Để Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy lan tỏa trong đời sống nhân dân

Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định 31/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là chủ trương đúng đắn của tỉnh và bước đầu tạo ra những thay đổi, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, để chủ trương trên lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân thì vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Lễ hội đua thuyền ở Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh)
Lễ hội đua thuyền ở Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh)

Theo ông Nguyễn Đình Tứ - Bí thư Chi bộ thôn Đông Hòa (Khánh Lộc – Can Lộc), quy định trên ngay sau khi ban hành đã nhận được ý kiến đồng tình của người dân. Đây là một quyết sách đúng đắn để nắn dòng chảy văn hóa đang có phần lệch hướng trong thời mở cửa. Không ít tiệc cưới, đám tang được tổ chức rình rang kéo dài nhiều ngày, nhằm thu hút sự quan tâm và “chia sẻ” phong bì của họ hàng, cơ quan, đoàn thể. Điều này hoàn toàn trái với quy định về nếp sống văn minh của Nhà nước, đi ngược với đạo lý, truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Việc thực hiện nghiêm quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tại Đông Hòa, đặc biệt là các bữa tiệc vui trong đợt tết vừa qua là hết sức văn hóa và tiết kiệm. Trong thôn, hễ có đám cưới, đám tang, trước đó, cấp ủy, cán bộ thôn đến thống nhất với gia đình về việc không uống rượu trong đám vui, không gây gổ đánh nhau; không rải vàng giấy bừa bãi. Chưa yên tâm, cán bộ thôn còn đích thân đến tận gia đình để hạn chế việc dùng bia rượu trong đám vui…

Chủ trương đúng đắn này của tỉnh đã thực sự tạo ra những thay đổi, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Ngay trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, tỉnh đã có chủ trương không bắn pháo hoa để đỡ tốn kém tiền của Nhà nước và doanh nghiệp. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức dự cưới trong giờ làm việc, uống rượu bia trong đám cưới, đám tang và ngày làm việc đã giảm hẳn. Cùng với Chỉ thị 35 của BTV Tỉnh ủy, kỷ cương nền nếp làm việc trong các cơ quan nhà nước được thắt chặt. Thói quen không uống rượu, bia của cán bộ, công chức đã được duy trì ngay cả trong những ngày nghỉ tết dài vừa qua. Việc cưới, việc tang được thực hiện theo nguyên tắc trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Việc mừng thọ các cụ cao niên trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ đã được gia đình, nhiều địa phương tổ chức rất văn hóa, tiết kiệm nhưng cũng đầy ý nghĩa. Sau khi làm lễ cho các cụ ở khối phố, gia đình tổ chức một bữa cơm nhỏ nhưng ấm cúng với những nghi lễ dành cho các bậc cao niên.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, dư luận hết sức phê phán chuyện lãng phí trong hoạt động ma chay, hiếu hỉ, lễ hội. Những lễ nghi đã ăn sâu vào nếp nghĩ và trở thành phong tục truyền thống của người Việt đang dần bị biến tướng. Có những đám cưới mời hàng ngàn người đến nhà hàng, khách sạn ăn uống linh đình, thậm chí lợi dụng đám cưới để thu lợi cá nhân.

Người dân Hà Tĩnh đã từng ngỡ ngàng khi được chứng kiến những màn biểu diễn siêu xe trong lễ đón dâu của các đại gia, chi hàng trăm triệu đồng mời ca sỹ nổi tiếng về hát trong đám cưới. Việc tang vẫn có người bày cỗ mời khách, rải tiền, đốt vàng mã quá nhiều, sử dụng loa công suất lớn, quá giờ quy định, đua nhau xây mồ mả, lăng miếu không theo quy định…

Lộn xộn trong hành lễ của du khách diễn ra phổ biến ở nhiều đền, chùa trong tỉnh

Lộn xộn trong hành lễ của du khách diễn ra phổ biến ở nhiều đền, chùa trong tỉnh

Lễ hội đầu năm mới, nhiều khách đi lễ đốt hương bừa bãi, xả rác tùy tiện, gây mất mỹ quan và tạo không khí ngột ngạt nơi đông người. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tình trạng uống rượu, bia quá đà trong các tiệc vui vẫn diễn ra. 70% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Vẫn có những vụ gây rối trật tự, xô xát xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là do quá chén, không làm chủ được bản thân.

Những địa phương có số lao động đi xuất khẩu lớn hoặc lao động làm việc xa về quê ăn tết có số người vi phạm Chỉ thị 20 phổ biến nhất. Những lao động này kinh tế thường khá giả nhưng không được tuyên truyền một cách đầy đủ các chủ trương của tỉnh.

Anh Trần Hoài Nam (phường Nam Hồng – thị xã Hồng Lĩnh) cho biết: “Hiệu quả của Chỉ thị số 20-CT/TU và Quyết định 31/2012/ QĐ-UBND còn tùy thuộc vào ý thức người dân. Nếu không thực sự xuất phát từ ý thức thì họ chỉ tuân thủ theo kiểu đối phó”.

Để Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định 31 của UBND tỉnh lan tỏa sâu rộng, thấm sâu vào đời sống người dân, cần sự tuyên truyền tích cực, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là các khối phố, xóm thôn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast