Cống hỏng, hồ Vực Trống “đói” nước!

Do không thể xả kiệt để khảo sát thiết kế nên sau khi hoàn thành sửa chữa, nâng cấp, hồ Vực Trống bị rò nước ở cống và tưới thêm 2 năm thì nay không thể đóng lại. Không tích đủ nước ở cao trình thiết kế, hơn 840 ha diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc 4 xã vùng thượng Can Lộc đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ đông xuân tới và khô hạn trong vụ hè thu 2012…

Thượng tuần tháng 10. Lẽ thường thì thời gian này, hồ Vực Trống (xã Phú Lộc – Can Lộc) đã tích đủ nước và 6 CBNV thuộc cụm quản lý thủy nông nơi đây có thể nghỉ ngơi sau gần 4 tháng bận rộn phục vụ tưới sản xuất hè thu - cũng là để chuẩn bị tinh thần cho một mùa vụ mới. Nhưng không, Vực Trống đang “đói” nước vì cống lấy nước dưới đập gần như tê liệt.

Cống Vực Trống đã được đóng lại nhưng nước rò vẫn chảy với lưu lượng lớn
Cống Vực Trống đã được đóng lại nhưng nước rò vẫn chảy với lưu lượng lớn

Tính đến chiều 17/10, mực nước trong hồ chỉ đạt 29,4/37m, tương ứng với dung tích chứa khoảng 5/13 triệu m3. Dù lưu vực rộng tới 12km2 nhưng do rừng đầu nguồn Vực Trống chỉ là dãy trà sơn trơ trọc nên hồ gần như không có nguồn sinh thủy mà chủ yếu nhờ nước mưa, trong khi đã vào tiết sương giáng nên đương nhiên lượng mưa trong thời gian tới không nhiều. Nếu sự cố cống Vực Trống không sớm xử lý dứt điểm (trước tháng 12) thì hồ không đủ nước tưới vào cuối vụ đông xuân 2011 – 2012 chứ đừng nghĩ đến vụ hè thu sau đó.

“Năm 2009, khi nhận bàn giao sơ bộ (quản lý sử dụng), cống đã rò nước rồi, lưu lượng chảy bằng một máy bơm có công suất cỡ 320m3/h; nay, lượng nước rò lớn gấp nhiều. 2 năm nhận bàn giao công trình này từ UBND huyện Can Lộc là 2 năm mà cán bộ, nhân viên cụm quản lý thủy nông nơi đây mất ăn mất ngủ vì cống. Có thời điểm cả 4 anh em quay bở hơi tai mà không đóng được cống”, ông Phan Công Sơn - Cụm trưởng cụm Vực Trống thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Can Lộc - cho hay.

Thân cống hẹp, nước ngập sâu khiến việc xử lý sự cố gặp nhiều khó khăn
Thân cống hẹp, nước ngập sâu khiến việc xử lý sự cố gặp nhiều khó khăn

Cũng theo ông Sơn, nguyên nhân rò nước là do thiết kế sai cánh cống (độ dày cánh cống mới chỉ đạt 14cm so với 25cm của cánh cống cũ) và bánh xe cự (đường kính chỉ đạt 10cm so với 27cm của bánh xe cự cũ) nên khi lắp vào rãnh phai đã bị hỗng, dẫn đến cống lúc lắc mỗi khi kéo lên hạ xuống. Trước tình hình đó, Ban A xây dựng huyện Can Lộc – đơn vị được UBND huyện Can Lộc giao quản lý đầu tư Dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Vực Trống – đã chỉ đạo nhà thầu hàn chữ U vào rãnh phai để thu hẹp rãnh phai bằng với cánh cống nhưng vẫn không kín nước. Tiếp đó, chủ đầu tư lại chỉ đạo nhà thầu xử lý đáy cống cho bằng phẳng nhưng kết quả vẫn không thành… Đến nay, cánh cống không hạ xuống được nữa vì trục quay bị cong do các gối trụ bật khỏi tường đỡ.

Trước yêu cầu cấp bách về tích nước phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân tới, mấy ngày qua, Ban A xây dựng huyện Can Lộc tiếp tục chỉ đạo nhà thầu là Đội 6 – Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Thành gia công cánh cống cũ và 4 bánh xe cự như thiết kế ban đầu rồi thả xuống rãnh phai phụ, đồng thời tiến hành tấp bổi bịt miệng cống trước lưới chắn rác (nằm sâu dưới hồ) để chống mất nước trong hồ. Dĩ nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế!.

Chắc gì thay cánh cống mới đã giải quyết triệt để tình trạng rò nước?
Chắc gì thay cánh cống mới đã giải quyết triệt để tình trạng rò nước?

“Sau 2 ngày định vị lại trục quay, sáng 19/10, chúng tôi đã hoàn thành việc đóng cống để trên cơ sở đó làm lại các gối đỡ trục quay, còn việc có thay cống hay gia công lại thì chưa biết”, anh Đức – phụ trách cơ khí Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Thành, cho biết. Trong khi đó, Cụm trưởng Vực Trống Phan Công Sơn lại nhận định, chỉ khi đưa được cánh cống lên rồi gia công đúng theo thiết kế trước đây may ra mới hết rò nước.

Với tổng mức đầu tư hơn 27,8 tỷ đồng, dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Vực Trống có nhiệm vụ đảm bảo an toàn hồ chứa và cung cấp đủ nước tưới cho 1.329 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho hơn 21 ngàn người, kết hợp giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái. Dự án đã tiến hành khoan phụt chống thấm đập chính; nâng cấp đập phụ; sửa chữa, gia cố cống lấy nước; sửa chữa tràn xả lũ; xây dựng tràn sự cố; kiên cố các tuyến kênh… Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm bàn giao quản lý, nhiều hạng mục đã xuống cấp, ảnh hưởng đến mục tiêu cấp nước và điều hành công trình .

Ông Bùi Cường – Trưởng Ban A xây dựng huyện Can Lộc cho biết, do được xây dựng khá lâu (khoảng năm 1964), lại qua nhiều lần chuyển giao quản lý nên không còn hồ sơ tài liệu về Vực Trống. Vì thế, khi bắt tay thiết kế dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Vực Trống, đơn vị tư vấn không có số liệu để tính toán cụ thể.

Liên quan đến vấn đề đó, ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh giải thích thêm, tại thời điểm thiết kế, nước hồ ở mức cao nên không thể cho người xuống thân cống để đo đạc chính xác. Vì thế, chúng tôi buộc phải giữ nguyên phần cống và chỉ tiến hành thay cánh cống cùng hệ thống điều tiết.

“Sai một li đi một dặm”. Tuy chưa nan giải như hiện tượng nước thấm qua thân đập ở hồ Đá Bạc nhưng đến nay, chưa ai dám khẳng định sau khi xử lý, tình trạng rò nước ở cống Vực Trống sẽ thôi xảy ra. Dù gì đi nữa, cả chủ đầu tư, tư vấn thiết kế lẫn nhà thầu đã có thêm một bài học về công tác quản lý xây dựng các dự án sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast