Đất ở, nhà công vụ cho cán bộ y tế miền núi: Đợi đến bao giờ?!

Để anh em phải đợi chờ, sống trong âu lo, phấp phỏng xập xệ thì thật tội...” - một cán bộ y tế huyện chỉ tay về phía mấy căn phòng xập xệ trong khu tập thể Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hương Sơn, cảm thán. Không chỉ Hương Sơn, hàng chục bác sỹ (BS), CBNV y tế tại các bệnh viện miền núi tỉnh ta từ lâu đang phải ngày đêm, mưa nắng chịu chung cảnh ngộ này...

Sống trong âu lo...

Ông Nguyễn Văn Sánh - Trưởng phòng Y tế huyện Hương Sơn - người đã có nhiều năm gắn bó với đội ngũ y, BS huyện, trải lòng: “Hương Sơn đang có khoảng 30 BS, cán bộ y tế cần nhà công vụ. Đó là chưa nói, hiện vẫn còn 50% số trạm y tế xã cần vài gian để ở. Cái lo lớn nhất của chúng tôi bây giờ là khu tập thể Bệnh viện đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí mất an toàn. Trời nắng nóng, anh em có lúc đã phải ra giàn bù ngồi, trời mưa thì dột nước...”.

Dãy nhà tập thể Bệnh viện Đa khoa Hương Sơn xập xệ, cũ nát
Dãy nhà tập thể Bệnh viện Đa khoa Hương Sơn xập xệ, cũ nát

Người Hương Sơn có thể đã quen với “cảnh cũ”, nhưng người nơi khác đến thăm chơi thì không khỏi ngậm ngùi. Đập vào mắt chúng tôi là 2 dãy nhà chừng chục gian, khó ai đoán tuổi. Mái, tường, cửa... của khu tập thể này được lợp, vá tạm bợ bằng đủ loại vật liệu đa sắc màu như tôn, xi măng, cót, ván... bị oằn, uốn bởi già nua.

“Nắng nóng còn tìm bóng cây, quán nước, nhưng mưa xuống thì chẳng biết trốn đâu. Nước dột khắp phòng, nước tràn qua khe cửa..., thế là cả nhà giăng ni lông, đưa xoong nồi, xô, chậu ra ứng phó. Ngày theo công việc thì thôi, đêm về nghĩ dại, lo thon thót” - T. một nhân viên y tế tâm sự.

4 người, 1… giường!

Khi nghe câu chuyện tôi kể, anh bạn tôi toáng lên: “Tưởng có gì hay. Ông lên Hương Khê, ra khu tập thể phía sau một quãng, gặp ai ông hỏi cũng có chuyện...”. Thông tin đó đã thôi thúc chúng tôi có mặt ở Hương Khê vào một ngày đầu tháng 7, gió lào khô nóng như rang.

Nhìn bề ngoài, khu tập thể BVĐK Hương Khê không đến mức “già nua”, xuống cấp nghiêm trọng như đồng nghiệp ở Hương Sơn đang chịu đựng, nhưng đội ngũ hơn chục “từ mẫu” đang tá túc tại đây thì tâm trạng, hoàn cảnh cũng chẳng khác gì. Ngày đêm lo sức khỏe cho nhân dân nhưng trên chục BS, nhân viên y tế nơi đây cũng đang hao dần tâm sức bởi phải “ép mình” trong những gian phòng chật chội nóng như “lò thúc mầm”.

Chị Nguyễn Thị Hương - nhân viên xét nghiệm BVĐK Hương Khê có lẽ là người có “thâm niên” ở tập thể nhất mà tôi từng gặp. Nhìn chị đang cần mẫn kiểm tra từng cái kẹp trên máy điện tâm đồ và dặn dò bệnh nhân những điều cần thực hiện, không ai trong chúng tôi lại tin chị có hoàn cảnh như vậy.

Chị Nguyễn Thị Hương - nhân viên xét nghiệm BVĐK Hương Khê thăm khám cho bệnh nhân.
Chị Nguyễn Thị Hương - nhân viên xét nghiệm BVĐK Hương Khê thăm khám cho bệnh nhân.

Từ chối không xong, chị kể, giọng cam chịu, nhỏ nhẹ như cuộc sống trầm buồn của chính mình: “23 năm công tác tại Bệnh viện, 15 năm ở tập thể, chưa kể thời gian làm y tá tại các xã Hương Liên, Hương Trạch, Phòng khám Trúc..., 2 vợ chồng, 2 đứa con bao năm nay ngủ nghỉ trên 1 cái giường vì chật chội. 2 con đang tuổi học hành, chồng lại ốm đau không làm được gì, cả 4 người chỉ ăn 1 suất lương”!

Tôi cố nén lòng, chắp nhặt, xâu nối để có được dòng tâm sự trên bởi giọng chị kể nhiều lúc đứt quãng, ngậm ngùi cho “phận số” mà chị đang gánh chịu.

Bao giờ có đất, có nhà?

Ở chung với chị Hương trong khu tập thể BVĐK Hương Khê còn có 8 hộ khác, trong đó có gia đình 1 bác sỹ chuyên khoa II và 1 bác sỹ chuyên khoa I. “Hiện Bệnh viện chúng tôi có 42 cán bộ lâu nay phải đi ở nhờ, ở trọ chứ khu tập thể không đáp ứng được. Nếu hàng năm, cá nhân không bỏ tiền ra để tu bổ, cơi nới thì có lẽ cũng không ai dám ở... Vậy mà, chưa một ai trong số họ được cấp đất ở theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh và Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND ngày 31/1/2012 của UBND tỉnh. Nhu cầu đất ở, nhà ở đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết với số cán bộ đó... ” - BS Lê Anh Hùng - Phó Giám đốc BVĐK Hương Khê, cho biết.

BS chuyên khoa cấp I Nguyễn Văn Tuấn (quê xã Hương Bình, Hương Khê) là người đầu tiên chúng tôi tìm gặp tại khu tập thể BVĐK Hương Khê. Theo Phó Giám đốc Lê Anh Hùng thì Tuấn là BS chính quy dài hạn duy nhất còn công tác tại Hương Khê trong vòng 20 năm nay và có thời gian công tác trong ngành Y tế huyện từ năm 2001 đến nay. Tuy nhiên, đến nay, BS Tuấn vẫn chưa có “tấc đất cắm dùi”, dù đã gửi đơn xin cấp đất làm nhà ở hơn 1 năm nay.

Chính sách xây nhà công vụ cho cán bộ y tế... tại các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn vẫn còn nằm nguyên trên giấy
Chính sách xây nhà công vụ cho cán bộ y tế... tại các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn vẫn còn nằm nguyên trên giấy

Khi được hỏi về vấn đề này, BS Nguyễn Văn Tuấn (có vợ cũng là cán bộ BVĐK Hương Khê), không nói gì nhiều, chỉ rút lá đơn xin cấp đất đã từng gửi: Huyện ủy, HĐND, UBND, Phòng TN-MT, Phòng Y tế, UBND thị trấn Hương Khê, đưa chúng tôi xem. Theo nội dung đơn, BS Tuấn có đủ tiêu chuẩn để được xét ưu tiên theo quyết định của UBND tỉnh... Thế nhưng, đáng buồn, thậm chí là đáng “sợ” khi đơn anh gửi đi đã hơn 1 năm nay nhưng vẫn “bặt vô âm tín”, không một nơi nào kể trên trả lời.

Điện hẹn làm việc với Huyện ủy, UBND huyện nhưng không thành vì “bận họp”, tôi chạy qua bên LĐLĐ huyện thì được biết, chính sách đất ở, nhà công vụ cho cán bộ y tế theo Nghị quyết 21, Quyết định 03 đã được Bệnh viện, LĐLĐ huyện... nhiều lần nêu lên tại các cuộc họp HĐND huyện, nhưng không hiểu tại sao vẫn chưa thấy động tĩnh gì (?!).

Theo Thông tin Đại biểu nhân dân (số 27/2013), sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 21/2011 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh thì chưa có bất kỳ một trường hợp nào trong toàn tỉnh được hưởng “chính sách BS... cán bộ y tế công tác từ 10 năm trở lên có hoàn cảnh khó khăn chưa có đất ở, nhà ở được xem xét giao đất tại vùng quy hoạch đất ở, có thu tiền sử dụng đất theo giá quy định của UBND tỉnh”. Và hiện tại, chính sách xây nhà công vụ cho cán bộ y tế... tại các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn vẫn còn nằm nguyên trên giấy!

Chính sách thu hút nhân tài, nhất là trong ngành Y tế, chỉ có được khi chính sách ưu đãi cho đội ngũ y – BS tại chỗ được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai rất cần được làm rõ. Nhưng điều cần hơn trong lúc này là các địa phương cần triển khai thực hiện ngay các chính sách về y tế, trong đó có chính sách đất ở, nhà công vụ đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phê duyệt, đưa chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast