CIDA nỗ lực vì mục tiêu bình đẳng giới

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, bình đẳng giới là vấn đề luôn được xã hội quan tâm. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt kể từ khi dự án phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh (CIDA) chính thức khởi động. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã lồng ghép nội dung về giới trong phần lớn các hoạt động, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong các hoạt động KT-XH.

Phụ nữ xã Bùi Xá (Đức Thọ) tham gia ban giám sát cộng đồng của dự án CIDA.
Phụ nữ xã Bùi Xá (Đức Thọ) tham gia ban giám sát cộng đồng của dự án CIDA.

Từ thực trạng số lượng lao động ở vùng nông thôn bị mất cân bằng do đa số đàn ông đều ly hương làm các nghề phi nông nghiệp, dự án CIDA đã xây dựng nhiều hoạt động có sự lồng ghép vấn đề giới, trong đó ưu tiên vai trò của người phụ nữ để giúp họ tự tin làm chủ gia đình. Thực tế cho thấy, qua các báo cáo hàng năm trong 3 hợp phần của dự án, tỷ lệ phụ nữ được tham gia các hoạt động như đào tạo nghề, tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tham quan học hỏi kinh nghiệm… khá cao. Các hoạt động này đã tạo cơ hội cho phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn các ứng dụng KHKT mà dự án mong muốn mang lại.

Từ những kiến thức được tích lũy, dự án cũng mạnh dạn xây dựng các mô hình SXKD giỏi do phụ nữ làm chủ để họ có thể làm chủ kinh tế gia đình. Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, dự án đã thành lập 3 tổ hợp tác SXKD giỏi do phụ nữ làm chủ tại 3 xã với sự tham gia của 60 hộ, 45 tổ viên, trong đó 32 thành viên là nữ (chiếm 71%). Nổi bật trong số đó là các tổ hợp tác: nuôi bò lai sind ở Kỳ Tây (Kỳ Anh); chăn nuôi bò ở Thạch Sơn (Thạch Hà); trồng rau ở Bùi Xá (Đức Thọ). Thực hiện mô hình này, mục đích mà dự án muốn mang lại chính là sự cân bằng về giới trong việc phát triển kinh tế, khẳng định vị thế và năng lực của người phụ nữ.

Nằm trong hoạt động của hợp phần 2 năm 2013, dự án CIDA không ngừng tăng tỷ lệ thành viên nữ tham gia công tác giám sát cộng đồng. Đây là dấu hiệu rất tích cực trong việc lồng ghép giới. Để thực sự phát huy hiệu quả trong hoạt động này, tất cả phụ nữ đều được dự án tập huấn rất kỹ các kiến thức và kỹ năng giám sát, đồng thời được chia sẻ kinh nghiệm từ ban giám sát cộng đồng. Quá trình giám sát, nhiều chị em đã tích cực tham gia và có nhiều phát hiện kịp thời phản hồi về dự án như: tỷ lệ sỏi bị thiếu khi làm đường tại xã Kỳ Tây; điều chỉnh bổ sung cống, mương thoát nước vào công trình đường giao thông ở xã Thạch Long... Thông qua hoạt động này, dự án đã góp phần làm thay đổi định kiến trong phân công lao động và phát huy thế mạnh riêng của mỗi giới.

Chị Nguyễn Thị Hương - cán bộ về giới của dự án phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi lựa chọn giải pháp lồng ghép giới triệt để vào tất cả các hoạt động để cả phụ nữ và đàn ông đều có thể tham gia. Thực tiễn cho thấy, đây là một cách tiếp cận hết sức hữu hiệu. Thông qua các hoạt động đã triển khai, chúng tôi phát huy mạnh mẽ sự tham gia của phụ nữ trong việc bàn bạc, ra quyết định khi triển khai bất kỳ hoạt động nào”.

Cũng theo chị Hương, bình đẳng giới là mục tiêu hỗ trợ quan trọng cho việc đạt mục tiêu của dự án và cũng chính là giải pháp cho quá trình phát triển bền vững. Vì vậy, dự án phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh đang đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện lồng ghép giới vào tất cả nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast