Đề phòng hiểm họa đuối nước ở trẻ em

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, không riêng Hà Tĩnh mà ở nhiều địa phương khác trong toàn quốc, đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Tình hình đuối nước ở trẻ em đặc biệt gia tăng vào dịp nghỉ hè và mùa mưa bão.

Tai nạn thương tâm

Sáng 31/3, vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại Thượng Lộc (Can Lộc) khiến 2 học sinh (HS) Lê Hồng Thanh (SN 2000), Trần Thị Hương (SN 2003) tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do 2 em rủ nhau xuống hồ bắt ốc nên bị đuối nước.

Sự quan tâm của gia đình là yếu tố bảo vệ tốt nhất cho trẻ

Sự quan tâm của gia đình là yếu tố bảo vệ tốt nhất cho trẻ

Cũng ngày 31/3, tại khu vực sông Hậu (Cần Thơ), 4 HS Trường THCS Đoàn Thị Điểm rủ nhau đi tắm sông. Hậu quả, 1 em tử vong, 3 em khác nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ngày 28/3, ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vụ tai nạn do rơi xuống hố nước để lại trong quá trình khai thác cát và đất sét của một doanh nghiệp đã cướp đi sinh mạng của 2 HS lớp 4. Ngày 11/3, tai nạn đau lòng lại xảy ra tại Bình Định khiến 2 cháu Rơ lan Nguyễn Trần Vũ Nam (2 tuổi), Rơ lan Lê Thanh Trúc (3 tuổi) tử vong. Nguyên nhân do các cháu trượt chân ngã vào một vũng nước sâu không có rào chắn. Và còn biết bao trường hợp đau lòng khác mà báo chí và các cơ quan chức năng chưa thể thống kê hết…

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ đuối nước cao ở trẻ em, đặc biệt là nhóm tuổi nhỏ là thiếu sự giám sát của người lớn. Chỉ vài giây thôi, tai nạn có thể xảy đến với các em và để lại những hậu quả đáng tiếc. Đối với nhóm HS ở lứa tuổi tiểu học, hầu hết các em không có sự giám sát của người lớn, đặc biệt, trong các kỳ nghỉ hè.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều ngôi nhà ở gần sông suối, ao hồ không có rào chắn; các giếng khơi và bể nước không có nắp đậy... là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn đau lòng đối với các em. Ngoài ra, một số công trường đang xây dựng, các hố nước hoặc công trình đã xây dựng xong nhưng không bảo đảm việc san lấp, không có rào chắn an toàn; các công viên có hồ nước không có hệ thống hàng rào bảo vệ; bãi biển có nhiều đá ngầm nhưng thiếu các phương tiện cứu sinh, đội tuần tra cứu hộ. Trẻ em đang thiếu trầm trọng chỗ vui chơi, giải trí an toàn. Ao, hồ, sông, suối, hố nước công trường... vô tình trở thành điểm vui chơi chính của trẻ. Việc trẻ em không được huấn luyện và học kỹ năng bơi lội cũng góp phần tạo nên tai nạn đuối nước.

Trách nhiệm của người lớn…

Những vụ trẻ đuối nước thương tâm xảy ra, phần lớn trách nhiệm thuộc về người lớn trong việc thiếu quản lý, giám sát hoạt động vui chơi của con em mình. Vì vậy, các gia đình cần tạo môi trường an toàn cho trẻ bằng cách làm tường rào cho các mặt nước hở, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước. Thường xuyên giám sát khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ, tắm ở bể bơi, tắm biển. Cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ, đồng thời tạo điều kiện để trẻ học bơi, nâng cao sức khỏe và ứng phó với tai nạn đuối nước.

Thời tiết nóng bức cộng thêm thời gian nghỉ hè dài, nhu cầu vui chơi, giải trí của các em càng tăng cao. Trẻ em tìm đến các bãi ven sông, ao, hồ để tắm mát, chơi đùa càng nhiều. Do đó, để giảm tai nạn đuối nước, việc cần làm đầu tiên là tạo ra các khu vui chơi an toàn, lành mạnh, thu hút trẻ, giáo dục trẻ biết cảnh giác trước mối nguy hại đuối nước. Nhà trường cũng phải nhắc nhở, giáo dục các em; đưa bơi lội trở thành một môn học thể chất không thể thiếu. Nhà trường và gia đình cũng cần có sự phối hợp trong việc quản lý trẻ, nhất là vào những ngày hè.

Những vụ tai nạn đau lòng vẫn xảy ra với con trẻ dù rằng nguyên nhân không còn mới, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Những con số lên tiếng, những nguyên nhân được tìm ra hy vọng sẽ góp phần cảnh tỉnh vai trò, trách nhiệm của gia đình và xã hội nhằm giảm đến mức thấp nhất tai nạn cho trẻ em khi kỳ nghỉ hè đang đến gần.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast