Dân phố khát...nước sạch

Gần một tháng nay, cùng với thiếu điện do ngành điện lực thực hiện tiết giảm điện thì người dân 3 xóm Tiến Giang, Tiền Tiến, Tiền Phong – Phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) đang rất khốn đốn vì “khát” nước sạch...

Đào sân, hạ thấp vòi lấy nước nhưng cũng không ăn thua!
Đào sân, hạ thấp vòi lấy nước nhưng cũng không ăn thua!

Không hiểu vì lý do gì mà nước sạch cho cả 3 khối phố bỗng nhiên khan hiếm. Từ những hộ gần trục tuyến cấp nước chính đến các gia đình ở cuối nguồn, tất cả các vòi nước liên tục được mở suốt ngày đêm nhưng chỉ những hộ nào có cốt vòi thấp may ra mới hứng được một ít. Nước sạch khan hiếm đã khiến cuộc sống người dân nơi đây mấy chục ngày qua lao đao. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt cũng được hạn chế ở mức thấp nhất.

Hiệu sửa chữa, rửa xe máy của anh Quốc Hùng nằm trên đường Mai Thúc Loan, xóm Tiền Giang mấy hôm nay vắng khách hẳn. Trước đây, bình quân mỗi ngày có 5 – 7 người khách đến rửa xe. Còn hiện tại, khách có nhu cầu anh cũng chịu vì không có nước sạch. Anh cho biết: “Khách bây giờ kỹ tính lắm, xe máy loại đắt tiền mà dùng nước giếng khoan họ sợ bị nhiễm phèn làm hỏng xe. Còn rửa bằng nước máy thì chịu, nước sinh hoạt gia đình chưa đủ nữa là”. Không riêng anh Hùng mà mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình trên địa bàn cũng bị đình trệ. Khối phố Tiền Tiến có nghề làm bánh đa truyền thống. Tuy nhiên, gần một tháng nay, nhiều nhà không “đỏ bếp” vì “Trước đây có giếng đào, giếng khoan UNICEP nhưng kể từ khi có hệ thống nước máy, các loại giếng kia một phần bị phá bỏ hoặc lâu không sử dụng nên nhiễm bẩn không thể dùng để ngâm gạo, chế biến. Bây giờ nước máy khan hiếm nên gia đình chỉ sản xuất cầm chừng. Không biết tình trạng nay còn kéo dài đến bao lâu”.

"Nước máy" đây, mua mau kẻo hết!
"Nước máy" đây, mua mau kẻo hết!

Nước phục vụ sản xuất, kinh doanh không có đã đành, nước sạch để ăn uống, sinh hoạt của một số hộ dân trên địa bàn 3 xóm cũng là thứ “hàng xa xỉ”. Người ta phải chắt chiu, giành dụm cứ như thể đây là một thứ tài sản quý giá của mỗi gia đình. Những hộ gia đình may mắn, lấy nước ở cốt đường ống thấp thì vòi có thể chảy ri rĩ. Vì thế, tất cả các vật dụng, xô chậu đều được trưng dụng. Một cái chậu có thành thấp nhất được kê gần vòi nước để hứng rồi từ đó “chắt” nước ra dùng. Với những nhà do sủ dụng hệ thống vòi nước Ruminê thì việc nước tự động đẩy lên là điều không thể. Nhiều người đã phải đào sân, khoét đất để lắp ống nhựa ngay sát đồng hồ nước. Thế nhưng cũng chẳng được là bao.

Nhọc nhằn đường đi mua nước sạch
Nhọc nhằn đường đi mua nước sạch

Quý – nhà ở khối phố Tiền Phong đang hứng nước nơi chiếc vòi tự chế nói đùa mà không thể cười: “Em được cha mẹ phân công “trực nước”. Công việc thì nhẹ nhàng thôi nhưng không được lơi là. Hứng từ sáng đến chiều may ra thì đủ sử dụng nấu cơm, nước và tắm. Mà nói đến chuyện tắm cũng hay lắm nhé, có ưu tiên và định mức hẳn hoi. Cái kiểu chiều chiều đi đá bóng về, bật vòi tắm ào ào là không có đâu, bị bố mẹ mắng ngay”.

Với những hộ gia đình hoàn toàn mất nguồn nước máy thì dùng lại các loại giếng đào, giếng khoan dù không sạch nhưng cũng có để mà tắm, rữa và dùng vào một số việc khác. Giải pháp nữa là phải cử người “quan hệ tốt” đi xin nước. Nói không quá lên rằng, tình làng, nghĩa xóm của người dân chốn thị thành những ngày này đang được thử thách qua nguồn nước sạch. Ông Trần Hậu Giao – ở khối phố Tiền Phong vừa quảy đôi vỏ thùng sơn đi xin nước vừa nói: Vẫn biết là mấy xô nước chẳng to tát gì nhưng đi xin thế này ngại lám vì nhà họ cũng phải giành dụm mới có. Các loại giếng đào thì không còn, lâu nay chúng tôi không còn trử nước mưa nên bây giờ mới khổ thế này đây. Điện thì cắt luân phiên, có thông báo trước nên còn có thể chịu được chứ nước bỗng dưng trở nên khan hiếm mà chúng tôi không hề được báo trước. Không biết lỗi này do đâu mà không thấy Công ty cấp nước có động thái tích cực gì?.

Chắt chiu từng giọt "cho hôm nay, cho ngày mai, cho 2 ngày sau"!
Chắt chiu từng giọt "cho hôm nay, cho ngày mai, cho 2 ngày sau"!

Với những hộ gia đình khá giả hoặc bán hàng, quán cần nhiều nước sạch thì “mua”. Một chiếc xe đẩy có 10 chiếc can loại 20 lít được bán với giá 8.000 đồng. Đó là cách chớp cơ hội, làm ăn nhỏ lẻ của một số hộ gia đình có được nguồn nước chảy tương đối. Quy mô, chuyên nghiệp hơn là “thầu”. Người ta dùng xe tải nhỏ, chở tẹc loại 1.000 lít nước máy đi bán với giá 50.000 đồng. Được biết, nước máy được bơm ở Công ty, một khối 50.000 đồng. Anh Vị – chủ quán dọc đường Mai Thúc Loan cho biết: Mấy chục ngày nay tôi toàn phải mua nước máy. Một khối 50.000 đồng cũng chỉ dùng được mấy ngày. Biết là tốn kém nhưng phải chịu thôi. ở thành phố mà phải mua nước sạch, cứ như dân châu Phi không bằng.

“ Quảy thùng đi mua nước sạch” – thật xót xa cho cư dân thành phố!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast