Dai dẳng nỗi đau da cam ở Cẩm Xuyên

“Trẻ cậy cha, già cậy con”, điều đau khổ nhất của những người cha, người mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam đó là khi đã ở tuổi xế chiều họ đã không những không được nhờ cậy con cái, mà ngày ngày vẫn phải vắt nốt những chút sức lực cuối cùng để chăm sóc cho những đứa con tật nguyền...

Trong dòng nước mắt, ngồi bên đứa con tật nguyền, chị Phan Thị Châu ở thôn Quán Kho, xã Cẩm Thành kể cho chúng tôi nghe về niềm tự hào của vợ chồng anh chị khi tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, về niềm hạnh phúc khi chị có thai đứa con đầu tiên và cả nỗi bất hạnh khi 4 lần chị sinh con và đặt 4 cái tên thể hiện niềm khát vọng của anh chị và của cả dân tộc: Bắc – Nam – Sum - Họp. Thế nhưng, 4 lần sinh thì 3 lần chị đã phải tự tay đào đất chôn những đứa con bị di tật.

Đã sang tuổi 80 nhưng hàng ngày bà Bà Bùi Thị Cơ ở thôn Liên Hương, xã Cẩm Dương vẫn phải món mén nhai từng miếng cơm để đút cho đứa con trai 23 tuổi
Đã sang tuổi 80 nhưng hàng ngày bà Bà Bùi Thị Cơ ở thôn Liên Hương, xã Cẩm Dương vẫn phải món mén nhai từng miếng cơm để đút cho đứa con trai 23 tuổi

Trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị Châu nói: “Tên nó là Trần Xuân Họp, 34 tuổi rồi đó, nó không đi như các anh nó, mà nó ở lại với tôi là cũng là hạnh phúc lắm rồi. Bằng tuổi này, người ta đã có vợ, sinh con đẻ cái chứ nó chỉ nằm môt chỗ. Tôi đang lo, tôi chết trước ai sẽ là người chăm sóc nó, ai sẽ là người thờ cúng tôi và cả những đứa con tật nguyền đã mất”.

Cùng nỗi khổ với chị Châu, ở cái tuổi 80 bước đi không còn vững, mắt mờ tai yếu và đôi hàm răng đã lung lay, cái còn cái mất, đáng lẽ bà là người được con cháu chăm sóc. Nhưng, trái với đạo lý và quy luật của cuộc đời, ngày 3 bữa với hơn 3 tiếng đồng hồ, bà Bùi Thị Cơ ở thôn Liên Hương, xã Cẩm Dương vẫn phải món mén nhai từng miếng cơm để đút cho đứa con trai 23 tuổi bị nhiễm da cam từ người bố là CCB Đặng Văn Tiến.

Huyện Cẩm Xuyên hiện có 1.865 gia đình với 3.673 đối tượng bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có 486 gia đình có 1 nạn nhân, 936 gia đình có 2 nạn nhân, 245 gia đình có 3 nạn nhân và 145 gia đình có 4 nạn nhân, trong đó có 42 gia đình bị mất nòi giống, 11 gia đình đã di truyền sang đời thứ 3...

Không chỉ gia đình chị Châu, bà Cơ mà hàng ngàn gia đình ở Cẩm Xuyên cũng đang phải sống trong nổi đau tột cùng do có người thân bị nhiễm chất độc da cam. Những đứa trẻ sinh ra dù đủ ngày, đủ tháng nhưng lại bị biến dạng, què quặt, ngớ ngẩn, bệnh tật và cũng đã không biết bao gia đình đã phải đau đớn tự tay mình đào đất chôn những đứa con dị dạng không được làm người.

“Trẻ cậy cha, già cậy con”, điều đau khổ nhất của những người cha, người mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam đó là khi đã ở tuổi xế chiều họ đã không những không được nhờ cậy con cái, mà ngày ngày vẫn phải vắt nốt những chút sức lực cuối cùng để chăm sóc cho những đứa con tật nguyền. Những gia đình bị mất giống nòi họ không chỉ hàng ngày, hàng giờ phải chứng kiến nổi đau chất độc da cam đang hành hạ những đứa con thân yêu của mình, mà còn lo lắng là khi mình chết đi ai sẽ là người lo cho những đứa con tật nguyền, ai sẽ là người hương khói cho mình và cho cả những đứa con dị tật đã mất.

Huyện Cẩm Xuyên bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình nạn nhân chất dộc da cam
Huyện Cẩm Xuyên bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình nạn nhân chất dộc da cam

Chia sẻ và góp phần xoa dịu nỗi đau nạn nhân chất độc da cam, các cấp, các ngành ở huyện Cẩm Xuyên đã có nhiều hoạt động thiết thực. Hội nạn nhân chất độc da cam huyện và các xã, thị trấn kêu gọi sự đóng góp của cả cộng đồng gần 3,7 tỷ đồng để hổ trợ nạn nhân chất độc da cam. Hội đã tặng quà, trao học bổng, làm nhà ở và hổ trợ khám chữa bệnh cho 1154 đối tuợng với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Hiện nay một trung tâm nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng dạy nghề, dạy chữ cho nạn nhân chất độc da cam/điôxin và người khuyết tật đang được xây dựng ở thị trấn Cẩm Xuyên với tổng kinh phí 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Lộc - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện cho biết: “Tôi là người đã đi hết tất cả các gia đình nạn nhân da cam ở huyện và nỗi đau da cam là tột cùng, dai dẳng và họ đang cần lắm những bàn tay, những việc làm, những cử chỉ yêu thương của cả cộng đồng”. Lời của ông Lộc làm chúng tôi chợt nhớ đến lời bài hát nỗi đau da cam của nhạc sỹ Vũ Hoàng “Hãy góp bàn tay xoa dịu nỗi đau, xin đừng vô cảm trước nỗi đau dân tộc mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast