Cùng con chơi điện tử

(Baohatinh.vn) - Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, vô số trò chơi điện tử (TCĐT) được cập nhật từng giờ, thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dùng. Các trò chơi có sẵn hoặc được tải về máy vi tính, điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet)… Đối tượng chính TCĐT hướng tới là giới trẻ, nhất là học sinh – sinh viên. Hiện nay, TCĐT còn được một số cha mẹ coi là “đồ chơi” hữu hiệu để dỗ dành trẻ lứa tuổi mầm non.

TCĐT được xem là món “khoái khẩu” không thể thiếu của rất nhiều trẻ em, nó có thể giúp trẻ phát huy những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Thế nhưng, không phải TCĐT nào cũng lành mạnh, không phải “game thủ” (người chơi TCĐT) nào cũng kiểm soát được mình trước sức hấp dẫn của các trò chơi. Quá ham mê, sa đà vào TCĐT sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe và quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Vì vậy, để mỗi trò chơi thực sự trở thành trò giải trí lành mạnh, rất cần sự định hướng, kiểm soát từ người lớn mà trước hết là các bậc phụ huynh.

Cùng con chơi điện tử ảnh 1
Ảnh minh họa từ internet

Để kéo con ra khỏi “thế giới ảo” đầy hấp dẫn này, cần một quá trình chứ không chỉ ngày một, ngày hai. Cha mẹ phải là người giáo dục con tránh tác hại của TCĐT, nhất là các trò chơi có tính chất bạo lực, thiếu lành mạnh; dành thời gian để hướng con đến các hoạt động bổ ích, giúp con có cơ hội cọ xát với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên có lời nói hoặc hành vi cấm con chơi TCĐT, bởi điều đó càng khiến con trẻ ấm ức, khó chịu và tìm cách vượt ra khỏi vùng cấm, thậm chí, bằng những hành vi cực đoan như nói dối, lấy trộm tiền để chơi …

Đặc biệt, với trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần giao tiếp, trò chuyện nhiều hơn với con, khuyến khích con tập làm những việc nhà vừa sức. Cha mẹ hãy là người bạn cùng học, cùng chơi với con và sắp xếp thời gian chơi hợp lý. Đặc biệt, không nên đưa ra những lời giao kèo, dỗ dành con như ăn ngoan, nghe lời thì sẽ được chơi TCĐT…

Bên cạnh đó, sự phối hợp từ nhà trường là không thể thiếu. Các cơ sở giáo dục cần tăng cường hơn nữa hoạt động Đoàn – Đội, tổ chức các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, trò chơi dân gian… nhằm thu hút các em tham gia. Ngoài ra, nhà trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tổ chức hoạt động ngoại khóa… qua đó, giúp các em hoàn thiện bản thân, hướng đến lối sống lành mạnh và biết tự kiểm soát khi chơi TCĐT.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Tịnh – Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục (Đại học Hà Tĩnh) chia sẻ: “Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của TCĐT trong thế giới mạng và công nghệ điện toán hiện nay. Nhưng nếu lạm dụng, không biết cách khai thác trong sử dụng TCĐT sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường. Tính ham vui của lứa mới lớn, sự quản lý lỏng lẻo của gia đình và căn bệnh “vô cảm” từ xã hội càng đẩy những tác hại đó lên cao. Vì vậy, gia đình, nhà trường và xã hội phải luôn ý thức rõ vấn đề này để có biện pháp giáo dục, dạy dỗ con em hợp lý. Đặc biệt là tạo môi trường để các em được tham gia nhiều hoạt động xã hội, giao tiếp nhiều hơn với thế giới thực tại…”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast