"Đất lửa" Quảng Trị: Sống mãi hào khí tháng tư

Trong những ngày cuối tháng tư lịch sử, từng dòng người từ khắp mọi miền đất nước lại về với mãnh đất Quảng Trị - nơi từng được ví là “miền đất lửa” để thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì tổ quốc.

Hiếm có nơi nào trên dãi đất hình chữ S sở hữu và lưu giữ nhiều di tích, chứng tích lịch sử về chiến tranh cách mạng như ở vùng đất Quảng Trị. Với 498 di tích lịch sử, trong đó trên dưới 50 di tích được xếp hạng tầm quốc gia. Nơi đây đang trở thành địa chỉ đỏ cho những ai say mê nghiên cứu và tìm hiểu để từ đó có thể tìm ra những giá trị lịch sử, văn hóa đích thực.

“Miền đất lửa” ấy xưa kia là những chiến trận oanh liệt, mỗi mét vuông đều in dấu tích của bom đạn, của chiến tranh và cả những nấm mồ của những người mãi mãi nằm lại nơi đây. Dọc Quảng Trị hôm nay, đi từ Bắc vào Nam trên trục QL 1A, đâu đâu cũng thấy nghĩa trang liệt sĩ, những chứng tích của chiến tranh để lại. Từ ngoài vào, đến địa phận huyện Vĩnh Linh, nơi còn ghi lại mốc son chói lọi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt - địa đạo Vĩnh Mốc.

Hàng năm cứ đến dịp 30/4 là các đoàn đoàn cựu chiến binh từng chiến đấu nơi này, những đoàn thanh niên từ mọi miền về "miền đất lửa" Quảng Trị để thắp nén nhang tri ân đồng đội - những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này

Vào đầu năm 1965, không quân và pháo binh Mỹ liên tục đánh phá ác liệt, dã man vào khu vực Vĩnh Linh, nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam và đảo Cồn Cỏ anh hùng, Vịnh Mốc và hầu hết các làng quê khác trên đất lửa Vĩnh Linh đã bị đánh phá hủy diệt. Đến cuối năm 1965, các chiến sĩ đồn biên phòng 140, nhân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ đã chọn quả đồi sát mép biển, nằm ở phía Nam làng Vịnh Mốc, bổ nhát cuốc đầu tiên khai sinh ra làng hầm Vịnh Mốc kỳ vĩ này.

Những đóa hoa tươi thắm của lớp thế hệ trẻ dâng lên tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc

Qua sông Bến Hải – ranh giới trên vĩ tuyến 17 của bản đồ xưa chia cắt đất nước thành hai miền theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương (tháng 7/1954). Để rồi giặc làm sai hiệp định khiến dòng Bến Hải dùng dằng bên nhớ, bên thương oằn mình chịu bom đạn quân thù. Nơi ấy bây giờ thành Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Cầu Hiền Lương cũ vẫn hiên ngang trong dáng của từng song sắt, miếng gỗ thô sơ. Cả một kỳ đài và Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng vẫn hiên ngang trước gió. Mỗi độ 30/4 về, lễ thượng cờ hoành tráng sẽ được tổ chức để mừng ngày thống nhất đất nước và giải phóng tỉnh nhà.

"Đất lửa" Quảng Trị: Sống mãi hào khí tháng tư ảnh 3

Những TNXP quay lại chiến trường xưa thắp nén nhanh tri ân đồng đội

Cách Hiền Lương chừng chục cây số đi vào là di tích căn cứ quân sự Dốc Miếu, phía đông QL 1A. Từ năm 1947, nơi đây thực dân Pháp đã đóng chốt quân sự để án ngữ, được gọi là đồn Ba Dốc. Sau 1954, khi đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam, địch đã tập trung xây dựng Dốc Miếu thành một căn cứ quân sự lớn nhất vùng Gio Linh.

Đến cuối những năm thập niên 60, để đối phó với bất lợi và hy vọng có thể ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đế quốc Mỹ đã xây dựng phòng tuyến hàng rào điện tử MacNamara (tên bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ). Trên phòng tuyến này, địch đã bố trí nhiều căn cứ quân sự mạnh từ bờ biển Đông thuộc thôn 8, xã Gio Hải, huyện Gio Linh lên đến đồi 51, đồi 28, Bến Ngư, Dốc Sỏi, Dốc Miếu, Cồn Tiên cùng một loạt chốt phụ làm thành hành lang ngăn chặn từ Cồn Tiên kéo qua căn cứ Bái Sơn, Đông Tròn, nối với Tân Lâm, Đầu Mầu và phòng tuyến bảo vệ đường 9 lên biên giới Việt - Lào. Nhưng rồi, tất cả đó đều bị quân cách mạng ta phá hủy và đánh bại.

"Đất lửa" Quảng Trị: Sống mãi hào khí tháng tư ảnh 4
...và tri ân đồng đội

Rồi đến dòng Thạch Hãn, nơi Trung đội Mai Quốc Ca có 19 chiến sĩ anh hùng đã chiến đấu với quân địch đông gấp bội phần trong suốt mấy ngày đêm cho đến khi trút xuống hơi thở cuối cùng. Nay bên dòng sông ấy có tượng đài Mai Quốc Ca gắn tượng trưng cho 19 giọt máu hồng bất tử trong lòng dân tộc.

Về với “miền đất lửa” Quảng Trị không thể không nhắc tới tên Thành cổ Quảng Trị, nơi đây đã diễn ra trận chiến 81 ngày đêm giữa lực lượng của QĐND Việt Nam với quân Mỹ - ngụy Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực. Đây là một trận đánh hao tổn về sức người và của cho cả hai bên. Hiện nay tại bảo tàng Thành cổ Quảng Trị vẫn còn có nhưng di vật, và những bức thư bộ đội nguyện nằm xuống giữ nắm đất thiêng, gửi vĩnh biệt gia đình trước khi xông trận. Quân ta cùng Thành cổ trong 81 ngày đêm rực lửa Hè 1972, để giành được thắng lợi dội vang ta đã đứng vững gánh gần 330 nghìn tấn bom đạn Mỹ - ngụy.

"Đất lửa" Quảng Trị: Sống mãi hào khí tháng tư ảnh 5

Chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972 (Ảnh tư liệu)

Ngược lên Nghĩa trang đường 9 – Nam Lào, nơi có 9.500 phần mộ và Nghĩa trang Trường Sơn với 10.330 phần mộ, quy tập hầu hết liệt sĩ hy sinh trên tuyến Tây Trường Sơn, phía đất bạn Lào. Nhà đày Lao Bảo với kiểu giam giữ, tra tấn dã man không những không vơi nguôi được mà còn làm sục sôi thêm ý chí Cách mạng… Ôi biết bao nhiêu mà kể hết về những chứng tích trong chiến tranh ở “miền đất lửa” Quảng Trị - nơi mỗi thớ chứa cả một phần lịch sử oai hùng để con cháu đời sau vẫn mãi mãi cất miệng nhắc nhớ.

"Đất lửa" Quảng Trị: Sống mãi hào khí tháng tư ảnh 6

Phút tưởng niệm tới các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc của đoàn tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Những ngày này, đất và người Quảng Trị như dang rộng lòng ra đón khách tham quan, những đoàn cựu chiến binh từng chiến đấu nơi này, những đoàn thanh niên từ mọi miền về tri ân 37 năm ngày giải phóng miền Nam và 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2012). Những ánh hồng rực rỡ của ngàn vạn ngọn nến tri ân hòa trong khói hương thiêng liêng ở khắp 72 nghĩa trang. Những dòng sông lung linh bởi triệu đóa hoa đăng xuôi dòng dâng lên những linh hồn bất diệt với thời gian...

Nguồn: Dantri.com

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast