“Con chữ” đến chân núi Ka Đay

Một tộc người sót lại đã được đưa ra khỏi rừng xanh. Khi gặp tộc người này ai cũng nghĩ họ quá lạc hậu, còn rất lâu mới tiếp cận đến con chữ. Nhưng chỉ qua hai, ba mùa rẫy họ đã biết viết tên mình lên tường nhà, lên cánh cửa. Hiện nay con cháu của họ ai cùng theo học chữ…

Những đứa trẻ người Mã Liềng đến tuổi đã được cha mẹ cho đến lớp học chữ
Những đứa trẻ người Mã Liềng đến tuổi đã được cha mẹ cho đến lớp học chữ

Ngày xưa đứng bên này sông Ngàn Sâu nhìn sang chỉ thấy ngọn núi Ka Đay hoang vắng, thi thẻ tiếng chim hót. Nhưng nay nhìn sang, dưới chân nuí ấy đã xuất hiện một bãi nấm lô nhô, với 130 nóc nhà của người Mã Liềng. Cuộc sống người Mã Liềng ở bản Rào Tre (Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) đã đầy đủ hơn. Đường đến bản không còn chia cắt bởi sông Ngàn Sâu cuồn cuộn chảy nữa mà thay vào đó đường nhựa, cầu bê tông của bộ đội biên phòng. Những đứa trẻ ở bản đã biết cắp sách tới trường, không rụt rè như trước.

Từ ê a… học chữ…

Khi bước ra khỏi rừng xanh, trưởng bản Hồ Kính cũng như người Mã Liềng không hiểu các chú bộ đội đến bản mình dạy những chữ “a”, chữ “o”… để làm gì. Mỗi lần tập đánh vần, Hồ Kính thấy lưỡi của mình líu lại. Hồ Kính đã có lần buột miệng hỏi: “Bộ đội ơi, mình học chữ không có lợi gì. Người Mã Liềng bao đời nay không học chữ vẫn sinh sống khoẻ mạnh như con nai, con hoẵng trong rừng đó thôi”.

Sau khi hỏi xong, Hồ Kính cầm một tờ báo xem. Hồ Kính nhận ra những chữ “a”, chữ “o” trong tờ báo mà chú bộ đội vừa dạy. Đang lắc đầu không hiểu tờ báo viết chữ chi chít để làm gì, Hồ Kính được chú bộ đội gọi đứng dậy đánh vần: “hờ - ô - ô - huyền - Hồ, ka - i - nhờ -inh - sắc -Kính. Hồ Kính !”. Từ đây Hồ Kính bắt đầu hiểu ra mình học chữ để viết tên mình. Nếu học nhiều chữ sẽ viết được tên bản Rào Tre, tên sông Ngàn Sâu, tên ngọn núi Ka Đay… Hồ Kính kể tối ngày hôm đó đã ngồi cặm cụi viết đi viết lại tên mình lên một tấm gỗ cho đến khi trăng treo tít trên đỉnh Ka Đay mới đi ngủ.

Hồ Sâm rất vui khi có con đi học được giấy khen về dán trên tường nhà
Hồ Sâm rất vui khi có con đi học được giấy khen về dán trên tường nhà

Thấy học chữ giúp cho mình hiểu được nhiều điều “kỳ lạ” mà bao đời nay người Mã Liềng chưa hề nghĩ tới, Hồ Kính đã đến từng nhà vận động người già, người trẻ đi học chữ. “Hồi đó người Mã Liềng mình có ai chịu đi học mô. Họ nói ở nhà để chờ hạt mưa xuống để đi trồng bắp, trồng sắn may ra mới có cái ăn, đi học chữ của mấy chú bộ đội khó hơn làm rẫy, làm nương nhiều. Nhưng sau khi thấy mình viết được tên mình, vẽ được ngọn núi Ka Đay lên giấy thì mọi người mới bắt đầu chịu đi học đó”, Hồ Kính tâm sự.

Hồi đó phong trào đi học chữ để viết được tên mình, tên bản của người Mã Liềng như thời bình dân học vụ. Cứ màn đêm buống xuống, người Mã Liềng lại đã đốt đuốc đi học chữ làm sáng cả một khu rừng. Người già ngồi tập đánh vần từng chữ, bọn trẻ ngồi thi nhau viết; xem ai viết thẳng hàng và đẹp.

… đến giấc mơ vượt núi

Sáng ở bản Rào Tre, khi những màn sương tan dần trên đỉnh núi Ka Đay, tiếng chim ríu rít đầu bản, cũng là thời điểm những đứa trẻ người Mã Liềng với nước da đen nhánh cắp sách tới lớp. Ngồi ở cửa nhìn ra thấy lũ trẻ đến trường, ông Hồ Lon bấm ngón tay: “Sao năm nay bọn trẻ đi học sớm hơn mọi năm nhỉ?”. Suy nghĩ một hồi lâu ông mới sực nhớ ra cách đây hai tuần có cô giáo tên là Hương ở bên sông sang dặn bọn trẻ đi học, vì năm nay học sớm hơn năm ngoái.

Vừa đặt chân đến bản Rào Tre, chúng tôi đã nghe rất rõ tiếng ê, a đánh vần của những đứa trẻ . Đây là lớp học đặc biệt của xã Hương Liên. Thương những đứa trẻ ở bản Rào Tre đi học xa, các cô giáo mầm non Hương Liên đã mở riêng một lớp học tại bản. Cô Trần Thị Lĩnh (Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên) nói, từ khi người Mã Liềng định cư bên chân núi Ka Đay, Trường Mầm non Hương Liên đã mở một lợp tại bản Rào Tre dạy chữ cho những đứa trẻ người Mã Liềng. “Khi có lớp học tại bản, người Mã Liềng đã ý thức cho con mình đi học. Người Mã Liềng đã nói cho nhau rằng, khi con cái lớn lên phải cho nó đến lớp đến trường. Chỉ có học chữ của người Kinh mới hy vọng làm ra cây lúa trĩu hạt, cây ngô lắm bắp”, cô Lĩnh cho hay.

Cuộc sống của ngươi Mã Liềng nay đã đổi thay. Cái đói, cái nghèo không còn đeo bám họ nữa. Có rất nhiều người Mã Liềng đã biết suy nghĩ xa hơn khi cho những đứa trẻ đi học nội trú. Từ ngày ba đứa con đi học ở thị trấn Hương Khê, hai vợ chồng Hồ Sâm thấy trống vắng hẳn đi. Bù lại, mỗi năm thấy bọn trẻ cầm trên tay những tờ giấy khen học khá, học giỏi hai vợ chồng Hồ Sâm lại rất vui mừng. Hồ Sâm khoe: “Ông cha mình đã không biết đến cái chữ là gì và đến mình chỉ biết mấy chữ không ra hồn. Bữa này không có gì vui bằng khi thấy ba đứa con đi học. Vợ chồng mình tự hào lắm”.

Hồ Kính - người biết chữ đầu tiên của người Mã Liềng, từ khi biết chữ Hồ Kính đã biết cày, biết trồng lúa nước
Hồ Kính - người biết chữ đầu tiên của người Mã Liềng, từ khi biết chữ Hồ Kính đã biết cày, biết trồng lúa nước

Theo Hồ Kình trước năm 2000, ở bản Rào Tre không có một người biết chữ. Nhờ có các chú bộ đội biên phòng, các cô giáo ở bên sông Ngàn Sâu nên đã có hơn một nửa người Mã Liềng biết chữ. “Người Mã Liềng mình rất tự hào khi có hai sinh viên đang học ở Trường Đại học Nghệ thuật Văn hóa Quân đội. Giấc mơ vượt núi bao đời nay của cha ông mình đang đặt vào tương lai của bọn trẻ đó”, nhìn về ngọn núi Ka Đay hùng vĩ, Hồ Kính nói với giọng hùng hồn.

Hiện nay người Mã Liềng đang có 40 em học sinh theo học các cấp. “Từ khi có con chữ, người Mã Liềng mình hiểu biết ra nhiều . Từ này người mình xem tivi là học được cách trồng lúa nước, chăn nuôi gà lợn. Bếpi nhà nào cùng đã ấm cúng lên rồi đó”, Hồ Kính nói.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast