Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn nhiều trăn trở

Năm nào cũng vậy, Hà Tĩnh đều chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Thế nhưng, số vụ, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy vẫn không hề giảm. Làm thế nào để hạn chế cháy rừng đang là điều trăn trở không của riêng ai, khi mùa nắng nóng năm 2011 đang cận kề.

Năm 2010, Hà Tĩnh để xẩy ra 35 vụ cháy rừng trên địa bàn 8 huyện với diện tích thiệt hại trên 113 ha, trong đó: Hương Sơn 15 vụ, Vũ Quang 7 vụ, Hương Khê 6 vụ… Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do chủ quan, lơ là, thiếu ý thức, kiểm soát lửa rừng không chặt chẽ của người dân; xử lí thực bì, đốt lấy mật ong, đốt than; có hiện tượng cố ý đốt rừng do mâu thuẫn…

Những thông tin trên dù chưa đầy đủ nhưng phần nào phản ánh được thực trạng đáng lo ngại là rừng vẫn cháy và ý thức trách nhiệm đối với công tác PCCCR từ trước đến nay vẫn chưa đầy đủ. Thực tế nhiều năm qua cho thấy còn không ít những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục mới mong giảm thiểu được số vụ, diện tích bị thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Hương Sơn là điểm nóng về cháy rừng trong mùa khô 2010 vừa qua
Hương Sơn là điểm nóng về cháy rừng trong mùa khô 2010 vừa qua

Đầu tiên là khâu xây dựng và duyệt phương án của BCH các vấn đề cấp bách trong BVR - PCCCR các cấp đối với các địa phương, các chủ rừng… Hàng năm, các cấp, các địa phương có rừng, các chủ rừng lớn nhỏ trong tỉnh đều có phương án PCCCR và phương án này đều được các cấp, các ngành có thẩm quyền duyệt. Tuy nhiên, do kiêm nhiệm, thiếu kinh phí và cả thiếu ý thức trách nhiệm… nên nhìn chung phần lớn phương án PCCCR đều được duyệt qua quýt, thiếu kiểm tra. Từ đó, Ban Chỉ huy các cấp không nắm được tình hình thực tế hoặc thiếu thông tin để có sự chỉ đạo, bổ sung, điều chỉnh cần thiết.

Không khó để nhận thấy, nhiều phương án PCCCR, nhất là ở cấp xã chỉ để đối phó và một lần lọt qua sự kiểm duyệt của những cấp ngành có chức năng, phương án đó sẽ được cóp lại (có chỉnh sửa chút ít) cho năm sau và những năm sau nữa!

Xây dựng, duyệt phương án qua loa, cộng với thiếu thường xuyên kiểm tra, giám sát làm chúng ta "yên tâm" rằng các địa phương, chủ rừng đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa nên lửa khó có thể bén, mà bén sẽ được phát hiện và tổ chức dập tắt kịp thời, hiệu quả. Thế nhưng, từ hàng chục vụ cháy rừng trong những năm qua đã chỉ ra điều ngược lại. Phần lớn số vụ cháy trong những năm qua đều không được phát hiện kịp thời hoặc phát hiện sớm nhưng công tác chỉ huy, tổ chức lực lượng dập lửa kém hiệu quả vì thiếu "4 tại chỗ". Có vụ cháy rừng trên địa bàn từ đêm hôm trước cho đến sáng ngày hôm sau mà Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện vẫn không hề hay biết!

Việc tổ chức tuần tra, trực gác, kiểm soát người ra vào rừng chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục đã thực sự làm suy yếu khả năng phòng ngừa. Hiện tượng "chốt không người, gác không canh" trong những thời điểm nhiệt độ cao không còn là cá biệt tại nhiều cửa rừng, cách rừng có nguy cơ cháy cao. Điều đó cho thấy, ý thức trách nhiệm của một số cá nhân, chủ rừng, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương là rất đáng trách.

Việc giao khoán bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng còn thiếu khách quan, chưa gắn được quyền lợi lâu dài của các chủ hộ đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa chủ rừng với chủ rừng, giữa chủ rừng với hộ dân. Nhiều vụ cháy rừng mà theo một số cán bộ chức năng và người dân rất có thể xuất phát từ những mẫu thuẫn trên.

Cụ thể, vụ cháy rừng tại xã Sơn Tiến trong năm 2010, dù chưa bắt được thủ phạm nhưng đã phát hiện 3 que hương có kẹp diêm hay những vụ, khi lực lượng chữa cháy đang dập lửa nơi này thì lại có thêm những điểm phát lửa khác gần đó. Có những chủ rừng để xẩy ra 7-8 vụ cháy/năm, dù rừng đó đã được giao, khoán cho các hộ dân…

Dù chưa có đầy đủ cơ sở để kết luận nhưng đây là một vấn đề cần tập trung tìm hiểu, giải quyết dứt điểm những khúc mắc, mâu thuẫn (nếu có) mới có thể tránh được những thiệt hại không đáng có do cháy rừng gây ra.

Công tác tuyên truyền, báo cáo thiếu kịp thời, nặng thành tích; kinh phí đầu tư cho việc củng cố công trình phòng cháy, mua sắm và sửa chữa dụng cụ, phương tiện phục vụ PCCCR cần được BCH các vấn đề cấp bách trong BVR-PCCCR các cấp, các chủ rừng bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp theo hướng lấy phòng ngừa là chính.

Những vấn đề chủ yếu trên nếu sớm được tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, tin rằng Hà Tĩnh sẽ giảm được số vụ cháy rừng trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast