Điều kỳ diệu của cuộc sống!

(Baohatinh.vn) - Người khuyết tật, dù ở hoàn cảnh, mức độ nào, cũng thường mang trong mình những mặc cảm nhất định. Tuy nhiên, đối với không ít người kém may mắn khi phải gánh chịu những khiếm khuyết của cơ thể, đã vững tin vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, để viết nên những điều kỳ diệu bằng ý chí, nghị lực và niềm tin trong cuộc sống…

dieu ky dieu cua cuoc song

Lê Thái Bình tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em nghèo xã Kỳ Tân.

Hành trình đẫm nước mắt

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Kỳ Tân (Kỳ Anh), cậu bé Lê Thái Bình (SN 1988) bị tàn tật do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Với đôi chân và đôi tay tật nguyền, Bình phải dựa vào chiếc xe ba bánh để đi lại, mãi đến năm 11 tuổi, mới chập chững những bước đi đầu đời. Di chứng của chất độc da cam còn khiến giọng nói của Bình không được tròn vành rõ chữ.

Năm 12 tuổi, Bình mới được đến trường. Là cậu bé không được lành lặn như mọi người, Bình luôn là tâm điểm để bọn trẻ cùng lứa chọc ghẹo. Những tưởng, khó khăn, tủi hờn như thế đã quá đủ với một cậu bé tật nguyền, nhưng nghiệt ngã hơn khi đang học lớp 7, sức khỏe quá yếu, Bình chính thức phải rời ghế nhà trường để nhập viện điều trị, để lại bao ước mơ, hi vọng về tương lai.

Còn anh Võ Tá Huy (SN 1983), là con thứ ba trong gia đình nghèo có 5 anh em ở xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh). Năm chưa đầy hai tuổi, Huy bị trận ốm "thập tử nhất sinh" dẫn đến tai biến, chân tay co quắp. Suốt thời ấu thơ, Huy đã phải sống trong sự tự ti, mặc cảm của thân phận tật nguyền. Trải qua không biết bao nhiêu cơn đau hành hạ cả về thể xác, lẫn tinh thần, học hết lớp 9 Huy phải nghỉ học vì điều kiện gia đình quá khó khăn. Ước mơ lúc bấy giờ của Huy là có được một nghề nghiệp phù hợp để tự kiếm sống cho bản thân và để giúp đỡ gia đình, bởi anh không muốn bố mẹ phải vất vả vì mình hơn nữa. Nhờ bố sắm cho bộ đồ nghề, hàng ngày, Huy lê la tìm đến các quán cà phê, quán ăn ở Thị xã để đánh giày kiếm tiền. 

May mắn hơn Bình và Huy khi có cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, nhưng Nguyễn Văn Tính (SN 1983), quê ở xã Thuần Thiện (Can Lộc) lại sớm phải chịu cảnh mất mát, tổn thương về tình cảm khi mất đi cả bố và mẹ. Gia đình 2 bên nội ngoại khó khăn, lên 10 tuổi, Tính được đón về làng trẻ SOS Hà Tĩnh. Nhưng những cú sốc vẫn chưa dừng lại ở đó, khi vừa chập chững bước vào cuộc đời thì Tính thi trượt đại học rồi bị tai nạn đến “thừa sống, thiếu chết”… Anh nghẹn ngào: Bao nhiêu cố gắng, nỗ lực của bản thân, bao nhiêu niềm tin, kỳ vọng mọi người đặt vào mình lúc đó đều đổ sụp khi kết quả thi đại học báo về. Cảm giác hụt hẫng, tội lỗi và vô dụng bủa vây, ước mơ làm giáo viên dạy Toán của tôi cũng tan thành bọt nước.

dieu ky dieu cua cuoc song

Anh Võ Tá Huy miệt mài với công việc in lưới để kịp giao hàng cho khách 

Hạnh phúc không khuyết

Trở lại câu chuyện của Lê Thái Bình, khi mọi ước mơ, hy vọng tưởng đã vụt tắt, thì một tia sáng của cuộc đời đã kéo Bình đứng dậy, khi anh được người quen giới thiệu đến với Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Trải qua 1 năm miệt mài khắc phục khó khăn học tập, Bình đã được nhận chứng chỉ về công nghệ thông tin và quyết tâm về quê lập nghiệp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu nhưng với những kiến thức được học, cộng thêm nghị lực vượt khó vươn lên, Lê Thái Bình đã mở được điểm truy cập internet ở làng quê nghèo. Hiện nay, ngoài kinh doanh dịch vụ truy cập internet, Bình còn nhận cài đặt máy tính, điện thoại, kinh doanh đồ điện tử… để tăng thêm thu nhập.

Không dừng lại ở đó, với khát khao cống hiến tuổi trẻ của mình cho xã hội và muốn chia sẻ yêu thương cho những người đồng cảnh ngộ, Bình còn lập nên Đội tình nguyện Kỳ Anh, qua mạng xã hội facebook kết nối với các bạn trẻ để tổ chức các chương trình từ thiện giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đội tình Kỳ Anh ra đời năm 2013, đến nay đã thu hút hơn 100 thành viên tham gia, thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm khích lệ động viên người khuyết tật tự tin trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Còn với Võ Tá Huy, trong những lần lang thang đánh giày, Huy may mắn được gặp Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và được ông đưa về học tin học. Hơn 1 năm miệt mài học nghề và 3 năm làm nghề tại trung tâm, đến nay Võ Tá Huy đã tự mở cửa hàng in thiệp cưới, bao bì… tại xã Thạch Hạ. Cũng chính từ trung tâm, anh gặp, quen và kết hôn với cô gái khuyết tật vận động Ngô Thị An (SN 1981) hiền lành, nết na đang theo học nghề may. Vượt qua những mặc cảm, những khó khăn khi hai bên gia đình không đồng ý, cặp đôi Huy An đã đến với nhau bằng tình cảm chân thành và lần lượt đón chào hai “thiên thần nhỏ” lành lặn, kháu khỉnh. “Trung tâm chính là cầu nối, là cha mẹ tái sinh ra tôi lần thứ 2, không chỉ cho tôi nghề để sống mà còn cho tôi gia đình hạnh phúc” - Anh Võ Tá Huy xúc động.

Cú sốc sau khi trượt đại học rồi cũng qua khi Nguyễn Văn Tính nhận được sự chia sẻ, động viên từ người cha nhân từ của làng trẻ - Dương Quỹ Đạo. Tính quyết chí lên đường vào Sài Gòn học nghề điện tử, thế nhưng sau 3 năm học, ngành điện tử quá phát triển, những gì anh được học trở thành lỗi thời. Một mình lặn lội nơi đất khách, đồng lương làm thêm cho các công ty điện tử ít ỏi, cuộc sống muôn vàn khó khăn… Năm 2007, Tính bị tai nạn giao thông, chấn thương nặng. Biết tin, bố Đạo lại đón anh trở về Làng SOS. Thêm một lần nữa, với sự đùm bọc của Làng, Tính được “hồi sinh”.

Được bố xin vào làm tại siêu thị điện máy, Tính vừa làm nhưng cũng vừa suy nghĩ đến con đường tương lai của mình và phát hiện ra bản thân không hợp với nghề hiện tại. Sau khi trò chuyện cùng bố, Tính quyết tâm thi vào khoa Xét nghiệm trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh. Lúc này, anh vừa học vừa làm trang trải chi phí học tập. Không phụ lòng mong mỏi của bố, năm 2012, với thành tích học tập tốt anh Tính vượt qua hơn 200 “đối thủ” vào công tác tại Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

“Không có bố, không có làng trẻ SOS Hà Tĩnh cuộc đời tôi đã sang một trang khác. Trong mỗi bước đi của tôi, mỗi khó khăn tôi gặp phải luôn có bố bên cạnh dìu dắt. Bố Đạo chính là niềm tin, là động lực để tôi vượt qua mọi trở ngại làm nên cuộc sống như bây giờ. Tôi đang tiếp tục theo học hệ cử nhân, nâng cao tay nghề, nghiệp vụ để có thể giúp ích nhiều hơn cho xã hội” - Anh Nguyễn Văn Tính tâm sự.

Mỗi câu chuyện đều là một thước phim quay chậm về những nỗ lực không ngừng nghỉ mà mọi câu chữ đều khó có thể diễn tả hết; và mỗi người đều được nhận lại những trái ngọt sau những vất vả, khó khăn họ vun trồng, xây đắp. Có thể nói rằng, nơi nào có nghị lực, có niềm tin, có yêu thương, san sẻ nơi đó có hạnh phúc. Họ có thể khuyết thiếu về những bộ phận cơ thể, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, hạnh phúc của họ vẫn tràn đầy. Với những nỗ lực của mình, họ đang viết tiếp những điều kỳ diệu cho cuộc sống, cho những người đồng cảnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast