Chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết bất thường

(Baohatinh.vn) - Những trận mưa lớn và lốc xoáy đầu mùa xảy ra tại các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang... đang báo hiệu những bất thường trong diễn biến thời tiết. Hơn bao giờ hết, mỗi người dân cần có ý thức và kiến thức để chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản và thành quả sản xuất của mình.

chu dong ung pho voi hien tuong thoi tiet bat thuong

Trận tố lốc ngày 3/5/2016 gây thiệt hại nặng về tài sản của người dân huyện miền núi Hương Khê

Mưa giông, tố lốc, sấm sét, mưa đá… là những hình thái thời tiết nguy hiểm điển hình khi kết thúc đợt nắng nóng. Nó không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn khiến nhiều người thương vong. Tuy nhiên, không ít người biết tự bảo vệ mình và người thân bằng những hành động đơn giản.

Theo anh Tôn Đức Thọ - Phó ban Công tác xã hội - phòng ngừa ứng phó thảm họa (Hội Chữ thập đỏ tỉnh): Với sét, không có vị trí an toàn tuyệt đối nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ tính mạng của mình. Khi trời sắp xảy ra giông, biện pháp tốt nhất để tránh sét là nên ở trong nhà, nơi có lắp đặt hệ thống chống sét. Nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại... Khi bất ngờ gặp mưa đá, nên dùng vật cứng, dày để che đầu. Sau đó, ngay lập tức tìm nơi trú ẩn. Không nhặt mưa đá để ăn, chơi bởi mưa đá có thể mang theo độc tố, a-xít.

Nếu đang đi trên đường, tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, rừng cây hay khu vực cao, chòi lá, ra khỏi biển, hồ khi có mưa… Tránh xa các vật dụng bằng kim loại như hàng rào sắt, cuốc, dao, xe đạp. Nên tìm chỗ khô ráo, cúi thấp người, tay ôm cổ, không nằm hoặc đứng thành nhóm gần nhau. Trong trường hợp đang ở trong rừng, nên tìm nơi có cây thấp và thưa.

Không chỉ mưa giông, tố lốc, sấm sét… mà khi thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt, với Hà Tĩnh, địa phương thường có nền nhiệt cao, nếu không biết cách bảo vệ sức khỏe, cơ thể sẽ vô cùng mệt mỏi, thậm chí, mắc một số bệnh mùa hè như say nắng, bệnh ngoài da, tiêu chảy, viêm họng, đột quỵ…

Theo khuyến cáo của các bác sỹ, người dân cần bổ sung nước liên tục cho cơ thể, không nên uống các loại nước chứa cồn hay quá nhiều đường; nên ăn các thực phẩm tươi mát. Bên cạnh đó, hạn chế ra ngoài vào lúc nắng đỉnh điểm (10-15h); khi ra ngoài, tránh để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bằng cách đeo kính, đội mũ vành rộng, mặc áo chống nắng…; tránh hoạt động liên tục giữa 2 môi trường quá chênh lệch nhiệt độ vì cơ thể chưa kịp thích nghi, nhiều người không kịp cân bằng cơ thể, dẫn đến các hiện tượng chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu, say nắng…

Cùng với việc mỗi người chú ý, chủ động tìm kiếm thông tin bảo vệ mình, các cơ quan chức năng liên quan cần lồng ghép giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong các nhà trường, các buổi tập huấn. Bên cạnh đó, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao năng lực thích ứng, kỹ năng phòng tránh và giảm nhẹ khả năng bị tổn thương do tác động thiên tai, nhất là các hiện tượng thời tiết bất thường.

Theo thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thiên tai và thời tiết bất thường trong năm 2015 đã làm 5 người chết và 2 người bị thương; khiến 575 hộ dân bị ngập; 929 ngôi nhà bị tốc mái; làm hư hỏng 706 ha lúa mùa, 115,5 ha ngô, 45 ha lạc, 209 ha cây ăn quả. Một số công trình công cộng và trường học bị hư hỏng nặng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast