Chủ trương đúng nhưng chưa trúng cách làm

Ngày 12-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 67/2010/QĐ-TTg ngày 29-10-2010 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Triển khai, thực hiện Quyết định đầy ý nghĩa này của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 31-8-2011, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 10.393 hộ làm nhà trên tổng số 11.419 hộ được phê duyệt, đạt tỷ lệ 91,015%. Điều đó cho thấy, Quyết định 167/2008/QĐ-TTg đã thực sự đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của chủ trương này thì trong quá trình triển khai, đây đó vẫn còn những vướng mắc, bất cập, thậm chí là lợi dụng làm mất đi ý nghĩa nguyên bản của chủ trương này.

Từ một chủ trương đúng...

Có thể nói chủ trương hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của Thủ tướng Chính phủ là một trong số những chủ trương của Chính phủ được hướng dẫn thực hiện một cách kịp thời, công phu, đầy đủ và tỉ mỉ đến từng nội dung nhỏ nhất. Ngay sau khi Quyết định 167/2008/QĐ-TTg được ban hành, Bộ Xây dựng đã ký văn bản số 2561/BXD-QLN ngày 23-12-2008 kèm theo Đề cương hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện. Tiếp đó, ngày 19/5/2009, Bộ Xây dựng-Bộ Tài chính- Bộ Kế hoạch và đầu tư- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông tư liên tịch số 08/2009 về hướng dẫn thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Thực hiện nội dung các văn bản của Trung ương kể trên, ngày 20-10-2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 3308/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Có những hộ thực sự cần thì chưa được hỗ trợ
Có những hộ thực sự cần thì chưa được hỗ trợ

Có thể thấy các Bộ, Ngành ở Trung ương, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt và triển khai một cách đầy đủ nhất tinh thần chỉ đạo thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Tất cả mọi phần việc, từ quy trình bình xét lập danh sách đối tượng được thụ hưởng Đề án; cách thức huy động các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, huy động sức đóng góp của các tổ chức đoàn thể, vốn vay ngân hàng; quy trình thiết kế, chọn mẫu nhà ở; quy trình các bước nghiệm thu, thanh quyết toán...đều được hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục cụ thể. Một số nội dung "khó" trong thực tiễn cũng được tính đến và hướng dẫn rất rõ ràng như: đối với những đối tượng không tự xây dựng được nhà ở thì “hình thành các Đội công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở thôn” và “UBND cấp xã phối hợp với UBMTTQ, đoàn thể và thôn xóm tổ chức xây dựng nhà cho các đối tượng này”. Có thể nói, với cách quán triệt, triển khai đầy đủ này, các địa phương trong tỉnh đều đã nhận thức rõ ý nghĩa, yêu cầu mục tiêu xóa đói giảm nghèo nói chung, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trong chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng được phát huy, dân chủ cơ sở được đẩy mạnh.

Một ngôi nhà của đối tượng bị thay và nhà được thay thế

Bằng sự giúp đở của chính quyền, người dân, những “túp lều”, những căn nhà lụp xụp, dột nát ẩn sau những lũy tre làng giờ đang được dần thay thế bằng những căn nhà “3 cứng” - nền cứng, khung cứng, mái cứng - đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi khang trang, bắt nhịp kịp với chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình từ sau khi được “an cư” đã có thể “lạc nghiệp”, nhanh chóng vươn lên thoát đói, thoát nghèo.

...Đến chách làm chưa trúng

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui của những thành quả đạt được bước đầu thì trên thực tế, việc thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ở nhiều địa phương do cách làm chưa “trúng” đã dẫn đến nhiều hệ quả buồn, chưa nói tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa lường hết được. Đi sâu tìm hiểu mới thấy rằng, ở mỗi địa phương chủ trương lại được "biến tấu" đi một ít- thực hiện không đúng theo đề án hoặc thực hiện sai theo đề án- tùy theo cách hiểu, thậm chí là cả cách vận dụng chủ trương vào địa phương mình.

Thiếu sót đầu tiên và cũng khá phổ biến đó là quy trình bình xét, lập và phê duyệt danh sách hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở. Theo hướng dẫn, quy trình bắt đầu từ danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ về nhà ở. Sau đó, trưởng thôn tổ chức họp để thông báo chính sách hỗ trợ và tổ chức bình xét các hộ nghèo đề nghị được hỗ trợ. Cuộc họp này phải có đại diện chính quyền cấp xã...Danh sách các hộ nghèo đề nghị được xếp theo thứ tự ưu tiên, được thực hiện công khai tại thôn. Các thôn hướng dẫn các hộ dân đã được bình xét làm đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở. Quy trình là vậy, nhưng trên thực tế việc bình xét không bắt đầu từ danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị mà đôi khi bắt đầu từ ý chí chủ quan của đội ngũ cán bộ thôn xóm. Nhiều nơi, danh sách hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở do ông xóm trưởng “kê đùi ngồi lập ra”, trình lên xã, lên huyện và lên tỉnh duyệt. Thậm chí có những địa phương ở huyện Lộc Hà, biên bản họp bình xét ở tất cả các xóm đều được lập trong 1 ngày và chẳng cái nào có ghi thành phần đại diện chính quyền xã tham gia như quy định?.

Nền cứng, thân cứng nhưng mái chưa chắc đã cứng- sai quy định
Nền cứng, thân cứng nhưng mái chưa chắc đã cứng- sai quy định

Một điều tưởng như bình thường xuất hiện trong việc thực hiện chủ trương hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo đó là qua khảo sát tại một số xã của huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên…số hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở đa phần là "ông già bà lão". Tuy nhiên, điều không bình thường là căn nhà của những hộ này sau khi được hỗ trợ lại được xây dựng gắn liền với nhà chính của con cái họ. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, một số hộ dân đã lợi dụng chủ trương này và “lách luật” bằng cách "ra riêng" cho bố mẹ trên 60 tuổi. Họ dựng cho bố mẹ 1 căn lều và tách hộ. Hết tuổi lao động, sống một mình thì khi địa phương thôn xóm bình xét hộ nghèo để hỗ trợ về nhà ở thì các hộ này đương nhiên được hưởng. Có điều khi được cấp trên phê duyệt thì địa điểm xây dựng nhà lại được đưa về sát với nhà của con, thường là xây nhà ngang liền kề với nhà chính của con với một lý do hết sức thuyết phục là để sau này bố mẹ chết thì để lại nhà cho con sử dụng khỏi lãng phí. Chưa nói sự lợi dụng chủ trương này của một bộ phận nhân dân mà vấn đề đặt ra ở đây là truyền thống đạo lý con cái phụng dưỡng bố mẹ khi tuổi già sức yếu đang bị xói mòn. Người ta sẵn sàng ra riêng cho bố mẹ để được hưởng các chế độ chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. Và với tư tưởng lợi dụng như thế này thì chủ trương hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở chưa biết đên bao giờ mới đến hồi kết thúc.

Nhà của mẹ xây xong thành nhà ngang của con
Nhà của mẹ xây xong thành nhà ngang của con

Điều trăn trở nhất là toàn tỉnh có gần 2000 hộ nghèo bị thay thế do không có điều kiện làm nhà. Nói nôm na là số hộ nghèo đã được phê duyệt nhưng không có điều kiện làm nhà bị đưa ra thay bằng những hộ nghèo có điều kiện làm nhà. Đây mới thực sự vấn đề đáng nói và khá đau lòng trong quá trình thực hiện chủ trương hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Nếu không muốn nói việc thay thế này đang làm méo mó và đi ngược lại với một chủ trương đầy ý nghĩa. Trên thực tế, các hộ không có điều kiện làm nhà là những hộ thực sự cần làm nhà nhất bởi đa phần những hộ này có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau bệnh tật liên miên, hoặc tứ cố vô thân, không nơi nương tựa...Những đối tượng này dù đã được xếp ưu tiên xét duyệt nhưng không hiểu vì tư tưởng "dễ làm, khó bỏ" hay không đọc kỹ các hướng dẫn: “hình thành các Đội công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở thôn (dưới sự chỉ đạo của UBND cấp xã) tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng tự xây dựng nhà ở” (Nghị quyết liên tịch 08/2009), “UBND cấp xã phối hợp với UBMTTQ, đoàn thể và thôn xóm tổ chức xây dựng nhà cho các đối tượng này” (Đề án của UBND tỉnh Hà Tĩnh) mà cách phổ biến nhất ở các địa phương là đề nghị thay thế các hộ nghèo này bằng những hộ nghèo "giàu hơn" - có điều kiện để làm nhà.

Ngoài những vấn đề nổi cộm nêu trên, thì thực tế cũng còn một loạt vấn đề khác đang ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn, như xét sai đối tượng vì quan hệ cá nhân hoặc vận dụng, đưa nhiều nguồn về cho một hộ. Hoặc việc thay đổi mức hỗ trợ hàng năm từ nguồn Mặt trận tỉnh nhưng chưa phổ biến một cách đầy đủ, chuyển tải kịp thời về cho hộ nghèo hoặc trong sổ sách quản lý các nguồn hỗ trợ chưa tách bạch rạch ròi từng loại đối tượng, từng mức hỗ trợ tương ứng với từng thời điểm để công khai thông báo cho người dân…dẫn đến tâm lý so bì, khiếu nại. Nếu không được giải thích một cách thấu tình, đạt lý thì đây sẽ dễ dấn đến nguy cơ mất ổn định chính trị ở địa phương. Bên cạnh đó, tình trạng chạy theo tiến độ, thành tích, làm đối phó cũng phát sinh nhiều hệ lụy khi chương trình đi đến hồi thanh tra, kiểm tra nếu không được chấn chỉnh kịp thời thì rất dễ bị xuất toán vì hồ sơ không hợp lệ.

Lời kết

Tới đây, việc nhìn lại quá trình thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 67/2010/QĐ-TTg sẽ được UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan xem xét một cách thấu đáo. Và khách quan mà nói thì bên cạnh những thiếu sót nêu trên thì cũng phải ghi nhận sự nỗ lực của các cấp các ngành, các địa phương, cơ sở, sự vươn lên của người dân đã góp phần đưa Quyết định của Thủ tướng đi vào cuộc sống. Song, ngay từ bây giờ chính quyền các cấp cần quan tâm hơn đến hậu của Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 67/2010/QĐ-TTg đó là vấn đề rà soát lại các đối tượng, kiên quyết đưa ra khỏi danh sách các đối tượng sai quy định để đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng chế độ chính sách; đó là vấn đề huy động nguồn lực, sức mạnh của cộng đồng để làm nhà cho những đối tượng cần nhà nhất nhưng chưa làm được để an dân; đó là vấn đề hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán để tiết kiệm tiền bạc của nhà nước và nhân dân. Và chỉ khi nào chúng ta giải quyết tốt những vấn đề trên đây thì khi đó chủ trương đúng và cách làm mới "trúng".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast