"Đất nghèo nuôi những anh hùng..."

Trong không khí cả nước đang tưng bừng hướng về kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã thực hiện một chuyến hành trình về Kỳ Anh, mảnh đất cực Nam của Hà Tĩnh - quê hương của những người con anh hùng một thời đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bào vệ hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc...

Kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Lão tướng công binh rà phá bom

Thắm thoát đã hơn 37 năm, mảnh đất nghèo của Kỳ Anh năm xưa đang vươn mình trỗi dậy với nhiều công trình, dự án lớn được trên khai sôi động trên khắp các công trường. Nhịp sống mới của một vùng quê giàu tryền thống cách mạng như đang phảng phất đâu đây âm vọng hào hùng của những đoàn quân ra trận. Xuyên trong cái nắng oi nồng đầu hạ, từ Thành phố Hà Tĩnh, dọc theo Quốc lộ 1A hướng về phía Nam chừng 50 km, đến đầu cầu Thị trấn huyện Kỳ Anh rẽ trái sang huyện lộ theo hướng Đông thêm khoảng gần chục km, địa phận xã Kỳ Ninh - quê hương của lão tướng công binh - Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Đình Ghí hiện ra trong tầm mắt chúng tôi với những mảng xanh trù phú . Vất vả lắm chúng tôi mới tìm được nhà ông Ghí. Căn nhà cấp 4 của gia đình lão tướng rà phá bom mìn - Anh hùng Đặng Đình Ghí thật nhỏ gọn, đơn sơ nép sâu trong ngõ hẻm, nơi xứ biển bốn mùa hiền hòa, lặng lẽ và thật hiếu khách.

Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, có những người lính công binh đã dũng cảm vượt mưa bom bão đạn, băng qua sóng gió, cùng đồng đội đưa hàng tiếp tế tới đích an toàn. Một trong số những người lính công binh năm xưa mà chúng tôi gặp lại hôm nay là ông Đặng Đình Ghí (69 tuổi, ở thôn Thắng Lợi, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh), người đàn ông có 40 năm tuổi Đảng nhưng đã có 42 năm tuổi anh hùng. Ngày ấy, Huyện đội Kỳ Anh có chủ trường thành lập lực lượng công binh để rà phá bom mìn, dọn đường cho tàu của ta vào vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược. Với tư cách là xã đội trưởng, ông xung phong vào đội công binh muốn góp sức mình cho công cuộc chiến đánh đuổi đế quốc Mỹ, thông nhất đất nước.

Ông Ghí kể, những ngày đó, bom Mỹ thả xuống, số còn sót lại chưa nổ nhiều như nấm. Số nằm trên cạn, dễ phá, dân quân đã dọn sạch. Nhưng nan giải nhất vẫn là số bom nằm dưới các dòng sông, và nhất là các cửa biển. Làm thế nào để phá hàng ngàn quả bom đang nằm sâu dưới hàng chục mét nước là điều hết sức khó khăn. Ban đầu, tiểu đội Công binh của ông cũng chỉ chọn cách thô sơ, chèo thuyền ra giữa dòng, lặn sâu xuống dùng bộc phá kích nổ. Với cách này, nhiều lắm cả tiểu đội của ông ngày chỉ phá được vài ba quả. Vả lại luôn nguy hiểm đến tính mạng.

Dịp đó, ông được cử đi học cách đặt phá và chắp nối dụng cụ dưới nước một cách khoa học hơn. Sau khi học về, ông và 3 người nữa, chèo trên 2 chiếc thuyền nan đã trực tiếp làm công việc nguy hiểm này, phá bỏ hàng trăm quả bom nguy hiểm trên toàn huyện Kỳ Anh. “Sống trần gian, làm việc âm phủ” – người ta nói về người anh hùng Đặng Đình Ghí và tiểu đội của ông như vậy để kể về mức độ nguy hiểm của công việc rà phá bom mìn. Thế nhưng không ngại nguy hiểm, tiểu đội của ông cao điểm có ngày đánh phá được 30 quả bom.

Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông chính là lần ông làm hoa tiêu tham gia cùng tàu Hải quân rà phá bom từ trường ở cửa biển Kỳ Anh để dọn đường cho việc thành lập binh trạm ở đây. Ông Ghí kể: Tôi vừa bước lên tàu xung phong làm hoa tiêu, một đồng chí hải quân hỏi ngay: Đồng chí cho kiểm tra giấy báo tử, thẻ liệt sỹ và những giấy tờ đồng ý cho đồng chí làm hoa tiêu! Tôi đáp lại: "Tôi tham gia vào quân đội, xung phong ra đây cùng các anh, chiến đấu cho tổ quốc, hy sinh là lẽ thường tình. Các đồng chí cứ yên tâm đi.". Khi công việc kết thúc với việc phá được khoảng 400 quả bom, một đồng chí trên tàu hỏi tôi xem đã sạch bom chưa để cho thuyền vào.

Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình Anh hùng LLVT Đặng Đình Ghí

Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình Anh hùng LLVT Đặng Đình Ghí

Với linh cảm của một chiến sỹ công binh dày dạn, ông tin rằng, nơi cửa lạch vẫn còn có bom. Và như thế sẽ rất nguy hiểm nếu tàu lương thực của ta tiến vào. Ông xin thủ trưởng 2 kg bộc phá, một mình chèo thuyền ra giữa lạch, quyết tâm phá cho bằng được quả bom còn lại. Sau gần 1 giờ đồng hồ ngụp lặn, ông cho kích nổ quả bom cuối cùng với sức phá của quả bom tạo nên cột nước hàng chục mét. Dân làng, đồng đội hò reo vui mừng. Nhưng cũng lần đấy quả bom đã làm hỏng đi một bên mắt của ông.

Với những cống hiến to lớn trong việc rà phá bom mìn, đưa hàng hóa đến nơi an toàn, ngày 25/8/1970, ông Ghí vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi đất nước ở vào thời kỳ khó khăn nhất của cuộc chiến tranh, ông cùng đồng đội đã lập nên biết bao chiến công hiển hách. Đến bây giờ mỗi khi nhắc đến thì những kỷ niệm ấy vẫn hiện về trong tâm trí ông. Sau bấy nhiêu năm hòa bình lập lại, người anh hùng năm xưa vẫn sống cuộc sống bình dị bên người vợ và những đứa con tại quê hương. Dù cuộc sống chưa có gì khấm khá nhưng hai vợ chồng luôn hòa thuận và nuôi dạy con cái thành đạt. Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết: “Dù đã ở tuổi 69 ông vẫn hăng say tham gia công tác xã hội ở địa phương. Ông Ghí là một đảng viên mẫu mực được nhiều người trân trọng và học tập. Tuy tuổi cao nhưng hàng ngày ông vẫn chăm nom vườn tược, thỉnh thoảng lại cùng những người bạn gặp nhau tâm sự về quá khứ và cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh nơi xóm làng”.

Người Anh hùng trong 2 cuộc chiến

Chia tay bác Đặng Đình Ghí, chúng tôi vội vã ngược ngàn lên Kỳ Lạc - quê hương của Anh hùng LLVT Nguyễn Xuân Trường. Từ Thị trấn Kỳ Anh ngược theo tuyến tỉnh lộ 12 khoảng gần 30 km đến ngã ba Kỳ Lâm, rẽ phải theo con đường rải nhựa chênh cheo, lên đồi, xuống dốc với một quãng dài ước cả chục cây số và loay hoay mất thêm nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm được nơi tĩnh tại của cặp vợ chống CCB già -đó chính là gia đình Anh hùng LLVT Nguyễn Xuân Trường.

Ông Nguyễn Xuân Trường - một con người nhỏ thó nhưng chí anh hùng vượt cả đỉnh Hoành Sơn
Ông Nguyễn Xuân Trường - một con người nhỏ thó nhưng chí anh hùng vượt cả đỉnh Hoành Sơn

Có lẽ do công việc, trời bắt đầu xế bóng gia đình ông Trường mới bày mâm cho bữa cơm trưa. Đang hì hục bưng cái nồi đất kho mắm nhỏ xíu từ trong bếp ra, thấy chúng tôi đến, bà Sung tươi cười đôn hậu ngó vào nhà trong: "Ông Trường ơi có khách".

Bữa cơm trưa của cặp vợ chồng già CCB nơi xứ núi thâm sâu thật đạm bạc chỉ có một bát canh trong veo và một đĩa thịt kho . Mới hơn lưng bát cơm, ông Trường đã bỏ mâm đứng dậy và bê cái ấm tay ra rót nước đon đả mời khách. Bắt đầu vào Hạ, xứ núi lòng chảo vùng thượng Kỳ Anh đã xuất hiện những đợt gió lào khô ráp, phả hơi nóng ran cả mặt. Ông Trường trải chiếc chiếu cói, tiếp chúng tôi ngay trước hiên nhà. Bên ấm nước chè xanh đặc quánh tỏa hương thơm ngòn ngọt, câu chuyện về một thời binh lửa vốn đã in sâu trong ký ức đã được ông kể lại chi tiết và chân thật

Bữa cơm đạm bạc của cặp vợ chống CCB già
Bữa cơm đạm bạc của cặp vợ chống CCB già

Ông Nguyễn Xuân Trường sinh năm 1947, quê ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nhập ngũ tháng 2 năm 1968. Từ tháng 2 năm 1968 đến tháng 4 năm 1975, ông Trường được biên chế vào bộ đội đặc công thuộc Quân khu Trị Thiên chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, đã lập nhiều chiến công xuất sắc . Tiêu biểu, tháng 9 năm 1968 trong một cuộc tham gia chiến đấu tại cứ điểm Tân Điền ông đã dùng B40 diệt 2 lô cốt địch; tháng 3 -1969 tham gia trận tập kích Động Em (Mặt trận Quảng Trị) chính ông đã trực tiếp phá hủy 2 khẩu pháo địch.

Chiến trường Quảng Trị là mặt trận khốc liệt nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông. Đặc biệt, vào tháng 5 - 1970, trong một cuộc phục kích, cá nhân ông đã dũng cảm đột nhập vào đồn địch tại đồi ông Do, bắn cháy 1 xe tăng Mỹ và tiêu diệt gọn 8 tên Mỹ. Do khoảng cách tiếp cận giữa ông và địch quá gần ( chỉ cách nhau khoảng chừng 5m) nên khi đạn B40 nổ, ông đã bị thương. Với chiến công trên, ông vinh dự được nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba ngay tại mặt trận.

Tổ ấm đơn sơ của gia đình Anh hùng LLVT Ngyuyễn Xuân Trường
Tổ ấm đơn sơ của gia đình Anh hùng LLVT Ngyuyễn Xuân Trường

Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979, Nguyễn Xuân Trường chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm, mưu trí, bẻ gãy 21 lần tấn công của địch, diệt 500 tên, giữ vững trận địa.

Suốt thời gian tại ngũ, cả mặt trận đánh Mỹ và mặt trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Trường ba lần bị thương nhưng ngay sau khi ra viện ông đã trở lại chiến trường tham gia chiến đấu, lập được nhiều chiến công hiển hách và được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng ba. Đặc biệt, vinh dự nhất đối với ông, ngày 20 tháng 12 năm 1979, Nguyễn Xuân Trường được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Tuổi già, bệnh tật vết thương thường xuyên tái phát nhưng ông Trường vẫn luôn dành thời gian chăm sóc vườn tược cải thiện cuộ sông gia đình
Tuổi già, bệnh tật vết thương thường xuyên tái phát nhưng ông Trường vẫn luôn dành thời gian chăm sóc vườn tược cải thiện cuộ sông gia đình

Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ ,đất nước ta đang phát triển ngày càng phồn thịnh, ông đã trở về với đời thường, với hạnh phúc, tổ ấm gia đình. Con cái ông đã khôn lớn, thành gia, thành thất, nhưng tấm gương anh bộ đội cụ Hồ vẫn luôn sáng ngời trong trái tim người chiến sĩ anh hùng cách mạng....

Chúng tôi muốn kết thúc những ghi chép vội vàng nhưng đầy xúc cảm của mình bằng chia sẻ của ông Trường - người đàn ông nhỏ thó nhưng chí anh hùng như đỉnh Hoành Sơn: "Trong chiến tranh giữa cái sống và cái chết không có ranh giới, chỉ có lòng yêu nước quả cảm và chí căm thù giặc là liều thuốc tinh thần để bản thân tôi cũng như bộ đội ta vượt lên giành chiến thắng trước quân thù". Và, chúng tôi tin điều đó, cả dân tộc này tin thiêng liêng vào điều đó!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast