Đoàn công tác Ban TG Trung ương thăm và làm việc tại Hà Tĩnh

Chiều 17-4, đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng ban Lâm Phương Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về việc tổ chức khảo sát tình hình GD-ĐT nghề tại Hà Tĩnh để chuẩn bị các văn kiện phục vụ Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6, ban hành nghị quyết về “Đổi mới căn bản, toàn diện nền Giáo dục Việt Nam”. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnhNguyễn Thiện, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủyĐặng Quốc Vinh, đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, đoàn đã được nghe lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở LĐTB-XH báo cáo thực trạng về công tác GD-ĐT, công tác đào tạo nghề của tỉnh thời gian qua. Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và luôn giữ vững thành tích là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Hệ thống giáo dục từ bậc học mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên tiếp tục phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chiếm hơn 99% (năm 2011); chất lượng phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được đẩy mạnh, 523 trường đạt chuẩn quốc gia (cao nhất cả nước) trong đó có 115 trường mầm non, 296 trường tiểu học, 98 trường THCS, 14 trường THPT. Tuy vậy, công tác GD-ĐT vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế. Đáng lo ngại là đạo đức học sinh có dấu hiệu xuống cấp, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn nhức nhối, hiện tượng nữ sinh gây gổ đánh nhau còn tái diễn. Năng lực đội ngũ giáo viên không đồng đều, tình trạng lạm thu tại một số trường vẫn tiếp diễn gây bất bình trong dư luận.

Về công tác đào tạo nghề, hiện toàn tỉnh có 37 cơ sở dạy nghề với quy mô hàng năm từ 25 - 30 nghìn lượt người. Riêng năm 2011, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 30 nghìn lượt người (đạt 112% so với kế hoạch), chiếm phần lớn là lao động nông thôn và các đối tượng đặc thù, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 35%. Cùng với việc phát triển về số lượng, chất lượng dạy nghề ngày càng được nâng cao, tỷ lệ lao động sau tốt nghiệp tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm mới trên cơ sở ngành được đào tạo đạt 86%. Hệ thống cơ sở dạy nghề đào tạo được cả 3 cấp trình độ...

Đoàn thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức

Đoàn thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức

Phát biểu tại buổi làm việc, hầu hết các đại biểu đều cho rằng thực tế về kinh phí để đầu tư cho GD-ĐT nghề vẫn còn nhiều hạn chế; việc đảm bảo công bằng giữa trường công lập và ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn; công tác nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục toàn diện cần được quan tâm hơn; tình hình dạy học một số môn có ưu thế về giáo dục làm người trong trường phổ thông cần được chú trọng hơn nữa; nên hạn chế việc đào tạo liên thông; việc ôn thi tốt nghiệp và thi vào đại học nên đổi mới như thế nào để đảm bảo thực chất, giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh và học sinh...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Xuân Việt đánh giá cao tầm quan trọng của công tác khảo sát trong việc góp phần đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Thực tế giáo dục hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức lớn; việc thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục hết sức khó khăn. Phong trào xã hội hóa giáo dục ngày càng phát triển nhưng công lập vẫn là chủ yếu. Để triển khai công trình trọng điểm, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, thế nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó trưởng ban TG Trung ương Lâm Phương Thanh biểu dương những cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền toàn tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo, đầu tư cho giáo dục, đồng thời chia sẻ những khó khăn chung của ngành như: bất cập về chất lượng, sự xuống cấp về đạo đức học đường, công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp phải được chú trọng từ bậc THCS; chính sách công lập, dân lập chưa thỏa đáng, chưa công bằng; công tác giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề còn nhiều chồng chéo, chưa có quy chuẩn; mặc dù tỉnh nhà đã gắn kết được với nhiều chương trình, dự án để nâng cao chất lượng nhưng quy mô đào tạo còn hạn chế. Về một số đề xuất như cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ; chính sách đối với học sinh giỏi quốc gia, liên doanh liên kết... đoàn công tác sẽ tiếp thu, nghiên cứu để tham mưu trong việc hoàn chỉnh các văn kiện phục vụ Hội nghị BCH Trung ương sắp tới.

Cùng ngày, đoàn đã đến thăm và làm việc vớiTtrường Cao đẳng Nghề Việt Đức; Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề TP Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast