Đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Hà Tĩnh: Kết quả không như mong đợi!

Đề án “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” tại Hà Tĩnh triển khai thực hiện đã hơn một năm nhưng chỉ mới có những chuyển biến nhất định ở tuyến tỉnh còn tuyến huyện thì chưa đáng kể, không đồng đều, riêng tuyến cơ sở hầu như chưa có dấu ấn gì…

Hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị hạn chế...

Mục tiêu của dự án này nhằm xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, áp dụng một số kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Hiện các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đã và đang gấp rút triển khai các dự án bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ và dự án JBIC.

Bác sỹ BV Y học Cổ truyền Hà Tĩnh khám bệnh cho bệnh nhân
Bác sỹ BV Y học Cổ truyền Hà Tĩnh khám bệnh cho bệnh nhân

Việc mua sắm, xã hội hóa, liên doanh liên kết và sử dụng trang thiết bị y tế, nhất là những loại máy móc công nghệ cao còn chưa mang lại hiệu quả. Điển hình như một số máy móc có giá trị lớn được tổ chức SNESVAD (Tây Ban Nha) tài trợ cho các bệnh viện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê và Cẩm Xuyên hiện vẫn đang phải "đắp chiếu" do không có người biết sử dụng và cấu hình không phù hợp. Vì không được vận hành, bảo quản chưa tốt, sử dụng không đúng quy trình, thiếu linh kiện, phụ tùng kèm theo nên nhiều máy còn mới 100% nhưng đã bị hư hỏng....

Cùng với tuyến huyện, hệ thống y tế ở tuyến xã cũng đang báo động sự xuống cấp về cơ sở vật chất và thiếu hụt phương tiện. Công tác xây dựng, cải tạo, mở rộng và bổ sung trang thiết bị để phấn đấu đạt 100% trạm y tế chuẩn quốc gia giai đoạn I vào năm 2010 chưa được triển khai tích cực. Năm 2008, Hà Tĩnh có thêm 14 trạm đạt chuẩn nhưng hiện vẫn còn 50 trạm (chiếm 19,1%) chưa đạt. Các huyện có tỷ lệ đạt chuẩn thấp là Kỳ Anh (60,6% ), thị xã Hồng Lĩnh (66,6%), Lộc Hà (69,23%)...

Hạn chế về nguồn nhân lực

Theo lộ trình đề án, đến năm 2010 sẽ có 80% trạm y tế xã, phường có bác sỹ và khắc phục được một phần tình trạng thiếu bác sỹ, dược sỹ đại học. Nhưng do công tác đào tạo chưa đạt kết quả như ý muốn nên điểm mấu chốt của vấn đề chưa được giải quyết. Mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ sinh viên đại học y, dược đậu chính thức có cam kết về công tác tại tỉnh sau khi tốt nghiệp từ 7 năm trở lên với mức 8 triệu đồng/người/năm và gửi đào bác sỹ, dược sỹ đại học hệ chính quy theo địa chỉ, có cam kết về công tác lâu dài tại tỉnh sau khi tốt nghiệp ở mức 1/2 kinh phí đào tạo nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Sau gần 20 năm xây dựng và nhiều năm chờ đợi nâng cấp, Trạm Y tế xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh) đang dần trở nên hoang phế.
Sau gần 20 năm xây dựng và nhiều năm chờ đợi nâng cấp, Trạm Y tế xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh) đang dần trở nên hoang phế.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 639 bác sỹ/4.323 tổng số cán bộ toàn ngành, kế hoạch đưa bác sỹ về tuyến xã mới chỉ đạt 52,7% và dự tính đến hết năm 2010 cũng chỉ mới đạt 67%. Thực trạng thiếu bác sỹ tuyến xã diễn ra rất phổ biến, nhất là ở các huyện miền núi, các xã vùng sâu, vùng xa.

Hệ thống y tế ở Hà Tĩnh đang phải đối mặt với bài toán thu hút và "giữ chân" nguồn nhân lực chất lượng cao bởi tình trạng "chảy máu" bác sỹ, dược sỹ đại học, bác sỹ chuyên khoa từ tuyến dưới lên tuyến trên, miền núi về đồng bằng, nông thôn ra thành thị và từ tỉnh ra các tỉnh khác có thu nhập, điều kiện làm việc tốt hơn.

Đội ngũ cán bộ y tế không chỉ thiếu về số lượng mà còn hạn chế về chất lượng. Hiện nay, trình độ chuyên môn chỉ mới thực hiện được khoảng 70% kỹ thuật theo phân tuyến, một số kỹ thuật cao thực hiện ở bệnh viện hạng I chưa được triển khai tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ còn chậm và chưa đồng bộ.

Cùng với những khó khăn trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ thì tinh thần làm việc, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế cũng đang gây nhiều bức xúc trong dư luận, nhất là ở tuyến huyện và tỉnh. Hiện tượng vòi vĩnh, sách nhiễu người bệnh luôn được cử tri, nhân dân phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri, các đợt lấy ý kiến dân nguyện hay đơn thư khiếu nại tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng...

Chế độ chính sách chưa đảm bảo

Theo tinh thần của đề án, tỉnh sẽ trích ngân sách hỗ trợ thêm ngoài lương cho bác sỹ công tác tại trạm y tế xã 500.000 đồng/người/ tháng; bác sỹ, dược sỹ đại học công tác ở các bệnh viện huyện miền núi như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh mức 3 trăm ngàn đồng/người/ tháng; bác sỹ, dược sỹ đại học làm công tác quản lý nhà nước hỗ trợ 20% lương hàng tháng nhưng đến nay chưa huyện nào thực hiện được.

Do thiếu kinh phí nên chế độ tiền trực ở tuyến cơ sở chưa đảm bảo, chỉ có 10.000 đồng/ca nhưng ở một số nơi nhiều năm liền chưa được trả do thiếu nguồn chi. Ngoài ra chế độ đội ngũ y tế thôn bản còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách địa phương nên chỉ dừng lại ở mức từ 30-40 ngàn đồng/ người/tháng, thậm chí một số nơi được trả bằng lúa chứ chưa được thực hiện theo mức 50% lương cơ bản theo quy định.

Do phải đầu tư khoảng 500 triệu đồng/xã mới đạt chuẩn (trong đó địa phương phải huy động được 45% và tìm ra 10% các nguồn vốn hợp pháp khác) nên phong trào xây dựng đạt chuẩn y tế có dấu hiệu chững lại. Đối với những trạm đã đạt chuẩn hầu hết đang trong quá trình xuống cấp và tỷ lệ "nợ" tiêu chí ngày càng nhiều. Tại các trạm này, hệ thống nhà cửa được xây dựng đã lâu, chất lượng kém, thiết kế không phù hợp; hệ thống trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu và thiếu đồng bộ, chủ yếu chỉ có những loại thông thường, còn máy siêu âm, xét nghiệm, điện tim và những loại hiện đại, rất ít.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast