyện, đào tạo các lực lượng khắc phục sự cố. Kế hoạch được triển khai chủ yếu trong phạm vi 6 huyện, thị ven biển gồm: Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Đến nay, Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước đã tham gia hội đồng thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho 2 cơ sở là Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và cảng Sơn Dương FORMOSA Hà Tĩnh giai đoạn 1 của Sở Tài nguyên & Môi trường; tổ chức hội nghị triển khai các quy định về ứng phó sự cố tràn dầu cho sở, ban, ngành cùng các doanh nghiệp.

Những năm tới, Hà Tĩnh tập trung vào ứng phó sự cố cấp I (cấp cơ sở) và cấp II (dưới 500 tấn dầu). Đối với ứng phó sự cố tràn dầu cấp độ lớn hơn 500 tấn phải dựa vào sự hỗ trợ của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc hoặc miền Trung. Chính vì vậy, “chúng tôi mong muốn Tổng cục Biển, Hải đảo có hướng dẫn cụ thể về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án; các quy định về ứng phó sự cố tràn dầu trên biển; hướng dẫn các địa phương điều tra, đánh giá thiệt hại và lập hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại về môi trường do dầu tràn” - ông Tình nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast