Chuyện buồn những mảnh đời góa bụa

Cả xã Sơn Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh có đến 135 người phụ nữ góa bụa và có những xóm có rất nhiều người góa như xóm 10, 12 có đến hơn 10 người phụ nữ góa…Cảnh những thân liễu trụ cột, chèo chống , nuôi dạy con cái một mình trong hoàn cảnh thương trường phức tạp, không thể nói hết gian nan

Một xã, 125 gia đình, có đến 135 phụ nữ góa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm 12-2011, xã Sơn Lộc có 135 phụ nữ góa. Mỗi người góa bụa mỗi cách nhưng đều giống nhau ở nỗi đau đớn và xót xa. Những người chồng chết vì bệnh tật ốm đau, chết vì tai nạn giao thông, chết cạn, chết nước, chết đường, chết bệnh, chết do rượu, chết bất đắc kỳ tử, chết đi làm ăn xa, chết ở quê, xa xứ. …

Tóm lại bất cứ cái chết nào cũng tang thương đau đớn. Và hậu quả cuối cùng đè lên vai những người phụ nữ.

Bà Châu: Tuổi già và bệnh tật
Bà Châu: Tuổi già và bệnh tật

Sau ốm đau, bệnh tệt, người quá cố để lại một cục nợ nần. Nợ do thuốc thang, đi bệnh viện, nợ (chồng nợ quán uống rươu) nợ do đánh bạc, nợ do lo tang gia… và đặc biệt là nợ do đầu tư cho con học: Bà Nguyễn Thị Châu (xóm 1) nợ gần 50 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Lan (xóm 10) hiện nợ Ngân hàng hơn 30 triệu đồng mà chưa biết trả bằng cách nào.

Những thân phận ốm đau.

Hầu hết các bà vợ có chồng ốm đau lâu dài hoặc tai nạn, để lo thuốc thang, chạy chữa cho chồng nên đã vét cạn sức lực để lo liệu hoặc có chồng nghiện rượu, vũ phu sống trong chuỗi dài khổ đau, nên tiều tụy. Bà Hoàng Thị Bình (xóm 12), chị Hoàng Thị Hiền (xóm 7) bị bệnh thần kinh cũng vì nguyên nhân ấy.

Tiền không có, mọi thuốc thang chỉ trông chờ vào chiếc thẻ BHYT hộ nghèo, bệnh viện xa hơn 10 cây số, ở trạm thì không khám bảo hiểm nên nhiều khi chiếc thẻ ấy thành vật vô dụng; đau ốm cứ gắng nằm èo ọt chờ đón sự giúp đỡ của ai đó.

Họ để lại nhà cửa, cơ sở vật chất tồi tàn. 15 năm nay, từ ngày chồng bỏ đi biệt xứ, nhà chị Nguyễn Thị Hà (xóm 11) chỉ là một cái chòi nhỏ bên cạnh nhà mẹ đẻ nhìn tang thương, thảm hại.

Những đứa con không cha có nguy cơ thất học.

Chị Trương Thị Bình (xóm 3A) có 4 con (3 gái, 1 trai), chị Nguyễn Thị Cúc (xóm 3A) có 5 con (4 gái, 1trai) không có đứa nào học hết THPT. Đặc biệt như bà Hoàng Thị Châu (xóm 10) với 7 đứa con thì hầu như chỉ mới qua nạn mù chữ. Bà Châu là cựu TNXP được hỗ trợ 20 triệu đồng, đoàn xã giúp công, làng xóm giúp mớ cân thịt, yến gạo làm được ngôi nhà nhỏ 3 năm rồi vẫn không thể da trát, hoàn thiện. Hầu hết họ đều cho rằng không phải không muốn con học nhưng tiền đâu ra, nào quần áo, sách vở, bút giấy rồi tiền học phí, xây dựng trường...

Chị Nguyễn Thị Hoa (xóm 10) phàn nàn : Với 3 đứa con, mỗi đứa một cha, không có chồng nên con thất học. Thấy con hư hỏng, phá phách, đánh nhau...chị cũng chỉ biết biết kêu van con rồi đành nhìn con tuột khỏi tay ra bỏ đi đâu không rõ .

Khi không còn có người đàn ông, mọi việc đều đặt lên tay người phụ nữ : từ điện, đóm, cày cấy, củi đuốc, nhà cửa đều lo cả. Nuôi được con chó, con lợn đêm nằm ngủ không yên vì lo mất trộm.

Chị Nguyễn Thị Hiền (xóm 7) sau khi chồng bỏ đi, mặc dầu bị bệnh thần kinh nhưng những kẻ dã tâm vẫn chọc ghẹo, quấy phá và khốn nạn nhất là để lại cho chị một đứa con không cha.

Chị Xuân và những đứa con ngoài giá thú
Chị Xuân và những đứa con ngoài giá thú

Những người góa, người già đã đành, đối với còn người trẻ thì nỗi lo tương tự như chị Hiền là khá phổ biến : chị Hoa (xóm 10) thời trẻ, thường xuyên bị những người đàn ông đến rình mò, vồ vập ; tấm thân liễu yếu đào tơ khó cưỡng lại sự hừng hực của những người đàn ông háu gái. Kết quả là 3 đứa con lần lượt ra đời sống lăn lóc, thiếu ăn, thất học rồi hư hỏng.

Còn đối với cô Cúc, cô Thuý, GV trường mầm non một người chồng tai nạn giao thông, một người chồng hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ chống lũ năm 2008, các cô đẹp người đẹp nết, căng tràn sức sống lại còn có thêm những nỗi khổ riêng của những người đàn bà trẻ. Cô Cúc có 1 con còn nhỏ thì có thể và đã đi bước nữa nhưng với cô Thuý các con đã học THPT, chuyện kiếm cho mình thêm 1 tổ ấm để nương tựa là chuyện xa vời.

Gia đình goá 2 thế hệ, 3 người phụ nữ góa

Đó là hoàn cảnh thương tâm của bà Trần Thị Châu (xóm 11)

Bước chân vào hai ngôi nhà lụp xụp của bà Trần Thị Châu 86 tuổi tại xóm 11, trong hai ngôi nhà ấy là 3 người phụ nữ goá bụa. Vào cái tuổi đáng lẽ ra bà Châu phải được nghỉ ngơi để an hưởng những năm tháng cuối đời thì chất chứa lên đôi vai già nua của bà là những gánh nặng của những lo toan. Cuộc đời bà là những vòng luẩn quẩn của nghèo khổ, đói khát. Tuổi thanh xuân vượt cạn 10 lần với 5 gái, 5 trai. Ông Nguyễn Trí Thuận chồng bà lúc trẻ lực lưỡng là thế nhưng bỗng chốc ngã quỵ trong cảnh túng quẩn để lại cho mình bà 10 đứa con tính nay đã gần 20 năm. Dẫu biết có thêm một đứa con là thêm một gánh nặng nhưng cả hai ông bà đều mù chữ, không biết đến khái niệm thế nào là tránh thai nên cứ có mang là đẻ. Từng đứa con nối nhau lọt lòng như những dãy số cộng méo mó, xiêu vẹo thành những dãy dấu nhân của sự nghèo đói. Rồi những hoạn nạn lại dồn dập đến với gia đình bà.

Năm 2001 thằng con rể bỏ rơi chị Nguyễn Thị Hà, con gái thứ 6 của bà, để lại thêm 2 đứa cháu ngoại là Trương Đức Thành (sinh năm 1999) và Trương Thị Khánh (sinh năm 2001). Bà Châu phải cắt mảnh vườn trống hoác, ẩm thấp của bà cho mẹ con chị Hà. Đứa con gái út Nguyễn Thị Tịnh (sinh năm 1975) bị tàn tật, khờ khạo, lúc nhớ lúc không. Năm 1997, một tên “Sở Khanh” nhân lúc bà Châu đi vắng đã lẻn vào hiếp chị Tịnh và thêm một đứa cháu ngoại nữa lại ra đời.

Thương mẹ, thương chị, em gái và các cháu, anh Nguyễn Trí Thuận (sinh năm 1972) là đứa con thứ 9 của bà Châu cứ vậy nuôi mẹ, nuôi em và cháu. Mới gần 40 mà nhìn anh Thuận đã già lụ khụ.

Nỗi buồn ngày giáp tết

Tết Nhâm Thìn đang đến gần, bên cái nghèo, cái rét; bên sự lạnh lẽo, cô đơn là nỗi lo cho mâm cơm đạm bạc cúng chồng, cho con tấm áo… Nỗi lo ấy có khi chỉ là sự mong muốn khi trong chum gạo đã gần cạn, tiền không có một xu, biết làm sao được? “Không biết tết này nhà nước còn có hỗ trợ gạo cứu đói như những năm trước hay không?” Chị Nguyễn Thị Hiền (xóm 7) thở dài trong hy vọng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast