Đợi chờ trong… vô vọng!

Sau khi đóng gần 35 triệu đồng/hộ vào Kho bạc Nhà nước, 11 hộ nghèo ở khối 4, thị trấn Thạch Hà khấp khởi mừng. Trớ trêu thay, gần 6 năm qua, khu vực cấp đất cho các hộ chỉ là ruộng lúa. Những hệ lụy xấu theo đó cũng nảy sinh và chưa biết bao giờ mới kết thúc khi chính quyền địa phương lâm vào thế bế tắc trong việc tìm hướng tháo gỡ vụ việc...

Dự án cấp đất cho hộ nghèo ở thị trấn Thạch Hà:

Gần cuối năm 2006, những hộ này đã vượt qua hàng trăm lá đơn vòng “loại”, 11 hộ đã lọt vào danh sách “được cấp đất do có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” vì thông báo của nhà chức trách cho biết, đến ngày 8/11/2006, nếu không đóng đủ số tiền gần 35 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước coi như cơ hội được cấp đất cũng chấm dứt để dành cho những hộ khác… có tiền.

Nhiều hộ đã chạy đôn, chạy đáo khắp nơi, từ người thân đến bạn bè, thậm chí có người còn vay “nóng” để có đủ số tiền đóng nộp. “Đến nay, tôi chưa thoát khỏi cảnh nợ nần. Số tiền đó không lớn với nhiều người nhưng với những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn như chúng tôi là một gánh nặng”, chị Lê Thị Minh ở khối 4, thị trấn Thạch Hà than thở.

Rất ít người tin đây là khu đất đã được cấp cho 11 hộ dân của thị trấn Thạch Hà
Rất ít người tin đây là khu đất đã được cấp cho 11 hộ dân của thị trấn Thạch Hà

Tưởng rằng, sau khi nộp đủ số tiền theo quy định, chính quyền thị trấn sẽ tiến hành đo đất và làm các thủ tục để huyện làm sổ đỏ, nhưng “chẳng hiểu vì lý do gì, thị trấn cứ chần chừ “khất”, “mãi đến đầu năm 2007, khi chúng tôi thúc giục họ mới tiến hành khảo sát thực địa. Phần đất được cấp lại thiếu hụt rất nhiều. Nguyên nhân được giải thích là do các hộ gia đình lối 1 lấn chiếm nên chưa thể đo đất được”, ông Phạm Văn Phồn, một “nạn nhân” bức xúc kể.

Theo trình bày của các hộ trong đơn gửi các cơ quan chức năng, phần đất cấp cho các hộ dân ở khối 4 (người dân địa phương thường gọi là xóm Mụ Khuyển) thuộc lối 2 trên tuyến đường từ thị trấn Thạch Hà đi Quán Gạc (Thạch Đài - Thạch Hà). Phía Bắc giáp trường dạy nghề của huyện; phía Nam giáp chùa Bình Vôi; phía Đông giáp ruộng của dân; phía Tây giáp và quay lưng với những lô đất tuyến 1.

Các hộ dân bức xúc với cách ứng xử của chính quyền thị trấn Thạch Hà
Các hộ dân bức xúc với cách ứng xử của chính quyền thị trấn Thạch Hà

Cũng theo các hộ này, trước khi nộp số tiền gần 35 triệu đồng cho phần diện tích 229 m2/hộ, cán bộ thị trấn chỉ khu vực phía Đông giáp ruộng và nói sẽ mở một con đường rộng 3m ở vị trí này. Nay, với việc lấn chiếm của các hộ lối 1 thì con đường này “bỗng dưng” biến mất. Muốn có đủ diện tích cấp cho các hộ phải tiến hành xê dịch khoảng 3m về phía trước.

Lấy đâu ra kinh phí để bồi thường phần đất ruộng cho người dân? Phần kinh phí để làm đường cũng chẳng biết trích từ nguồn nào? Đó là những câu hỏi khó khiến chính quyền thị trấn Thạch Hà bối rối và tìm cách “câu giờ”. “Bà con cứ về, chúng tôi sẽ xem xét và giải quyết” là câu trả lời mỗi khi có hộ dân hỏi về bìa đỏ.

Không chỉ thị trấn lâm vào thế “bí” mà những hộ dân này cũng đang trong cảnh vô vọng. “Mấy anh em chen chúc nhau trong phần diện tích chật hẹp nên thường xuyên phát sinh mâu thuẫn. Lời ong tiếng ve nghe mãi rồi cũng quen, chỉ tiếc không kiềm chế nổi, anh em trong nhà lắm lúc lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Thậm chí có khi anh em còn vác dao rượt đuổi nhau chỉ vì có đất rồi mà không chịu… ra ở riêng. Rất may cho anh em chúng tôi là nhờ có hàng xóm can thiệp kịp thời nên hậu quả xấu đã không xảy ra”, anh Trần Văn Truyền tức giận nói.

Đơn khiếu nại và những biên lai nộp tiền đất
Đơn khiếu nại và những biên lai nộp tiền đất

Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Hà Nguyễn Phùng Lưu cho rằng: “Trách nhiệm đó thuộc về người tiền nhiệm là ông Nguyễn Quốc Nhì (Chủ tịch cũ). Bây giờ có hai hướng giải quyết, hoặc thị trấn sẽ rà soát các hộ lối 1 xem có thực sự lấn chiếm hay không để tháo dỡ, hoặc là đền bù đất nông nghiệp để làm đường.

Tuy nhiên, cả hai cách đều rất khó. Bởi, tuyến đường từ Cày đi Quán Gạc đã được mở rộng nên các hộ lối 1 buộc phải lùi ra sau; hơn thế, khi mở rộng tuyến đường, họ không tiến hành cắm mốc lộ giới nên chẳng biết đâu mà lần. Thêm nữa, nếu có vi phạm việc xử lý ban đầu rất dễ, còn bây giờ nhiều hộ đã xây nhà kiên cố e rằng khó thực hiện. Kinh phí làm đường và đền bù đất nông nghiệp thị trấn không biết lấy đâu ra. Trích ngân sách năm sau để giải quyết tồn đọng những năm trước là không được bởi sai nguyên tắc”.

Theo cách giải thích của Chủ tịch thị trấn thì chưa biết bao giờ 11 hộ dân này mới có cơ hội nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?! Việc giải quyết những hệ lụy từ bi kịch gia đình và xây cất nhà cửa hay đơn giản là chuyển nhượng quyền sở hữu của các hộ ngay chính mảnh đất được cấp không thể thực hiện được.

Niềm hy vọng của các hộ dân lại càng mong manh hơn bao giờ hết khi khu đất cấp cho họ bây giờ chỉ là ruộng lúa xanh mơn mởn. Trong khi đó, chính quyền thị trấn vẫn chưa có một động thái nào xoa dịu bức xúc của người dân. Khó, nhưng không phải không có cách giải quyết. Vấn đề là chính quyền thị trấn với người kế nhiệm mới có coi đây nhiệm vụ cấp bách cần sớm được giải quyết hay không?!.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast