Đất cho người chết: Nỗi lo của người sống!

Đã 2 năm trôi qua kể từ khi đóng cửa nghĩa trang thành phố và một số nghĩa trang phường xã nằm trong quy hoạch; nhưng đến nay thành phố Hà Tĩnh vẫn chưa tìm được quy hoạch cho nghĩa trang chung. Thực tế này đã gây không ít khó khăn cho người dân trên địa bàn mỗi khi có người thân qua đời.

Tháng 4/2010, con cháu bà Chín ở khối phố 4, phường Trần Phú đau buồn tiễn bà ra đi. Mẹ già nằm xuống, trăm sự phải lo, nhưng căng thẳng nhất vẫn là chuyện tìm đất yên nghỉ. Dù rằng 3 năm trước, anh Châu (con trai cả bà Chín) đã chu đáo mua sẵn đất ở nghĩa trang thành phố tại xã Ngọc Sơn (Thạch Hà), nhưng trớ trêu thay, khi bà Chín mất, anh Châu đến làm thủ tục để chôn cất thì được thông báo nghĩa trang này đã đóng cửa.

Người dân thành phố đang đau đầu với việc tìm đất cho người quá cố. Ảnh chỉ có tính minh họa.
Người dân thành phố đang đau đầu với việc tìm đất cho người quá cố. Ảnh chỉ có tính minh họa.

Không còn cách nào khác, anh Châu phải chạy đôn chạy đáo ở nhiều nơi để tìm đất yên nghỉ cho mẹ. Cuối cùng nhờ có mối quan hệ rộng rãi và gia đình cũng có điều kiện nên anh mới mua được một suất đất ở nghĩa trang Hà Huy Tập. Đến giờ, anh Châu vẫn chưa hết bức xúc: Ông bà già yếu, tôi đi hỏi để mua đất, BQL viết giấy bán đàng hoàng, đo đất xong cho người xây huyệt tử tế nhưng khi mẹ tôi qua đời thì không cho táng. Quay về anh em hiểu lầm nhau. Tôi thấy trong việc làm này giống như mình bị lừa.

Thành phố Hà Tĩnh hiện có 56 vạn dân, trung bình mỗi năm có trên 500 người qua đời và khoảng 80% trong số đó có nguyện vọng được chôn cất ở thành phố để con cháu dễ bề hương khói. Nếu tính bình quân mỗi ngôi mộ hung táng dù chỉ mất 5m2 đất và mỗi mộ cát táng không quá 3m2 thì mỗi năm thành phố cần trên 2 ngàn m2 đất dùng để làm nghĩa trang.

Lâu nay, thành phố đã quy hoạch và xây dựng 2 nghĩa trang lớn là nghĩa trang hung táng Cồn Cồ (Thạch Quý) và nghĩa trang cát táng ở xã Ngọc Sơn. Ngoài ra, mỗi phường/xã đều có các nghĩa trang được hình thành từ nhiều năm trước như nghĩa trang Bồng Sơn (Nam Hà), Cồn Cót (Thạch Yên), Hồng Trù (Thạch Quý), nghĩa trang phường Đại Nài, Tân Giang... Tuy nhiên, khi thành phố được mở rộng, các nghĩa trang đã nằm trọn trong lòng thành phố, vừa ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường cũng như không đảm bảo quy hoạch.

Trước thực trạng đó, năm 2008, thành phố Hà Tĩnh đã quyết định đóng cửa 2 nghĩa trang thành phố và một số nghĩa trang phường, xã. Hiện tại, hầu hết các phường nội thành không có nghĩa trang nên khi gia đình có người chết thì nỗi lo lớn nhất của người sống là tìm nơi chôn cất. Kể cả khi có nhiều tiền, việc mua được đất nghĩa trang trong thời điểm này cũng chẳng dễ dàng gì. Người thành phố đã phải tản về các làng xã, vùng ngoại thành để tìm đất cho người chết. Giá "đất chết" vì thế mà tăng chóng mặt. Tại một số phường, xã ngoại thành, mỗi huyệt mộ diện tích 5m2 được chính quyền bán với giá 15 triệu đồng. Tính ra mỗi 1m2 đất cho người chết lên tới 3 triệu đồng. Nhưng đó cũng chỉ là giá với người dân địa phương, người nơi khác có nhu cầu nếu không có mối quan hệ, quen biết khó lòng mua nổi.

Thành Phố Hà Tĩnh đang đứng trước áp lực rất lớn về chỗ yên nghỉ cho người chết. Xem ra, nơi yên nghỉ cho người "ra đi” cũng khó khăn không kém chỗ ở cho người ở lại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast