Đền ơn đáp nghĩa là hoạt động thường xuyên, liên tục

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành LĐ-TB&XH và người dân hết sức quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của gia đình chính sách, người có công với cách mạng được cải thiện rõ rệt. Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, PV Báo Hà Tĩnh phỏng vấn ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về nội dung này.

Đền ơn đáp nghĩa là hoạt động thường xuyên, liên tục ảnh 1

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng gắn huy hiệu cho các Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng đợt 2 năm 2014. Ảnh tư liệu.

- Ông có thể cho biết những kết quả của phong trào đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Toàn tỉnh có 298.075 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó: chi trả thường xuyên 47.565 người, kinh phí 814 tỷ đồng; trợ cấp một lần 22.766 người, kinh phí 72,1 tỷ đồng. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, phong trào đền ơn, đáp nghĩa đã được triển khai sâu rộng và ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực. Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân, người có công trên địa bàn đều được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước đúng, đủ, kịp thời theo quy định.

Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã thẩm định trình Chủ tịch nước quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 1.226 mẹ. UBND tỉnh đã long trọng tổ chức lễ tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 1.066 mẹ trong 4 đợt, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn toàn tỉnh lên 1.775 mẹ, trong đó có 104 mẹ còn sống.

Các chính sách ưu đãi về GD&ĐT, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe được thực hiện đồng bộ. Đặc biệt, nhằm nâng cao sức khỏe cho người có công, hàng năm, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức điều dưỡng tập trung cho 3.000 người có công tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh. Công tác xã hội hóa các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được các cấp, ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng. Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã huy động được trên 117 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 4.340 nhà ở cho người có công ở các huyện, thị, thành.

Nhờ những nỗ lực trong công tác đền ơn đáp nghĩa, đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người có công được nâng lên; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công. Từ năm 2014 đến nay, từ nguồn kinh phí trung ương ủy quyền, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác, chúng ta đã huy động được trên 50 tỷ đồng, xây dựng 3 nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện; nâng cấp, tu sửa 4 nghĩa trang và 20 tượng đài, nhà ghi tên liệt sỹ...

Thiết thực hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Chi đoàn Báo Hà Tĩnh vừa tổ chức chuyến hành hương về các địa chỉ đỏ và tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công. (Trong ảnh: ĐVTN Chi đoàn dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn).

Thiết thực hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Chi đoàn Báo Hà Tĩnh vừa tổ chức chuyến hành hương về các địa chỉ đỏ và tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công. (Trong ảnh: ĐVTN Chi đoàn dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn).

- Để các gia đình chính sách, người có công được chăm lo tốt hơn, thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào những nhiệm vụ nào, thưa ông?

Trước mắt, để thiết thực kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 271 với những nội dung chính như: tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ chế độ ưu đãi người có công; giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về chính sách; phát động phong trào toàn dân chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam. Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt việc tổ chức phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt 5 cho 160 mẹ; tổ chức 26 đoàn thăm hỏi, tặng quà cho 61.925 gia đình người có công và gia đình chính sách với số tiền trên 20 tỷ đồng; triển khai hoạt động thắp nến tri ân tại tất cả các nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia tưởng niệm trong tỉnh vào tối 26/7.

Thực hiện kịp thời, đồng bộ các chính sách ưu đãi người có công, nhất là chính sách đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chế độ, chính sách khác.

Bên cạnh đó, các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra, truy thu nguồn kinh phí cấp sai trong công tác thực hiện chính sách theo Kết luận 201 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch.

Để chính sách ưu đãi đến với đối tượng kịp thời, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, có chương trình, hành động thiết thực nhằm hỗ trợ vật chất, tinh thần đối với người có công. Đội ngũ cán bộ cơ sở nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách để công tác đền ơn đáp nghĩa trở thành phong trào thường xuyên, liên tục và có tính lan tỏa sâu rộng.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast