Chung tay chống đỡ thiên tai

Trong chuyến đi cứu trợ bà con 7 xã bị cô lập trong biển nước của huyện Vũ Quang sau cơn bão số 9 gần đây của chúng tôi có một người là cán bộ của tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV). Sau khi thực địa về tình hình đời sống bà con nhân dân sau lũ, anh đã gọi điện xin ý kiến từ văn phòng ở Hà Nội, quyết định cứu trợ khẩn cấp lương thực và nước uống cho nhân dân 2 xã Đức Giang và Đức Bồng với tổng giá trị 50 triệu đồng.

Sở dĩ 2 xã này nhận được nguồn cứu trợ này bởi vì đây được coi là “rốn lũ” của Vũ Quang và đang được hưởng lợi từ dự án “Xây dựng khả năng chống đỡ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ở các xã thường xẩy ra thiên tai tại Hà Tĩnh” của Văn phòng viện trợ nhân đạo của Ủy ban Châu Âu (ECHO) thông qua tổ chức AAV và Trung tâm phát triển cộng đồng Hà Tĩnh (HCCD. Dự án này được bắt đầu từ tháng 9 – 2009 với tổng giá trị tài trợ là 340.000 EURO dựa trên thực tế hàng năm Đức Giang và Đức Bồng bị ảnh hưởng từ 3 – 5 trận lụt lớn nhỏ, gây thiệt hại lớn về người và của, đặc biệt là những ảnh hưởng về tinh thần sau những thiệt hại đó của nhân dân. Dự án với những buổi tập huấn về kiến thức ứng phó, chống đỡ thiên tai đã giúp người dân rất nhiều trong việc khắc phục những khó khăn trong thiên tai vì công tác phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai ở đây vẫn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ.

Đại diện TT HCCD cấp hàng cứu trợ khẩn cấp của AAV cho người dân xóm Bồng Thắng - Đức Bồng

Đại diện TT HCCD cấp hàng cứu trợ khẩn cấp của AAV cho người dân xóm Bồng Thắng - Đức Bồng

Với mục đích tăng cường năng lực phòng chống thiên tai cho bà con, dự án đã hỗ trợ xây dựng 1 nhà tránh lũ tại trường Tiểu học Đức Giang, 1 nền tránh lũ tại xóm Bồng Thắng (Đức Bồng) cùng 2 công trình vệ sinh tại khu vực nhân dân thường sơ tán khi có lũ tại TT học tập cộng đồng Đức Bồng. Dự án cũng đã cung cấp các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn bao gồm 2 thuyền máy, 7 thuyền chèo tay, 150 phao cứu sinh, 150 áo phao, 2 máy phát điện, một số đèn pin, loa cầm tay cho các thôn xóm trong 2 xã. Cùng với đó, dự án đã hỗ trợ việc thành lập các Ban giảm nhẹ thiên tai (GNTT) cấp thôn nhằm điều phối các hoạt động phòng ngừa GNTT cấp thôn và các đội cứu hộ,cứu nạn thôn, trang bị các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu cho họ và nâng cao năng lực thông qua các khóa tập huấn về kỹ năng ứng phó cần thiết trong mưa lũ.

Trong khuôn khổ dự án, toàn bộ người dân trong các thôn thường xuyên bị tổn thương nặng nhất còn được trực tiếp tham gia vào hoạt động “phân tích tính dễ bị tổn thương” để nhận thức rõ hơn, cụ thể hơn về những tác hại của thiên tai, có khả năng hệ thống các loại hình thiên tai và nguy cơ có khả năng xảy ra trên địa bàn. Thông qua đó, người dân cũng có điều kiện thảo luận và đóng góp những kinh nghiệm chống đỡ thiên tai của mình. Từ đó họ sẽ cùng với cán bộ dự án bàn thảo một bản kế hoạch GNTT cấp thôn. Bản kế hoạch này sẽ chỉ ra các hoạt động cần thực hiện trong năm, đặc biệt là trước, trong và sau thiên tai đồng thời chỉ ra trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan với mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Lê Văn Định – Giám đốc TT HCCD Hà Tĩnh cho biết: “Đến nay, những hỗ trợ từ phía dự án cho 2 xã này đã phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt là trong và sau những ảnh hưởng của cơn bão số 9 vừa qua, nhờ được tập huấn kiến thức và trang bị nhiều thiết bị ứng phó nên mặc dù bị nước lũ cô lập từ 0,5 – 1,5m, thậm chí có nơi bị ngập tới 8 – 9m vẫn không có thiệt hại đáng tiếc nào xẩy ra”.

Người dân dùng thuyền và áo phao của dự án khi di chuyển trên sông

Theo quan sát của chúng tôi, ở nhiều nơi trên sông, người dân đã dùng thuyền, áo phao của dự án khi di chuyển. Được biết, sau khi nhận được thông tin về mức độ ảnh hưởng bão số 9 của UBND huyện, lãnh đạo các xã Đức Giang, Đức Bồng và ban GNTT các thôn cùng các đội cứu hộ, cứu nạn đã chủ động thông báo tới từng hộ gia đình, phối hợp với bà con tổ chức giằng néo nhà cửa, sơ tán người già, trẻ em đến các khu vực an toàn, sơ tán tài sản, gia súc lên vùng cao…

Tất cả các hoạt động diễn ra đồng bộ dưới sự kiểm tra chặt chẽ của ban GNTT thôn và đều hoàn tất trước khi lũ về. Ông Phan Đức Thọ - Chánh văn phòng xã Đức Giang cho biết: “Từ trước đến nay, chúng tôi đã xác định phải sống chung với lũ nhưng việc ứng phó thường diễn ra tự phát cục bộ gây nên những thiệt hại không đáng có về người và tài sản nhưng sau khi có dự án hỗ trợ, việc chống đỡ thiên tai của chúng tôi có kế hoạch cụ thể và đồng bộ hơn. Trong cơn bão số 9 vừa qua chúng tôi đã sử dụng các kiến thức và phương tiện dự án hỗ trợ, sau khi sơ tán tài sản và gia súc đến nơi an toàn, có khoảng 10 gia đình đã đến nhà trú ẩn để tránh lũ chờ nước rút mới về nhà. Đến nay cũng chưa có thiệt hại nào lớn xẩy ra”.

Nhờ việc sử dụng máy phát điện và xuồng máy được dự án hỗ trợ, trong bão việc trao đổi, cập nhật thông thông tin, kiểm tra giám sát luôn kịp thời. Đánh giá về vai trò của các trang thiết bị đối với công tác phòng chống lụt bão, ông Lê Trọng Yêm - Trưởng ban PCLB, chủ tịch UBND xã Đức Bồng cho biết: "Mấy hôm trước khi nước lên cao và mất điện, chúng tôi phải nhờ đến máy phát điện do dự án hỗ trợ để xạc pin cho điện thoại di động mới có thể duy trì liên lạc được. Các năm trước khi mất điện có nghĩa là mất liên lạc hoàn toàn và công tác chỉ đạo phòng chống cũng rất khó khăn, bây giờ các thành viên trong ban PCLB có thể liên lạc với nhau 24/24h và ngay khi có sự cố được thông báo hay cần kiểm tra, chúng tôi có thể sử dụng thuyền máy để đến ngay để hỗ trợ ứng phó”.

Nhận thức của người dân về thiên tai trong vùng dự án cũng đã nâng lên nhiều hơn so với trước. Người dân đã ý thức hơn về vai trò của công tác phòng ngừa, di dời sơ tán trong các tình huống khẩn cấp. Trong trận lụt năm ngoái, khi được lệnh di dời có một số hộ dân trong xã không chấp hành và xã đã phải cưỡng chế, tuy nhiên trước cơn bão số 9 này, theo thông tin từ ban PCLB 2 xã, công tác di dời tại địa phương diễn ra nhanh chóng mà không phải dùng đến biện pháp cưỡng chế di dời nào.

Dự án “Xây dựng khả năng chống đỡ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ở các xã thường xẩy ra thiên tai tại Hà Tĩnh” đã góp phần rất lớn trong việc chung tay cùng nhân dân chống đỡ sự tàn phá của thiên tai. Hy vọng dự án sẽ mở rộng đối tượng hỗ trợ trong tương lai để giúp đỡ nhiều xã hơn nữa trong việc ứng phó với thiên tai.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast