“Dị nhân” nơi Cổng Trời

(Baohatinh.vn) - Nghe người dân kể câu chuyện về một cụ bà hàng ngày vẫn cuốc bộ vạn bước từ chân đèo lên đỉnh đèo để quét dọn, hương khói nơi Cổng Trời, chúng tôi tìm đến Hoành Sơn Quan.

Những đợt gió thốc xoáy vào mặt, lạnh cắt da, cắt thịt. Gió lộng khiến những nén nhang mà người qua đường thắp lên những ngôi mộ ở Hoành Sơn Quan không kịp cháy hết. Nỗi ớn lạnh trào dâng khi cảm nhận được sự heo hút, cô quạnh nơi đây, chúng tôi càng không tin vào câu chuyện về “dị nhân”. Nhưng khi chưa kịp định thần, từ trong túp lều nhỏ bên cạnh Cổng Trời, người đàn bà bước ra chào chúng tôi. Sau một hồi trò chuyện, bà trải lòng về cuộc đời mình.

Bất kể nắng mưa, hàng ngày, bà Ngùy vẫn lên quét dọn, hương khói nơi Cổng Trời

Bất kể nắng mưa, hàng ngày, bà Ngùy vẫn lên quét dọn, hương khói nơi Cổng Trời

Sinh ra và lớn lên ở thôn Minh Thành, xã Kỳ Nam (Kỳ Anh), thuở nhỏ, bà Nguyễn Thị Ngùy vẫn thường theo lũ trẻ trong làng lên đỉnh Đèo Ngang nhặt củi. Cổng Trời vẫn thường là chốn dừng chân nghỉ ngơi, chơi đùa của bà và bạn bè. Lớn lên, bà Ngùy kết hôn với ông Bùi Đức Bản – người bạn một thời. Bà kể: “Khi ông nhà tôi còn sống thì vẫn thường lên đây dọn dẹp, hương khói. Năm 2000, ông mất do bạo bệnh. Trước lúc hấp hối, ông cầm tay tôi dặn dò: “Nếu ai có nói gì thì mặc họ, tôi mất rồi thì bà nhớ thay tôi chăm sóc khu Hoành Sơn Quan, chứ đừng để hoang vắng, lạnh lẽo tội lắm...”.

Thực hiện di nguyện của người chồng quá cố, hơn 10 năm qua, bất kể nắng hay mưa, hàng ngày, bà Nguyễn Thị Ngùy vẫn lặn lội gần chục cây số trèo lên Khu di tích Hoành Sơn Quan trên đỉnh Đèo Ngang để quét dọn, sửa sang, thắp đèn nhang như một lời tri ân với di tích huyền thoại, tri ân với đại ngàn Đèo Ngang sừng sững vi vu với nắng gió... Vừa nhanh tay nhặt nhạnh những vỏ chai và túi ni lông mà khách đi đường bỏ lại, bà Ngùy vừa kể: “Lúc đầu, tôi lên đây chặt cây dại, quét dọn Khu di tích Hoành Sơn Quan theo lời trăng trối của chồng, nhưng rồi tự mình gắn bó với nơi này lúc nào không hay. Những hôm đổ bệnh không đi bộ được, tôi nhờ con cháu chở lên. Có những đêm mưa bão không về được, tôi ở lại đây luôn”.

Chúng tôi thắc mắc: “Bà vất vả làm lụng kiếm ăn qua ngày chưa đủ sao? Bà cười nói: “Người ta cứ hay nghĩ đến chuyện công cán, lợi ích, còn chuyện di tích Hoành Sơn Quan bao năm nay

hoang vắng, cỏ rậm, cần người quét dọn, dâng hương cho đỡ lạnh lẽo thì không mấy ai quan tâm”. Công việc mà thiên hạ cho là “vô công rồi nghề” đối với bà Ngùy là việc tri ân đối với di tích huyền thoại. Ngay cạnh Cổng Trời còn có miếu thờ Mẫu Liễu Hạnh (tương truyền, miếu thờ này chính là nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng xuống đầu tiên) và những ngôi mộ mà theo bà Ngùy là của những nạn nhân tử nạn trên đường đèo. Nhờ có bàn tay chăm chút của bà mà cả khu di tích nổi tiếng sạch đẹp và ấm áp hương khói, mở lối cho du khách thập phương đến tham quan.

Bà Ngùy cho biết: Năm 2012, bà được xã trả công 50.000 đồng/tháng, năm 2013 là 100.000 đồng/tháng để làm công việc dọn dẹp tại Khu di tích Hoành Sơn Quan. “Dù không được trả công thì tôi vẫn làm công việc này cho đến cuối đời” – bà nói. Ở tuổi 78, bà Nguyễn Thị Ngùy vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Bà rưng rưng: “Tôi nhớ ngày ông còn sống, ông khóc vì thấy khu di tích này hoang phế. Hằng ngày, tôi phải canh chừng tụi con nít, chúng nó hay đùa nghịch, chặt cây, phá phách mái chùa, hương đèn, cho trâu bò ăn cỏ, đi lại bừa bãi. Khách tham quan ăn uống, vứt vỏ lon bia, bao thuốc lá, hộp bánh kẹo khắp nơi”. Ngày nào bà Ngùy cũng phải nhặt nhạnh, dọn dẹp và nhắc nhở khách tham quan. Người tốt thì xin lỗi, số khác thì cự nự. Song bà không bao giờ để bụng, “Tôi gom vỏ bia, bao ni-lông, đem xuống bán cho mấy người đồng nát, góp từng đồng để mua hương đèn” - bà nói.

Hình ảnh “dị nhân” Nguyễn Thị Ngùy ngày ngày cuốc bộ vạn bước lên đỉnh Đèo Ngang, dọn dẹp vệ sinh chốn Cổng Trời không còn bí ẩn trong câu chuyện của những người dân dưới chân đèo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast