Đất mỏ chuyển mình

(Baohatinh.vn) - Không còn tâm lý “đi không được, ở chẳng xong”, người dân vùng mỏ xã Thạch Khê (Thạch Hà) đang cùng với chính quyền địa phương nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM). Những chính sách “kích cầu” sẽ là “cú hích” để vùng mỏ về đích trong năm nay.

Từ chính sách “kích cầu”...

Chưa bao giờ không khí xây dựng NTM ở vùng mỏ Thạch Khê lại sôi nổi như những ngày này. Khắp mọi nẻo đường, khu dân cư, bà con Thạch Khê từ già đến trẻ, từ cán bộ đến người dân đều hăng say xây dựng NTM. Tại thôn Đồng Giang, tiếng máy trộn bê tông xen lẫn với tiếng cười nói của bà con rộn ràng.

dat mo chuyen minh

Bà con nhân dân thôn Tân Phúc làm đường giao thông nông thôn.

Cụ Dương Văn Ninh (73 tuổi) chia sẻ: “Đợt này, thôn Đồng Giang làm kênh thoát nước ở tổ 7. Khu vực này chỉ có 12 hộ sinh sống nhưng cả xóm đều tham gia xây dựng mương thoát nước. Bản thân tôi dù tuổi cao nhưng vẫn muốn góp sức cùng bà con xây dựng các công trình để làng quê ngày càng đẹp hơn”.

Ngoài thôn Đồng Giang, ở 8 thôn còn lại, đâu đâu cũng có công trình xây dựng. Nơi làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, nơi xây dựng nhà văn hóa thôn, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu... Theo lộ trình, Thạch Khê phấn đấu về đích trong năm 2016. Đến thời điểm hiện tại, xã đạt 12/20 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại như: giao thông nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu... đều đạt từ 50-95%. Để huy động sức dân, Đảng ủy và chính quyền xã đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Ông Phạm Tiến Nam - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Chúng tôi xác định xây dựng NTM muốn hiệu quả thì phải “kích cầu”. Để bà con hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, nhất thiết phải có sự động viên, hỗ trợ từ chính quyền”.

Để “kích cầu” người dân, ngày 30/3/2016, UBND xã đã ban hành quyết định về một số chính sách tạm thời hỗ trợ xây dựng NTM năm 2016. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, xã hỗ trợ 86,5 triệu đồng cho 1 km đường giao thông; 24 triệu đồng cho 1 km đường giao thông nội đồng; 184 triệu đồng cho 1 km kênh mương nội đồng... Xã cũng hỗ trợ 10.000 đồng/m để xây dựng bồn hoa và mua cây giao cho các thôn trồng, quản lý. Đối với khu dân cư kiểu mẫu, đường mẫu, xã hỗ trợ  máy đào, máy cắt và cột bê tông, dây thép gai để người dân làm hàng rào mới sau khi hiến đất, hiến cây.

Diện mạo nông thôn mới

Cùng với những chính sách hỗ trợ của chính quyền, hơn 1.300 hộ dân xã Thạch Khê đều góp sức xây dựng NTM. Thời gian qua, đã có hàng chục nghìn cây xanh, hàng nghìn m2 đất được hiến để mở rộng đường giao thông. Ông Nguyễn Tuấn Trường - Trưởng thôn Tân Phúc cho biết: “Ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ, người dân còn đóng góp từ 500–800 ngàn đồng/hộ và ngày công để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng”.

dat mo chuyen minh

Mô hình trồng bầu sáp đang được nhân rộng ở vùng mỏ Thạch Khê

Thời điểm này, toàn xã đang tập trung hoàn thành trục đường giao thông xã dài 1,48 km và 530m đường nội thôn. Các thôn cũng tập trung nâng cấp 3,3 km, làm mới 2,1 km đường giao thông ở các ngõ xóm. Cơ sở vật chất văn hóa của các thôn cũng được đầu tư xây dựng. 5 thôn được đầu tư xây mới với nguồn ngân sách xã hỗ trợ 2 tỷ đồng, 3 nhà văn hóa được nâng cấp, sửa chữa với ngân sách xã hỗ trợ 300 triệu đồng.

Diện mạo vùng mỏ Thạch Khê ngày càng “thay da đổi thịt”. Dẫn chúng tôi đi qua những tuyến đường điện thanh niên trải dài trên các tuyến đường bê tông phẳng phiu, tham quan những cánh đồng bầu sáp, lạc, dưa chuột xanh mướt, Bí thư Đảng ủy Phạm Tiến Nam chia sẻ: “Chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu hàng đầu của xã trong xây dựng NTM. Thạch Khê bây giờ có mô hình nuôi tôm, vịt trời, chăn nuôi bò, trồng bầu sáp, rau - củ - quả... đều mang lại hiệu quả”. Toàn xã có 12 ha nuôi tôm ở khu vực Cồn Mục Đồng, hơn 12 vạn con chim cút ở thôn Đồng Giang, 3 ha bầu sáp ở thôn Đa Khê, 100 ha cánh đồng mẫu lớn, 2 tổ hợp tác chăn nuôi bò liên kết...

Với “cuộc cách mạng” NTM, cuộc sống của người dân nơi đây ngày một thay đổi. Hiện thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 29 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 còn 4,67%.

Khó khăn hiện nay của xã là tuyến đường giao thông dài 1,3 km đi qua 2 thôn Tân Phúc và Thanh Lan nằm ven mỏ. Vì vậy, mặc dù đã làm tờ trình xin chủ trương của Ban Quản lý mỏ sắt Thạch Khê nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. “Con đường này nếu được xây dựng sẽ rất thiết thực cho đời sống người dân. Đó là chưa kể việc xây dựng con đường góp phần hoàn thành tiêu chí điện mà hiện nay xã vẫn chưa đạt” – Bí thư Đảng ủy Phạm Tiến Nam khẳng định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast