Cô gái “Thạch Nhọn” ngày ấy...

(Baohatinh.vn) - Giã từ cuộc chiến, trở về với đất biển Thạch Kim (Lộc Hà), một mình lầm lũi với mớ rau, con gà trong ngôi nhà hướng mặt ra phía biển, những tưởng, cuộc sống của cựu thanh niên xung phong (TNXP) Lê Thị Nhị mỗi ngày trôi qua trong tẻ nhạt và vô vị.

Thế nhưng, trong câu chuyện một chiều cuối xuân, tôi nhận ra ở người phụ nữ tuổi 70, đức hy sinh lớn lao và một tâm hồn dào dạt tình yêu cuộc sống. Dường như, đó chính là điều đã giúp bà vượt qua tuổi xế chiều quạnh hiu, đơn lẻ.

Dành tuổi xuân cho đất nước và cho mẹ

Chợ Gò Thạch Kim ngày biển động trở nên vắng vẻ. Vài con thuyền nhỏ đậu ngoài lạch với đôi mớ tép tươi mới đánh được. Nói là chợ nhưng chỉ là những dãy quán và nhà thu mua hải sản nhỏ nằm sát mép sóng đón những con tàu trở về mỗi sáng, mỗi chiều. Từ ngày cảng cá và bến cá đi vào hoạt động, cùng với việc lạch bị cạn trơ, tàu lớn không vào được, bến Gò và chợ Gò trở nên đìu hiu. Vậy nhưng, bà Nhị vẫn không rời chỗ ngồi quen thuộc.

Bà Nhị chuẩn bị gánh hàng rau để ra chợ Gò.

Bà Nhị chuẩn bị gánh hàng rau để ra chợ Gò.

Hình như bà nhớ những con tàu cũ, nhớ cái cảnh tấp nập mỗi lúc thuyền về, các ngư phủ nhảy lên bờ, sà vào gánh hàng của bà, người mua điếu thuốc, người mượn cây điếu, người mua ít rau xanh chuẩn bị cho bữa trưa. Từ nhà ra chợ Gò xa hơn chợ mới Thạch Kim nhưng bà vẫn ngày ngày kéo chiếc xe chở hàng, trên đó là chục bó rau, mươi củ su hào, cân cà chua, ít bó hành ngò... “Nghề ni và gánh hàng ni là của mẹ tui truyền lại cho. Tui nuôi thêm đàn gà cho vui cửa, vui nhà. Căn nhà ni trước là cái lều tranh, mỗi trận gió to cứ lung lay, phải lấy ni-lon che một góc, góc lành để mẹ nằm. Thương mẹ nên đi TNXP về, tui ở rứa nuôi mẹ, nỏ lấy chồng. Nhiều người bàn ngược, bàn xuôi nhưng thôi thì tuổi xuân hy sinh cho đất nước, trở về hy sinh cho mẹ, mình cam phận rứa rồi”. Giọng bà Nhị chùng xuống.

Cựu TNXP Lê Thị Nhị sinh năm 1946. Năm 1967, cuộc chiến bước vào giai đoạn ác liệt. Như bao thanh niên hồi ấy, 21 tuổi, cô tình nguyện vào TNXP, thuộc Đại đội 555, Tổng đội TNXP 55, san đường, lấp hố bom tại đường 15A ở Phú Lộc - Can Lộc. Nhà có 5 chị em thì 3 người đã chết vì nạn đói 1945. Rồi bố mất, chị gái đã lấy chồng nên mẹ cô giữ riệt, không cho con đi.

Tối hôm ấy, sau khi có giấy gọi, cô phải trốn mẹ đi. Ngày biết cô chuyển sang đội công binh rà và đánh dấu bom, mẹ cô lo quá, lên tận đơn vị “khiếu nại”, cô phải an ủi bà: “Mẹ yên tâm, con đi rồi con lại về, không chết được mô, bom đạn là cấy chi!”.

Hồi ấy, Lê Thị Nhị cao 1m67, nặng 74 kg, từng vác cả hòm đạn 50-70 kg để giải phóng hàng cho xe, rồi đào đất làm đường rất nhanh, lại đánh bóng chuyền giỏi. Năm 1969, cô được sung vào đội bóng của tỉnh đi đấu ở Quảng Bình mấy ngày. Ở nhà, cô đã học hết lớp 7, vào TNXP, vừa làm, vừa học xong lớp 10. Người khỏe mạnh, xốc vác, lại vui tính, hay hát hò, trêu chọc cánh bộ đội, lái xe.

“Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh, nói là “Thạch Nhọn?”

Đến tận giờ, cô vẫn chưa quên được câu chuyện đùa “suýt bị kỷ luật”. Cũng không ngờ được nó lại chính là đề tài cho bài thơ: “Gửi em cô thanh niên xung phong” nổi tiếng của nhà thơ Phạm Tiến Duật:

Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh, nói là “Thạch Nhọn”

Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc rào quanh hố bom

Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để

Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.

“Hồi nớ, bọn tui cũng có biết ông Duật là ai mô. TNXP với bộ đội lái xe là bạn thân. Mỗi lần có xe qua là các anh hỏi vọng xuống: “Có yêu anh không?”. Có cô đáp lại: “Bao giờ chạch đẻ ngọn tre/ Thì em mới lấy lái xe làm chồng”, hoặc: “Dại gì mà lấy lái xe/ Đi ba cây số còn nghe mùi dầu”.

Bữa nớ, bọn tui đang rào hố bom để cảnh báo cho xe, đêm tối mà thấy một anh lái xe nhảy xuống xe hỏi vội từng người: “Cô ở đâu?”. Lại gần tui, anh ấy vừa hỏi xong, tui nói liền: “Ở Thạch Nhọn”. “Thạch Nhọn là gì?”. Cả đám cười ầm lên. Kim là Nhọn chứ răng - Tui nghĩ rứa nhưng chỉ cười thầm trong bụng, không giải thích. Rồi anh ấy lại nhảy vội lên xe.

Tên em đã thành tên chung anh gọi: Em là cô thanh niên xung phong." (Ảnh tư liệu)

Tên em đã thành tên chung anh gọi: Em là cô thanh niên xung phong." (Ảnh tư liệu)

Một thời gian sau, bài thơ của anh Duật được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tui đang làm đường thì có lệnh Đại đội trưởng Nghinh gọi về gặp gấp: “O nói chi mà để người ta đọc trên đài nói o lừa Thạch Nhọn - Thạch Kim? May mà nhà thơ, chứ cán bộ Trung ương là o đi tù đó!”. Tui hết hồn, ngồi im thin thít, lúc sau mới nói: “Thôi em trót dại, eng cho em ở lại chăn trâu, chăn bò chi cũng được, chứ đừng bắt em về, mẹ em chửi chết”.

Một tâm hồn sôi nổi và đằm thắm

Hôm nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú dẫn chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ ở xóm Xuân Phượng, bà Nhị ra ngõ đón, dáng cao dong dỏng và nụ cười hiền của người đàn bà vùng biển. Đặc biệt, tôi để ý thấy bà vẫn đi chân đất. Một người phụ nữ chân đất, một ngôi nhà nhỏ có đàn gà, cây khế, cây chanh và đặc biệt là cây mãng cầu có rất nhiều chim đến đậu.

Hình như chúng hiểu nỗi cô đơn của bà nên quây quần để bà vui. Đàn gà ni, có khi chúng còn theo chân tui ra tận chợ đó - bà Nhị vừa vãi thêm nắm lúa, vừa vui vẻ nói - Nhà ni là của Công ty May Việt Tiến thông qua Báo Người lao động cho 20 triệu đồng cùng MTTQ xã xây năm 1997. Mẹ tui mừng lắm, bà ở được mấy năm trong căn nhà mới này rồi mất. Giờ tui chỉ lo ngày kiếm ít chục từ mớ hàng cùng khoản trợ cấp thương binh 4/4 để nuôi sống bản thân và tích trữ khi đau ốm, tuổi già”.

Gạt đi giọt nước mắt khi chạm vào nỗi cô đơn của tuổi bóng xế, bà Nhị sôi nổi kể về những ngày phá đá vá đường, tải thương, rà và đánh dấu bom. Bà vừa hát, vừa đọc cho chúng tôi nghe bài thơ mà bà thuộc lòng về 10 cô gái Đồng Lộc của Trần Đình Mậu - Võ Tá Lý:

…Tưởng được sống bên em những giờ sôi nổi

Xe đá Cào Cào, lát ngầm Cầu Tối

Xe em đi trăng đứng đợi trên đèo

Xe em về, trăng cũng lẻn về theo…

Bài hát còn nhiều đoạn dài. Bà Nhị đã làm chúng tôi cũng náo nức như được sống lại thời thanh niên sôi nổi của các cô gái TNXP hồi ấy. Bà còn nhớ như in hình dáng Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần trong những lần đi họp đoàn. Bà đã nhiều lần thăm lại Đồng Lộc, đưa bồ kết và hoa dâng cho các bạn đang ngủ lại ở đó với cỏ cây.

Tôi hỏi khéo: “O Nhị trước đây cao ráo, đánh bóng giỏi, công việc làm tốt, tính tình lại vui vẻ thế, chắc lắm anh mê? Sao o không chọn lấy một người?”. Giọng bà Nhị không chút xót xa, hối tiếc: “Có anh bộ đội cơ khí sửa chữa ô tô đóng quân gần đó yêu tui lắm. Bọn tui quen nhau ở Thượng Lộc. Năm 1973, anh đã về nhà tui, tui đưa anh đi dạo biển, về anh làm bài thơ tặng, tui đọc cho nghe nhé …Biển đẹp em ơi có biết không/ Bao nhiêu ngày tháng vẫn chờ mong/ Hôm nay anh đến cùng em nhỉ?/ Cho thỏa lòng ta những ước mong… Nhưng rồi, bọn tui phải chia tay vì hoàn cảnh gia đình, tui không thể theo anh để mẹ sống một mình. Anh về quê anh ở Thái Bình và lập gia đình”.

Hết chiến tranh, Lê Thị Nhị từng trúng tuyển vào Đại học Thể dục thể thao ở Hà Bắc nhưng học được mấy tháng, mẹ cô cứ nhớ con khóc ngắn, khóc dài. Thế là cô đành phải xin về. Tuổi xuân dần trôi qua. Giờ thì bà Nhị đã quen với cảnh vào ra một mình trong gian nhà nhỏ, gánh hàng, đàn gà và cây cối. Thi thoảng, bà con xóm giềng và mấy đứa cháu con sang thăm.

Lần nhà thơ Phạm Tiến Duật ốm nặng sắp mất, nhờ bạn bè và người thân của ông, bà đã được đón ra Hà Nội 5 ngày thăm nhà thơ. Khi đó, ông không còn nói được nữa nhưng vẫn mở mắt, giơ tay ra bắt. Bà Nhị ghé vào tai thì thầm: “Anh Duật ơi, em là TNXP ở Thạch Kim - Thạch Nhọn đây”, ông mở mắt một lần nữa rồi nhắm lại. Bà Nhị về được mấy ngày thì nhà thơ - người lính lái xe Trường Sơn mất.

Chiều muộn, thuyền về dập dìu trên bến cá mới. Bà Nhị dẫn chúng tôi đi một vòng ra chợ Gò, chợ mới Thạch Kim. Ngồi trên xe, tôi nói: “Xa thế mà o vẫn đẩy xe ra đây bán?”. Bà Nhị vui vẻ: “Phải chịu khó để bụng khỏi khó chịu chứ!”. Chúng tôi cùng cười, mặc dầu không khỏi nhói lòng khi biết rồi bà lại trở về, nhóm bếp lửa lên, nhìn vào mâm cơm ngồi bên nào cũng lệch và thầm hát những bài ca một thuở.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast