Đìu hiu một dải cù lao

(Baohatinh.vn) - Thôn Hồng Lam (thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh) có diện tích khoảng 300ha, 210 hộ với 650 nhân khẩu. Thôn là một cù lao giữa sông Lam, kinh tế chủ yếu dựa vào cói và lạc, giao thông cách trở nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã và đang đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Theo các cụ cao niên, những năm 1980, dân số trong thôn khá đông đúc, nhưng sau trận lũ lịch sử xảy ra vào năm 1988, người dân bắt đầu di cư lên bờ, chủ yếu vào các tỉnh phía Nam làm ăn. Hiện tại, dân số thôn chỉ còn khoảng hơn 1/3 so với trước.

Muốn qua sông, không còn cách nào khác là phải…"lụy" đò!

Muốn qua sông, không còn cách nào khác là phải…"lụy" đò!

Nguyên nhân chính khiến dân làng phải "ly hương" là do hoạt động sản xuất, đi lại quá khó khăn. Việc ra vào thôn chỉ có thể bằng thuyền đò khiến sản phẩm làm ra vốn đã ít ỏi lại khó tiêu thụ. Gian nan nhất là vận chuyển hàng hóa nặng và cồng kềnh; hay muốn làm một công trình nào cũng rất khó khăn vì chi phí vận chuyển cao.

Đìu hiu một dải cù lao ảnh 2

“Chợ” hiếm người bán, vắng người mua

Chị Giáo - người đưa…”chợ” xuống xóm đảo nghèo

Chị Giáo - người đưa…”chợ” xuống xóm đảo nghèo

“Đại lý phân phối” gạo lớn nhất thôn

“Đại lý phân phối” gạo lớn nhất thôn

Ô nhiễm rác - dấu tích còn sót lại sau đợt lũ
Ô nhiễm rác - dấu tích còn sót lại sau đợt lũ

Thanh niên trong thôn sau khi học xong phần lớn lựa chọn con đường “Nam tiến” nên dân số trong thôn chủ yếu là người già hay những bậc trung niên, độ tuổi thanh niên trong làng không đến 5% dân số, trẻ con trong làng cũng hiếm. Phân hiệu trường cấp 1 tọa lạc giữa thôn chỉ có 15 em theo học 4 lớp (không có lớp 1), trường mẫu giáo của thôn cũng chỉ có 12 cháu.

Lớp học chỉ có...4 học sinh!
Lớp học chỉ có...4 học sinh!

Giáo viên hôm nào cũng phải đi đò để đến trường giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Loan chia sẻ: Vất vả nhất là khi lũ về, có khi nước ngang cổ vẫn phải vượt thuyền vào trường chuyển trang thiết bị, rồi quét dọn sau lũ…Cách đây 6 năm, khi tôi mới về trường cũng đông vui lắm, mỗi khóa có hơn 100 học sinh các khối. Những năm trở lại đây, số học sinh ngày càng thưa dần.

Một cây cầu bắc qua sông phục vụ nhu cầu đi lại là ước nguyện lớn nhất của bà con xóm đảo. Có nối liền với bờ thì Hồng Lam mới có cơ hội phát triển và xây dựng nông thôn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast