Điểm tựa nhân ái cho người khuyết tật

(Baohatinh.vn) - Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể trên địa bàn Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ người khuyết tật cả về vật chất lẫn tinh thần để họ tham gia bình đẳng vào các hoạt động KT-XH, vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội ổn định.

Điểm tựa nhân ái cho người khuyết tật ảnh 1

Xưởng may của Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và GQVL cho người tàn tật tỉnh là nơi giải quyết việc làm cho nhiều người khuyết tật.

Với phương châm xã hội hóa công tác chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật, hội bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia công tác từ thiện - nhân đạo. Qua đó, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quyên góp tiền, hàng hóa, công lao động, tổ chức các lớp dạy nghề... để hỗ trợ người khuyết tật xây dựng nhà ở, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Nhờ đó, hàng nghìn lượt người khuyết tật đã được trợ cấp khó khăn; khám chữa bệnh miễn phí, tặng xe lăn…, giúp họ vượt qua bệnh tật, xóa bỏ mặc cảm, tự ti; đồng thời, tạo điều kiện giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nhân ngày lễ tết, các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên thăm hỏi, tặng quà động viên người khuyết tật. Một số cán bộ nghỉ hưu cũng đã tích cực giúp đỡ người tàn tật, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm cùng tham gia hoạt động từ thiện.

Đáng chú ý là Hà Tĩnh đã xây dựng được trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, thu nạp hàng trăm em vào học nghề. Đặc biệt, có nhiều em đã thành vợ chồng, tự vượt lên chính mình bằng sản phẩm của trí óc và bàn tay lao động.

Công tác chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật; khơi dậy và phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật được cải thiện đáng kể. Họ có thêm cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống…

Mặc dù cuộc sống của người khuyết tật đã được cải thiện, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, việc dạy văn hóa, đào tạo nghề và tạo việc làm chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Vấn đề mấu chốt giúp họ có thể hòa nhập cộng đồng là tạo việc làm, nhưng hiện nay, tỷ lệ người khuyết tật thất nghiệp vẫn còn cao. Nhiều người còn khả năng lao động, mong muốn tìm được việc làm phù hợp để không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội nhưng cũng không dễ… Đây là những “rào cản” làm hạn chế khả năng cũng như sự hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật.

Để giúp người khuyết tật vượt qua “rào cản”, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng, thiết nghĩ, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật; đào tạo, hướng dẫn họ tiếp cận các dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần phát hiện và can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; trợ giúp xã hội và pháp lý để tiếp cận các vấn đề về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, sử dụng các công trình xây dựng và tham gia giao thông công cộng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast